Câu chuyện mới của ngành đường

Thừa cung lớn, đường lậu tràn lan, giá đường sụt giảm là những cụm từ xuất hiện thường xuyên khi nhắc đến ngành mía đường. Nhưng nay, câu chuyện này đã có nhiều diễn biến tích cực trước nỗ lực thay đổi để tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong ngành.

Cụ thể, ngành mía đường phải đối mặt với các vấn đề tồn kho, đường lậu, giá đường sụt giảm, vùng nguyên liệu không bền vững… và không thể giải quyết trong “ngày một ngày hai”.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp mía đường trong nước đã và đang tự tìm con đường đi cho riêng mình để có thể tồn tại thông qua M&A, mở rộng vùng nguyên liệu, tăng chất lượng giống mía để hướng đến giảm giá thành.

Theo như lời ông Phạm Hồng Dương, Thành viên HĐQT CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh – TTCS (HOSE: SBT), Phó Chủ tịch TT UBMĐ của Tập đoàn Thành Thành Công - TTC (ThanhThanhCong) giảm được giá thành thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ cạnh tranh được với đường ngoại.

Ông Phạm Hồng Dương, Thành viên HĐQT CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh – TTCS (HOSE: SBT), Phó Chủ tịch TT UBMĐ của Tập đoàn Thành Thành Công

Bài toán thừa cung đang được co hẹp

Ông có thể chia sẻ thông tin về tình trạng thừa cung hiện nay trong ngành mía đường?

Ông Phạm Hồng Dương: Về ngành đường thế giới, lượng cầu đường năm 2013 là 165 triệu tấn, trong khi đó lượng cung thay đổi theo từng năm (với chu kỳ khoảng 5 năm) và ở mức 172 triệu tấn. Như vậy, lượng thừa cung năm vừa qua là khoảng 7 triệu tấn.

Trong cơ cấu tổng cầu đường, khoảng 60 triệu tấn phục vụ cho hoạt động thương mại quốc tế và hơn 100 triệu tấn còn lại phục vụ cho tiêu thụ nội địa. Đặc điểm cung cầu đáng quan tâm của ngành đường thế giới là giá đường phụ thuộc vào 1/3 lượng đường thương mại.

Đầu vụ 2014, các tổ chức đường thế giới dự báo lượng thừa cung khoảng 4.7 triệu tấn. Tuy nhiên, do thiên tai, hạn hán, sâu bệnh hoành hành, lượng thừa cung dự báo đã giảm còn 1.5 triệu tấn. Với tình hình như trên, nhiều tổ chức đường thế giới đã kêu gọi việc mua vào, nói một cách khác là nên đầu cơ tích trữ.

Vậy tại Việt Nam thì như thế nào thưa ông?

Khác với ngành đường thế giới, phần lớn lượng đường sản xuất tại Việt Nam chủ yếu phục vụ cho tiêu thụ nội địa. Năm 2013, lượng cung khoảng 1.9 triệu tấn (trong đó có khoảng 300,000 tấn nhập lậu), trong khi lượng cầu quanh mức 1.5 triệu tấn. Như vậy, lượng thừa cung ở mức 400,000 tấn.

Việt Nam đã tìm cách xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc để giải quyết lượng thừa cung. Tuy nhiên, khi giao dịch mậu biên bị đóng, các doanh nghiệp ngành đường phải tự xoay sở tìm đầu ra. Do đó, các nhà máy đường làm ăn không hiệu quả, giá thành cao sẽ khó mà cạnh tranh trong nước chứ đừng nói đến cạnh tranh với đường lậu, xu thế bị đào thải là chuyện tất yếu, vậy theo quy luật cung cầu thì thị trường mía đường sẽ sớm trở về mức cân bằng.

Tập đoàn TTC nói chung và TTCS (SBT) nói riêng, chúng tôi không nhìn bức tranh ngắn hạn theo giá đường thế giới.

Giải pháp giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm

Theo ông yếu tố nào là quan trọng nhất để cạnh tranh trong ngành đường?

Trong ngành Nông Nghiệp Việt Nam, người nông dân trồng mía Việt Nam được tài trợ 80 – 90% vốn đầu tư và bao tiêu đầu ra, các loại cây trồng khác không nhận được sự hỗ trợ này. Do đó, cây mía giúp nông dân ổn định cuộc sống. Hơn nữa, sản phẩm chủ yếu của cây mía là đường – một loại hàng tiêu dùng thiết yếu, sau đường, cây mía còn được sử dụng để sản xuất mật rỉ, điện, phân bón,…quay trở lại phục vụ cho đời sống và canh tác của người dân.

Với tầm quan trọng như vậy, Tập đoàn TTC xác định ngành đường là ngành thiết yếu với người tiêu dùng. Và điều quan trọng nhất mà các doanh nghiệp mía đường trong tập đoàn cần phải làm là giảm giá thành. Lúc này, doanh nghiệp mía đường sẽ tự động cạnh tranh được.

Bên cạnh yếu tố giá thành, việc bảo vệ, nâng cao chất lượng sản phẩm đường và xây dựng kênh phân phối để có thể phòng thủ trước sự xâm nhập của đường lậu cũng góp phần tăng sức cạnh tranh của ngành đường TTC trên thị trường.

Nếu làm tốt, làm đúng, làm đủ các yếu tố này không chỉ TTC mà doanh nghiệp mía đường trong nước sẽ không còn sợ quy luật cung cầu, đặc biệt là có thể đảm bảo được lợi nhuận với mức giá thấp nhất của thị trường. Điều khó nhất là hài hòa lợi ích giữa nhà máy và người nông dân để giữ nguồn nguyên liệu lâu dài và ổn định.

Hiện tập đoàn TTC nói chung, TTCS và các nhà máy trong tập đoàn nói riêng đã và đang làm gì để làm tốt, làm đúng, làm đủ như đề cập trên, thưa ông?

Về vùng nguyên liệu, các nhà máy của TTC sẵn sàng giảm lợi nhuận để tăng cường đầu tư cho nông dân là yếu tố quan trọng nhất được chúng tôi quan tâm nhằm giúp nông dân ổn định cuộc sống, giúp ngành đương TTC ổn định nguồn nguyên liệu sản xuất. Hiện nay, trong khi nhiều doanh nghiệp đang giảm chi phí đầu tư cho nông dân thì tại các nhà máy của chúng tôi có chủ trương tăng vốn đầu tư cho họ. Ngoài ra, chúng tôi còn có chính sách để bà con nông dân gắn bó lâu dài với cây mía bằng việc tăng giá mua đối với các hộ dân gắn bó với nhà máy từ 3 năm trở lên.

Về khâu sản xuất, công ty tập trung tinh gọn đội ngũ theo chuẩn thế giới. Áp dụng hệ thống quản lý tinh gọn LEAN giúp giảm chi phí sản xuất, sử dụng ít vật liệu phụ, giảm sản phẩm trung gian, tái chế…triển khai hệ thống bảo trì TPM nhằm giảm giá thành, ước tính vụ tới có thể giảm thêm 5% giá thành.

Để nâng cao chất lượng giống mía, Tập đoàn TTC đã đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng mía đường và trong năm 2014 quy mô của trung tâm tăng thêm 2 phòng thí nghiệm là phòng trị bệnh và phòng nuôi cấy mô nhằm nhân rộng các giống mía nhập khẩu, cung ứng cho bà con nông dân đang hợp tác với hệ thống các nhà máy TTC.

Về thị trường, để tạo sự khác biệt và nâng cao sức cạnh tranh, chúng tôi không chỉ bán đường mà còn nghiên cứu giải pháp để đồng hành cùng các khách hàng. Cụ thể, phát triển các sản phẩm đường phù hợp cho từng đối tượng khách hàng nhằm giảm chi phí.

Về các sản phẩm cạnh đường và sau đường, chúng tôi chuẩn bị lắp đặt nhà máy cồn thực phẩm tại Tây Ninh. TTCS cũng đang cải tạo lò hơi, nâng cao hiệu suất phát điện, hưởng ứng quyết định khuyến khích năng lượng sạch của Chính phủ.

Đặc biệt, để nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa hệ thống quản lý cũng như hiệu quả tài chính thì việc sáp nhập giữa các công ty thành viên trong Tập đoàn TTC sẽ tiếp tục được triển khai. Cụ thể, sắp tới tại ĐHĐCĐ thường niên niên độ 2014-2015, TTCS sẽ xin ý kiến cổ đông về việc nhận sáp nhập, phát hành và nhận hoán đổi cổ phiếu với CTCP Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (HOSE: SEC).

Đây sẽ là một trong hai thương vụ M&A lớn nhất của ngành đường sau sáp nhập Đường Biên Hòa (BHS) – Đường Ninh Hòa (NHS). Nhận sáp nhập SEC sẽ mang lại lợi ích cụ thể gì cho TTCS, thưa ông?

Trên cơ sản các phương pháp định giá, tỷ lệ hóa đổi cổ phiếu của TTCS và SEC dự kiến sẽ là 1: 1.05. Sau khi hoàn thành sáp nhập, TTCS sẽ trở thành doanh nghiệp có vốn hóa và nguồn lực sản xuất lớn nhất ngành đường Việt Nam.

Về tài chính, quy mô doanh nghiệp sau niêm yết sẽ tăng lên tạo thuận lợi trong việc huy động vốn.

Về thương hiệu, TTCS đã có uy tín từ trước với hệ thống máy móc, kỹ thuật sẽ giúp SEC nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, với sự tương đồng về công nghệ và vùng miền, hệ thống quản lý của doanh nghiệp sẽ được tinh gọn đáng kể với cùng bộ máy đồng bộ.

Xin cám ơn ông!