Theo kế hoạch, phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn vào ngày 30/06/2015.
Mới đây, công ty này đã công bố tài liệu công bố các thông tin và tài liệu chi tiết liên quan đến đợt IPO.
Theo phương án cổ phần hóa, Cảng Sài Gòn sẽ có vốn điều lệ 2.162 tỷ đồng. Cổ đông nhà nước (Vinalines) sẽ vẫn nắm giữa tỷ lệ chi phối tại doanh nghiệp này với tỷ lệ sở hữu 64%. Số lượng cổ phiếu được chào bán công khai là 35,7 triệu cổ phiếu, chiếm 16,51% tổng số cổ phần của Cảng Sài Gòn.
Nhà đầu tư chiến lược xếp hàng mua Cảng Sài Gòn
Trước thềm IPO, việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược đã thu được kết quả khả quan. Tính tới hiện tại, Cảng Sài Gòn cho biết đã có ba nhà đầu tư đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược gồm Vingroup, VietinBank và VPbank.
Trong đó, Tập đoàn Vingroup (mã VIC- HOSE) đã đăng ký mua tới 80% cổ phần Cảng Sài Gòn. Tuy nhiên, nếu được chấp thuận trở thành cổ đông chiến lược và tích cực tham gia vào phiên IPO, Vingroup cũng không thể đạt được tỷ lệ sở hữu trên, bởi tổng cộng lượng cổ phần bán ra bên ngoài chỉ là 33,02%.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (mã CTG- HoSE) cũng đã gửi đơn đăng ký trở thành cổ đông chiến lược, với số cổ phần đăng ký mua là 11%. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng đăng ký mua vào 11% cổ phần Cảng Sài Gòn.
Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược sẽ diễn ra sau khi Cảng Sài Gòn tổ chức phiên đấu giá công khai. Giá bán cho nhà đầu tư chiến lược sẽ không thấp hơn giá đấu thành công bình quân của cuộc đấu giá công khai.
Giá khởi điểm đưa ra tại phiên đấu giá là 11.500 đồng/ cổ phiếu. Ban đầu, công ty đề xuất giá khởi điểm tại thời điểm xây dựng phương án cổ phần hóa là 10.100 đồng/cổ phần.
Kế hoạch cổ tức 0% trong 5 năm tới, dự kiến tăng vốn giảm tỷ lệsở hữu NĐT chiến lược
Năm 2014, Cảng Sài Gòn 1.073 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 79 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Mặc dù vốn điều lệ lên tới 2.162 tỷ đồng, nhưng kế hoạch kinh doanh trong 5 năm tới dự kiến sẽ tăng trưởng từ 31 tỷ dồng lên hơn 40 tỷ đồng. Do vậy, kế hoạch cổ tức của Cảng Sài Gòn cũng chỉ là một con số 0 tròn trĩnh.
Năm 2016, Cảng Sài Gòn còn lên kế hoạch tăng vốn từ 2.162 tỷ đồng lên 3.782,5 tỷ đồng, đồng thời tăng tỷ lệ sở hữu cổ đông nhà nước từ 64% lên 79,41%. Các nhà đầu tư chiến lược trong khi đó lại phải giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 10% sau đợt tăng vốn này.
Hiện nay, Cảng Sài Gòn đang trực tiếp quản lý 5 cảng trọng điểm, gồm 4 khu cảng trực thuộc trên địa bàn Quận 4 và Quận 7 TpHCM: cảng Nhà Rồng Khánh Hội, cảng Tân Thuận, cảng Tân Thuận 2, Cảng Hành khách tàu biển và thuê khai thác cầu Cảng của Công ty Thép Miền Nam tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Tổng chiều dài các bến cảng do Cảng Sài Gòn khai thác là 2.899 m bao gồm 20 cầu tàu và 463.448 m2 hệ thống kho bãi. Sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Sài Gòn bình quân khoảng 10 triệu tấn/năm.
Cảng Sài Gòn có 5 công ty con chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực vận tải, logistics. Riêng CTCP Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đang thực hiện đầu tư hoàn thiện giai đoạn 1 và đưa vào khai thác Cảng này. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến 1.700 tỷ đồng, hiện công ty đã hoàn thành xây dựng cầu số 1, bến phao, 1 cầu dẫn.
Ngoài ra, Cảng Sài Gòn còn tham gia góp vốn liên doanh tại một số cảng liên doanh tại khu vực Cái Mép – Thị Vải như SSIT (34%), SP-PSA (36%), CMIT (15%). Theo Cảng Sài Gòn, do tình hình kinh tế thế giới nói chung, tình hình kinh tế Việt Nam nói riêng và một số nguyên nhân về chính sách, hiện tại cả 3 cảng biển này đều đang hoạt động cầm chừng hoặc chọn phương án “ngủ đông”.