Sở giao dịch chứng khoán Tp Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet
15 năm phát triển vượt bậc
Thị trường tài chính Việt Nam được xây dựng và phát triển dựa trên 2 trụ cột chính là thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Trong đó, thị trường tiền tệ đã có sự phát triển lâu dài với vai trò trung gian tài chính huy động vốn và cung cấp tín dụng cho phát triển kinh tế thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại.
Trước khi, TTCK xuất hiện ở Việt Nam, thị trường vốn gần như như hoàn toàn vào thị trường tiền tệ với vai trò mờ nhạt. Điều này đã thay đổi kể từ năm 2000 khi TTCK chính thức đi vào hoạt động.
Sau gần 15 năm mở cửa TTCK, Việt Nam đã có một thị trường với quy mô vốn hóa trên 55 tỷ USD. Chỉ tính riêng trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM – HOSE đã có gần 1000 đợt huy động vốn của các công ty. Bình quân các công ty niêm yết đã tăng gấp đôi quy mô về vốn điều lệ sau khi lên niêm yết, một số công ty có mức tăng vốn điều lệ trên 15 lần.
Các công ty trong VN30 có mức tăng vốn điều lệ trung bình 58%/năm, trong khi tỷ lệ này ở các công ty thuộc nhóm ngành ngân hàng là 25%/năm.
Bên cạnh việc thu hút vốn trong nước, thị trường chứng khoán cũng đã giúp thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, hỗ trợ đáng kể cho nhu cầu vốn sản xuất trong nước.
Tính từ năm 2008 đến nay số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài đã tăng 37%, nắm giữ lượng cổ phiếu tại các công ty niêm yết tương đương khoảng 23% vốn hóa toàn thị trường.
Tính từ cuộc đấu giá doanh nghiệp nhà nước đầu tiên năm 2005 được tổ chức tại HOSE, đã có hơn 350 doanh nghiệp đã thực hiện bán đấu giá qua Sở, thu về hơn 70 nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, trong đó có rất nhiều các tổng công ty và tập đoàn lớn như: Tập đoàn Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ, Vinamilk, Vietnam Airline, Vinatext, Vietcombank, BIDV,…
Nhưng vẫn còn nhiều hạn chế
Mặc dù TTCK đã có sự phát triển vượt bậc nhưng các số liệu cho thấy cán cân huy động vốn vẫn đang nghiêng đáng kể về thị trường tiền tệ
Năm 2014, theo số liệu thống kê. Tổng vốn huy động bình quân hàng tháng của các ngân hàng và tổ chức tín dụng đạt khoảng 4,7 triệu tỷ đồng, cung ứng khoảng 3,4 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế.
Theo ông Trần Đắc Sinh – Chủ tịch HOSE – thì có nhiều lý do khiến cho thị trường tiền tệ vẫn tiếp tục là trụ cột cung cấp vốn cho nền kinh tế.
“Bên cạnh những nguyên nhân mang tính lịch sử như thói quen gửi tiết kiệm của nhà đầu tư, sự phát triển lâu đời của hệ thống ngân hàng…, cũng cần nhìn nhận những hạn chế của TTCK khi các công cụ đầu tư, giao dịch và phòng ngừa rủi ro trên thị trường vẫn còn hạn chế, quy mô thị trường tuy có sự tăng trưởng đáng kể nhưng vẫn chưa đủ lớn trong mối tương quan với các thị trường trong khu vực, thanh khoản thị trường chưa đủ sâu, các quy định về sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đã hạn chế sự tham gia của các đối tượng này vào thị trường….” – ông Sinh nói.
Các hạn chế một khi đã được nhận diện sẽ có những giải pháp để khắc phục. Tuy nhiên, đáng quan ngại nhất chính là sự chưa nhìn nhận, đánh giá đúng về vai trò của TTCK nói riêng hay thị trường vốn nói chung trong việc huy động vốn và phát triển kinh tế.
Chính vì vậy, ông Sinh cho rằng: “TTCK cần được nhìn nhận với đúng vai trò của mình là kênh huy động vốn trung và dài hạn chính và chủ yếu cho phát triển kinh tế, nơi kết nối giữa nhu cầu huy động vốn dài hạn với nhu cầu đầu tư dài hạn, là nơi cung cấp các cơ hội đầu tư khác nhau, đa dạng hóa sở hữu, cũng là nơi hội nhập quốc tế và thực thi các chính sách phát triển của nhà nước và chính phủ”.
Nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 15 năm thành lập TTCK Việt Nam với mục đích nhằm khẳng định lại vai trò của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế và đề xuất các giải pháp phát triển thị trường, ngày 15/5, tại TP Hồ Chí Minh, Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Vai trò của Thị trường chứng khoán với nền kinh tế”. Hội thảo có sự tham dự của các diễn giả hàng đầu đại diện cơ quan quản lý, hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế như ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc Gia, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó trưởng ban kinh tế Trung ương Đảng, ông Trần Du Lịch - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Hiển – Phó viện trưởng phụ trách Viện chiến lược Ngân hàng NHNN, ông Nguyễn Trọng Dũng – Vụ trưởng Vụ đổi mới Doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Thành Long – Phó Chủ tịch UBCK, ông Huỳnh Thế Du - Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cùng lãnh đạo 300 doanh nghiệp lớn, các quỹ đầu tư và công ty chứng khoán. Điều hành thảo luận tại hội thảo là ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCK Sài Gòn SSI, tập trung vào 3 chủ đề chính gồm: Sự cần thiết của việc phát triển TTCK; Thực trạng hiện nay của TTCK với vai trò kênh huy động vốn và Những giải pháp để phát triển TTCK Việt Nam. |