Cần có luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Nhận định về tiến trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng với tiến độ như hiện nay, khả năng đạt mục tiêu CPH trong năm nay là khó khăn.

Theo ông Vũ Mão, CPH DNNN còn quá chậm, mục tiêu phải cổ phần hóa xong 432 DN trong năm 2015 vẫn còn xa. Nguyên nhân khách quan là khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, thị trường tài chính khó khăn, thị trường chứng khoán giảm sút, sức mua cổ phần thấp...

Tuy nhiên, có nguyên nhân quan trọng là do Quốc hội chưa có nghị quyết chuyên đề hay luật riêng về CPH DNNN. Theo ông Vũ Mão, phải coi CPH trong năm 2015 và năm tiếp theo là trọng điểm, trong đó vai trò của Quốc hội đặc biệt quan trọng.

"DNNN là nguồn lực cực kỳ lớn của Nhà nước với hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đồng tài sản trong khi lại chưa được kiểm soát chặt chẽ bằng công cụ pháp lý đủ mạnh. Tôi đề nghị cần ban hành luật về CPH, hoặc thấp hơn là cần có Nghị quyết của Quốc hội thì mới có thể giải quyết được vấn đề và hy vọng CPH đi đúng mục tiêu chất lượng và tiến độ", ông Vũ Mão kiến nghị.

Về vấn đề này, TS. Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban nghiên cứu cải cách và phát triển DN, (Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương) cho rằng, ở nước ta trong hơn 20 năm qua, CPH chỉ thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật (nghị định, nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, các thông tư của các bộ, ngành), chưa có đạo luật quy định khung hay quy định chi tiết về CPH DNNN.

Trong khi đó, việc đầu tư, sử dụng vốn thành lập, tổ chức, quản lý DNNN hay DN có vốn nhà nước đã được quy định trong một số luật ban hành kể cả trước kia và gần đây. Nhưng ngược lại, việc CPH hay thoái vốn nhà nước - những hoạt động thoái vốn đầu tư cần xử lý nhiều vấn đề, liên quan đến vốn, tài sản, cán bộ quản lý, người lao động…, đối diện với những rủi ro, thất thoát vốn, tài sản nhà nước, có thể ảnh hưởng đến khu vực kinh tế nhà nước, ngành, lĩnh vực chiến lược… lại chưa có luật quy định. Đây có thể coi là một nghịch lý.

"Vì vậy, việc ban hành luật về CPH DNNN là cần thiết để tạo nền tảng pháp lý cao hơn, vững chắc hơn cho CPH những DN quy mô lớn, các DN quan trọng, DN trong các ngành đặc thù liên quan đến đất đai như nông lâm trường, an ninh, quốc phòng, và thực hiện thoái vốn nhà nước tại các DN", TS Trần Tiến Cường nói.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng "cần có luật CPH vì tài sản DNNN là tài sản toàn dân. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất phải giám sát xem khối tài sản khổng lồ của toàn dân được CPH được sử dụng như thế nào, tài sản công không thể không có sự giám sát của Quốc hội được. Thước đo cuối cùng là để DNNN hoạt động hiệu quả hơn".

Bên cạnh đó, ông Vũ Mão cũng đề xuất cần đưa việc CPH các tập đoàn Nhà nước lớn có quy mô vốn từ 2 tỷ USD trở lên vào Nghị quyết của Quốc hội, được Quốc hội thông qua. Lý do là vì, dự án có quy mô vốn từ 1,5 tỷ USD được coi là dự án trọng điểm quốc gia, quy trình thông qua Quốc hội chặt chẽ. Việc CPH các tập đoàn có quy mô vốn từ 2 tỷ USD trở lên, thậm chí là từ 3-7 tỷ USD hiện nay, Quốc hội cần ra nghị quyết về CPH của tập đoàn đó để đảm bảo không gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước.

Theo ông Vũ Mão, CPH cần bán theo giá thị trường và đúng định hướng thị trường, Nhà nước giữ lại càng ít vốn càng tốt, để chuyển nguồn lực quốc gia cho DN tư nhân quản lý có thể hiệu quả hơn.