Cám con cò: Hàng loạt cổ đông xin thoái vốn sau cuộc

Cám con cò: Hàng loạt cổ đông xin thoái vốn sau cuộc "đổ bộ" của Masan

(NDH) Viện Khoa học Kỹ thuật và Viện Chăn nuôi cùng cổ đông lớn thứ hai Dofico đã đồng ý chủ trương thoái vốn. Tại ĐHĐCĐ mới đây, Seaprodex cũng đã được chấp thuận rút khỏi "miếng bánh ngon" Proconco.

Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - CTCP (Seaprodex) vừa tổ chức thành công ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 24/8/2015. Một trong các nội dung quan trọng được Seaprodex thông qua là kế hoạch thoái vốn tại Tổng công ty tại Công ty cổ phần Việt - Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco), một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi với thương hiệu Cám Con cò.

Theo đó, Seaprodex sẽ bán toàn bộ 34.945.058 cổ phần Proconco, tương đương 17,47% vốn của công ty này. Với tỷ lệ sở hữu trên, Seaprodex đang là cổ đông lớn thứ ba tại công ty này.

Hiện giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu là 16.500 đồng. Giá chuyển nhượng sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách. Số tiền thu được từ đợt thoái vốn này sẽ được công ty xem xét phương án đầu tư bảo đảm bảo bảo toàn và phát triển vốn thu được từ thoái vốn. Đồng thời, Seaprodex cũng sẽ sử dụng phần thặng dư để chia cổ tức hoặc tạm ứng cổ tức cho cổ đông.

Proconco có còn hấp dẫn?

Khoản đầu tư vào Proconco từng được đánh giá là khoản đầu tư hiệu quả, mang tỷ suất sinh lợi lớn cho Seaprodex. Nên không lấy làm lạ khi kế hoạch chuyển nhượng này, nhiều cổ đông đã đặt ra câu hỏi chất vấn đại diện công ty.

Cổ đông Nguyễn Khái Hưng bày tỏ sự tiếc nuối khi Seaprodex chia tay khoản đầu tư này. Theo ông Hưng, Proconco là khoản đầu tư tốt. Đây cũng là một trong những lý do mà ông quan tâm khi mua đấu giá cổ phần IPO của Seaprodex.

Bản thân đại diện Seaprodex cũng khẳng định Proconco trong giai đoạn đánh giá doanh nghiệp để cổ phần hóa là một khoản đầu tư hiệu quả, chia cổ tức cao trong nhiều năm.

Tuy nhiên, tình hình ProConco đã có sự biến chuyển trong định hướng chiến lược và có dự kiến sẽ không chia cổ tức trong 5 năm và có khả năng sẽ sáp nhập với ANCO, khiến tỷ lệ cổ phần của Seaprodex sẽ còn giảm còn một nửa. Phương án thoái vốn này được đưa ra nhằm đảm bảo quyền lợi cao nhất của cổ đông.

Cụ thể, sau khi Masan tăng tỷ lệ sở hữu lên 53% thông qua mua cổ phần của Quỹ Prudential thì tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, Masan đã thay đổi định hướng chiến lược của Proconco, hướng đến mô hình 3F (feed - farm - food), đưa ra định hướng sẽ liên kết, sáp nhập với CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (ANCO) và dự kiến sẽ không chia cổ tức trong 5 năm.

Masan chính thức quay trở lại nắm giữ cổ phần của Proconco vào tháng cuối tháng 4/2015. Sở dĩ là "quay trở lại"là bởi vì trước đó, cuối năm 2014, Masan Group đã bán 100% cổ phần tại Masan Agri ( doanh nghiệp sở hữu 40% cổ phần của Proconco) cho bên thứ 3 với số tiền 3.035 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi trở lại với ngành thức ăn chăn nuôi, Tập đoàn này đã mua thêm cả Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (“Anco”). Cùng với việc nắm tới hơn 50% vốn và có quyền chi phối đối với Proconco, Masan đã có ngay vị trí số 2 thị phần thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.

Với sự tham gia chi phối của Masan, thương hiệu Cám Con cò và Anco xuất hiện nhiều hơn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, định hướng chiến lược mới, đặc biệt là kế hoạch 5 năm dự kiến không cổ tức đã khiến Proconco không còn hấp dẫn trong mắt nhiều cổ đông công ty này.

"Cám con cò" thường xuyên xuất hiện trên khung giờ vàng thời gian gần đây

Thế trận mới tại Proconco, Seaprodex đã chậm chân?

Nói thêm về tình hình tại Proconco hiện nay, Chủ tịch Seaprodex cho biết hiện tại Proconco có 9 cổ đông, trong đó nhóm cổ đông lớn là Masan và Kenji đã chiếm tỷ lệ chi phối 53%. Ngoài ra, Proconco chỉ còn hai cổ đông lớn duy nhất là Tổng công ty thực phẩm Đồng Nai (Dofico) chiếm 24% và Seaprodex là cổ đông lớn thứ 3 chiếm 17,47%.

Phía Dofico cũng nhận định tình hình tại Proconco đã có sự chuyển biến mới về dịnh hướng chiến lược phát triển. Theo thông tin mới nhất thì Dofico đã đồng ý chủ trương thoái vốn 17,5% tại Proconco. Proconco sẽ dùng phần thặng dư vốn để mua lại lượng cổ phiếu này để làm cổ phiếu quỹ. Bên cạnh đó, 2 cổ đông khác là Viện Khoa học Kỹ thuật và Viện Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản thoái vốn tại Proconco.

Trong trường hợp Masan mua tiếp số cổ phần tại Dofico thì Masan sẽ chiếm hơn 70% và sẽ có quyền quyết định mọi định hướng chiến lược của Proconco. Giá trị khoản vốn đầu tư của Seaprodex tại Proconco sẽ bị giảm đi nhiều so với việc Seaprodex tiến hành thoái vốn trước Dofico.

Sau 2 cổ đông Bộ NN&PTNT, Dofico cũng chủ trương thoái 17,5% vốn

Seaprodex cũng cho biết trước đây Masan cũng từng có liên hệ với Tổng công ty, quan tâm đến cổ phiếu Proconco. Tuy nhiên hiện nay với diễn biến mới từ việc Dofico sẽ thoái 17,5%, Masan đã tạm thời dừng quan tâm đến cổ phiếu Proconco của Seaprodex.

Tại ĐHĐCĐ bất thường lần này, nội dung thoái vốn tại Proconco được đưa ra để ĐHĐCĐ xem xét, quyết định thông qua. Tuy nhiên việc thoái vốn như thế nào, có thành công hay không và với giá như thế nào thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, khi mà Seaprodex đã không thể tiến hành thoái vốn trước Dofico.