Theo hãng Asia Capital Frontier và Coeli Asset Management, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực Đông Nam Á nhờ động thái nới lỏng quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cũng như tăng trưởng kinh tế mạnh lên đang giúp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Từ đầu năm đến nay, chỉ số VN Index đã tăng 11% lên mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, trong khi chỉ số chứng khoán MSCI Đông Nam Á lại giảm 12%. Ngay cả với mức tăng điểm như vậy, cổ phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn được đánh giá là rẻ hơn 18% so với các thị trường khác trong khu vực. Tính đến ngày 6/8/2015, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua 223,1 triệu USD và đang hướng đến năm mua ròng thứ 10 liên tiếp trên thị trường Việt Nam.
Giá hàng hóa giảm cùng với khả năng Mỹ nâng lãi suất đang tác động mạnh đến các thị trường chứng khoán từ Indonesia cho đến Thái Lan. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư chuyên tập trung vào những thị trường sơ khai (Frontier Market) lại có quan điểm lạc quan về thị trường Việt Nam, nơi có nền kinh tế đang phát triển với tốc độ nhanh nhất trong 2 năm qua và chính phủ đang dần nới lỏng quy định về nắm giữ cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài tại một số ngành nhất định.
Giám đốc điều hành Thomas Hugger của hãng Asia Frontier Capital có trụ sở tại Hồng Kông cho biết công ty của ông có nhận định rất tích cực về thị trường Việt Nam. Asia Frontier Capital đang tiếp tục mua vào cổ phiếu trên thị trường Việt Nam sau những số liệu tích cực của nền kinh tế cũng như giá các cổ phiếu đang ở mức hấp dẫn.
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2% trong năm 2015, cao hơn mức 6% của năm trước. Hơn nữa, tỷ lệ lạm phát được giữ dưới 1% trong 5 tháng đầu năm 2015, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 28% vào tháng 8/2008.
Tỷ lệ P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam ở vào khoảng 12 lần, thấp hơn so với mức 14,7 lần của khu vực.
Yếu tố thúc đẩy tăng trưởng
Khối lượng giao dịch bình quân hàng ngày của sàn chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh hiện bằng khoảng 1/10 so với sàn chứng khoán lớn nhất khu vực là Singapore và các nhà hoạch định chính sách cho rằng dòng vốn đầu tư nước ngoài là một trong những yếu tố chính giúp thúc đẩy thị trường.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết họ đang cố gắng để thị trường Việt Nam được đưa từ loại sơ khai (Frontier Market) lên thành thị trường mới nổi (Emerging Market) theo phân loại của MSCI Inc.
Giám đốc điều hành James Bannan của quỹ Frontier Markets Fund có trụ sở tại Thụy Điển nhận định việc nới lỏng quy định về sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của thị trường vốn của Việt Nam. Ông Bannan cho rằng những bước quan trọng tiếp theo của thị trường là việc chính phủ giảm tỷ lệ sở hữu tại các công ty niêm yết và bán chúng ra cho các nhà đầu tư.
Giám đốc Bannan cho biết công ty của ông đang tiếp tục mua vào cổ phiếu Việt Nam và thích những doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng.
Tháng 6 vừa qua, chính phủ đang ban hành nghị định mới cho phép nhà đầu tư nước ngoài tăng lượng cổ phần được phép nắm giữ trong một số ngành từ 49% trước đây lên 100%.
Vẫn còn lo lắng
Hãng Project Asia Research & Consulting nhận định rằng nhà đầu tư quốc tế có thể gặp cản trở trong quá trình xin cấp phép để được nâng giới hạn sở hữu tại một số công ty. Trong khi đó, việc nắm giữ cổ phần của nhà nước hoặc tình trạng sở hữu chéo đang hạn chế quyền hạn của các nhà đầu tư nước ngoài có cổ phần thiểu số.
Giám đốc điều hành Attila Vajda của hãng Project Asia Research có trụ sở tại Singapore cho rằng tiến trình cải cách tại Việt Nam vẫn còn chậm và một số nhà đầu tư lo ngại quá trình này sẽ bị đảo ngược nếu nền kinh tế hay thị trường chứng khoán có dấu hiệu suy giảm.
Lo ngại của nhà đầu tư là có cơ sở khi kế hoạch cải cách quy định giới hạn sở hữu đã bị trì hoãn vào năm 2013. Nhà đầu tư cũng lo lắng rằng chính phủ Việt Nam có thể can thiệp thị trường như tình trạng đã xảy ra tại Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc đang cố gắng ngăn chặn dòng vốn chuyển sang những thị trường tiềm năng hơn, bao gồm quy định cấm các cổ đông chiến lược bán ra và hạn chế giao dịch ký quỹ, khi chứng khoán nước này giảm mạnh.
Quy định về giới hạn sở hữu
Hiệu lực của quy định sở hữu mới đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ bắt đầu tư tháng 9/2015, trong đó những ngành nhạy cảm như ngân hàng vẫn có mức giới hạn 30%. Một số lĩnh vực đặc biệt khác có giới hạn 49%. Còn lại, tất cả những ngành khác được nới room lên 100%, ngoại trừ những doanh nghiệp tự quy định hạn chế sở hữu bởi cổ đông nước ngoài.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho biết hướng dẫn cụ thể cho quy định mới này sẽ được ban hành trong tháng 8/2015.
Giám đốc điều hành Shamoon Tariq của Tundra Fonder cho rằng chính phủ Việt Nam đang tích cực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời với đó, lực lượng lao động trẻ và chi phí nhân công thấp đang khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường hấp dẫn tại khu vực. Công ty Tundra Fonder cũng đang tiếp tục mua vào cổ phiếu tại thị trường Việt Nam.
Theo ông Tariq, việc nới lỏng quy định sở hữu của chính phủ là một bước tiến gần hơn tới việc hình thành thị trường tự do và điều này chắc chắn sẽ thu hút các nhà đầu tư quốc tế với một mức độ đáng kể.