Các đại gia niêm yết "bén duyên" với nông nghiệp ra sao?

Quá trình phục hồi nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu từ cuối năm 2012, quá trình phục hồi này tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nền kinh tế thực hiện tái cấu trúc nhằm sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực của mình.

Nông nghiệp trở thành trái ngọt với bầu Đức, khi bất động sản đã lộ rõ sự rủi ro và tính chu kỳ. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Nông nghiệp trở thành trái ngọt với bầu Đức, khi bất động sản đã lộ rõ sự rủi ro và tính chu kỳ

Đối với các doanh nghiệp, một trong những quá trình tái cấu trúc đang diễn ra mạnh mẽ nhất hiện nay là xu hướng chuyển dịch doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản.

Sự tham gia của các doanh nghiệp lớn vào chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản đã trở nên rất rõ nét trong năm 2015 bằng các hiện tượng:

(1) CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã chính thức niêm yết CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai và chuyển hướng kinh doanh chú trọng toàn bộ HAG vào mảng kinh doanh nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp.

(2) CTCP PAN Pacific vốn trước đây là một công ty chuyên thực hiện kinh doanh vệ sinh công nghiệp, đã chính thức chuyển thành công ty nông nghiệp với định hướng từ Farm to Table.

(3) Tập đoàn Vingroup chính thức công bố gia nhập lĩnh vực nông nghiệp với thương hiệu VinEco, ngoài những lĩnh vực truyền thống như bất động sản, trung tâm thương mại. Công ty tập trung bước đầu vào lĩnh vực trồng trọt, áp dụng các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến hàng đầu trên thế giới để cung cấp rau quả hữu cơ và rau quả sạch cho thị trường.

Riêng với trường hợp của CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống nhất (GTN), tham gia vào mảng nông nghiệp thông qua các công ty con trực tiếp sản xuất và chế biến nông sản (chè, sữa…) thành sản phẩm hàng hóa giá trị cao.

Quá trình chuyển dịch sang lĩnh vực nông nghiệp của các công ty này được thực hiện theo nhiều cách khác nhau và rất đa dạng. Ở trường hợp HAG, quá trình chuyển sang nông nghiệp bắt đầu bằng việc đầu tư và xây dựng từ ban đầu, bởi bản thân công ty và sau đó liên kết với Nutifood để chế biến đầu ra. Trong khi đó, PAN Group lại chuyển công ty có liên quan tới nông nghiệp và thực phẩm từ SSI sang theo hình thức là mua lại cổ phần.

Với trường hợp của GTN thì rất đặc biệt, công ty này bước chân vào ngành nông nghiệp thực phẩm và hàng tiêu dùng bằng cách mua lại những công ty trong ngành nông nghiệp và chế biến nông nghiệp nhà nước, như Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) và Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico).

GTN đầu tư vào nhiều doanh nghiệp nông nghiệp lớn
GTN đầu tư vào nhiều doanh nghiệp nông nghiệp lớn

Việc mua lại các tổng công ty trên biến GTN trở thành một công ty có tiềm lực lớn nhất trong ngành nông nghiệp, thực phẩm, hàng tiêu dùng, nhờ vào việc sở hữu Vinatea và hướng tới Vilico.

Việc các công ty chuyển dịch kinh doanh sang lĩnh vực nông nghiệp là động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiêp gắn liền với tiêu dùng và đầu ra sẽ tạo cho ngành nông nghiệp tại Việt Nam có hướng đi mới. Năng suất hơn, hiệu quả hơn, sạch hơn và rẻ hơn.

Theo ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia nghiên cứu ngành nông nghiệp của MBS, việc Việt Nam hội nhập sâu vào các hiệp định thương mại tự do sẽ khiến cho cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp trở nên cực kỳ khốc liệt. Chỉ những doanh nghiệp nào xây dựng được sản phẩm chất lượng có thương hiệu riêng, tạo lập được một chuỗi sản xuất- tiêu thụ vững chắc, nắm bắt nhanh chóng và thay đổi theo nhu cầu của người tiêu dùng mới có cơ hội tồn tại và phát triển trong bối cảnh này.