Cuộc đua của các đại gia vào nông nghiệp
Ba thập kỷ sau khi chuyển dần từ nền sản xuất nông nghiệp bao cấp sang xuất khẩu hàng dệt may - linh kiện điện tử, nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam đang mong ngóng vào những cơ hội mở rộng kinh doanh mới, trong và ngoài nước đến từ ngành Nông nghiệp và Thủy sản (trị giá 37 tỷ USD), được hỗ trợ bởi hàng loạt các Hiệp định Thương mại song phương và đa phương sắp tới.
Đi đầu trong trào lưu này khổng thể không kể đến ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) (đồng thời cũng là chủ tịch của Pan Pacific - một doanh nghiệp lớn trong đầu tư lĩnh vực cây giống, hải sản và bánh kẹo). Theo ông, bối cảnh thế giới có thể thiếu lương thực trong 50 năm tới. Đây chính là thị trường béo bở nếu biết cách đầu tư bài bản và chính xác.
Năm ngoái, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều, thủy sản, hạt tiêu và cao su với tổng giá trị lên tới 24,5 tỷ USD. Nhưng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, giá trị sản xuất và chế biến nông sản của Việt Nam chỉ gấp 1,2 lần so với ngành trồng trọt đơn thuần, trong khi con số này ở Hàn Quốc là 2,7 lần. Và Việt Nam vẫn phải dựa vào hàng tỷ USD thực phẩm nhập khẩu.
Thực phẩm đang trở thành tầm ngắm của nhiều doanh nghiệp sản xuất, điển hình là Tập đoàn sản xuất thép hàng đầu - Hòa Phát - đang có ý định chuyển từ công nghiệp khai khoáng sang chăn nuôi và sản xuất thức ăn gia súc.
Đại gia này đã cho xây mới nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với công suất 300.000 tấn, hướng đến mục tiêu đạt 1 triệu tấn, cùng tham vọng nuôi 1 triệu con lơn vào năm 2020. CEO Trần Tuấn Dương của Hòa Phát rất tự tin khi nói với các cổ đông rằng: "Mặc dù thị trường mới này sẽ cực kỳ cạnh tranh, nhưng cũng giống như ngành công nghiệp thép, chúng ta sẽ vững tin thành công".
Trong khi đó, tỷ phú duy nhất của Việt Nam theo xếp hạng của Forbes, Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn VinGroup) chọn cách đầu tư kinh doanh đa ngành: từ trường học tư nhân, bệnh viện đến các trung tâm mua sắm - và mới đây nhất là 91 triệu USD cho việc trồng rau và cây ăn quả.
Chưa hết, trên trang chủ của tập đoàn bất động sản Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), hình ảnh những chú bò hiện hữu còn nhiều hơn cả những chung cư cao tầng, cho thấy mảng kinh doanh gia súc và cao su đang là mục tiêu trọng điểm của doanh nghiệp này (được định giá khoảng 1,1 tỷ USD).
HAGL dự tính gần một nửa doanh thu của tập đoàn trong năm nay sẽ đến từ những chú bò. Công ty này muốn tận dụng nhu cầu sữa (tăng 36 lần trong vòng 25 năm qua), để đáp ứng một phần thị trường đang tốn khoảng 1 tỷ USD nhập khẩu sữa ngoại. HAGL cũng đang đầu tư vào chăn nuôi bò thịt để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thịt bò. Trong thực tế, nhập khẩu bò Úc vào Việt Nam đã tăng 52 lần trong vòng hai năm qua (tương ứng với 181.000 con bò vào năm 2014).
Chính phủ và doanh nghiệp cần hợp sức để giải quyết bài toán nông nghiệp
Thực tế buồn cho thấy ngành thức ăn chăn nuôi (giá trị 7 tỷ USD) có tới 42% là hàng nhập khẩu, bị chi phối bởi các doanh nghiệp Ngoại như CP Group (Thái Lan), trong khi "miếng bánh" của doanh nghiệp Việt chỉ tầm 1% thị trường.
Tuy nhiên, những Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đang tích cực theo đuổi gần đây đang trở thành một yếu tố thu hút các đại gia trong nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thậm chí điều này còn tạo ra môi trường cạnh tranh hơn đến từ các doanh nghiệp ngoại.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng hi vọng rằng có thể sát cánh cùng các doanh nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và khu vực nông thôn như lời phát biểu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại một hội nghị về đầu tư tư nhân trong nông nghiệp gần đây.
Nhà nước cũng đang xem xét ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này nhằm phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực khác; hướng đến việc nâng cao năng suất, chất lượng và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.