Gần hết quý 3/2015, tuy nhiên Vn-Index nếu so với đầu năm trở lại đây chỉ tăng gần 3%, đã có thời điểm trong tháng 8, VN-Index rơi xuống 511 điểm, giảm 6,34% so với đầu năm.
Lãnh đạo một công ty quản lý quỹ đã phải thốt lên chưa thấy năm nào thị trường lại "khó chơi" như năm nay. Khi nhóm cổ phiếu ngân hàng độc diễn đầu năm kéo chỉ số tăng rất nhanh trong quý đầu tiên của năm thì hầu như quỹ của ông không kịp giải ngân vào cổ phiếu ngân hàng, sau đó đến tháng 8/2015 do các tin đồn bắt bớ và Trung Quốc phá giá thì thị trường đã đánh bay thành quả từ đầu năm của các quỹ.
Trong số 50 công ty quản lý quỹ trên thị trường hiện có 4 công ty tạm dừng hoạt động (Đông Á, AIC, GPFund, Hữu nghị), 2 công ty kiểm soát đặc biệt (PAMCO, Liên Minh Việt Nam), 1 công ty chấm dứt hoạt động (QLQ Đầu tư Thành Việt).
Thống kê kết quả kinh doanh của 18 công ty quản lý quỹ đang hoạt động trên thị trường cho thấy có 4 công ty quản lý quỹ có lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2015 tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước là VietinbankCapital (gấp 3 lần đạt 30 tỷ đồng), Vinafund (gấp 6,5 lần, đạt 20 tỷ đồng), SSIAM (gấp đôi, đạt hơn 18 tỷ đồng), FPT Capital (tăng 9%, đạt 3,6 tỷ đồng).
Có 11/18 công ty quản lý quỹ có lãi và 7 công ty bị lỗ trong đó có một số tên tuổi như VinaWealth (lỗ gần 6 tỷ đồng), QLQ Đầu tư chứng khoán Vietcombank (lỗ 10,76 tỷ đồng), SHF (lỗ hơn 15 tỷ đồng), Eastspring Investment (lỗ hơn 17 tỷ đồng), TechcomCapital (lỗ 1,66 tỷ đồng). 6 công ty có kết quả kinh doanh 6 tháng giảm so với cùng kỳ là MB Capital lãi gần 16,7 tỷ đồng, IPAAM lãi 4,43 tỷ đồng (giảm 17%), BaoVietFund lãi 7,29 tỷ đồng (giảm 15%)
Kết quả kinh doanh của các công ty quản lý quỹ (đơn vị: tỷ đồng) |
Trong số các công ty có lãi, có 5 công ty có doanh thu tăng so với cùng kỳ là Vietinbank Capital (doanh thu 6 tháng đạt gần 54 tỷ đồng, tăng 53% cùng kỳ), VinaFund (doanh thu đạt hơn 43 tỷ, tăng 70% cùng kỳ), SSIAM (doanh thu 34 tỷ, tăng 84% cùng kỳ), VinaWealth (doanh thu đạt gần 2,5 tỷ đồng, tăng 38%), Eastspring Investment (doanh thu đạt 20 tỷ, tăng 20%) song VinaWealth và Eastspring lại lỗ do Eastspring chỉ quản lý danh mục ủy thác mà không đầu tư tài chính.
Đa phần doanh thu của các quỹ đến từ hoạt động đầu tư tài chính, chỉ có một số ít quỹ có doanh thu chính đến từ hoạt động quản lý danh mục đầu tư như SSIAM, Vietinbank Capital, Vinafund, BaoVietFund, Eastspring Invetment, thậm chí công ty QLQ Phú Hưng còn không phát sinh doanh thu này.
Các công ty quản lý quỹ đang đầu tư vào đâu
Về hoạt động đầu tư của các quỹ, không có nhiều quỹ đăng chi tiết về danh mục đầu tư. Theo dõi thuyết binh báo cáo tài chính soát xét của các công ty quản lý quỹ cho thấy BaoVietFund tại thời điểm 30/6 đang nắm giữ 734.000 cổ phiếu MBB, quỹ của ACB tổng tài sản 50 tỷ thì gần 48 tỷ là tiền và tiền gửi ngân hàng.
MBCapital có 167 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngân hàng trong khi đầu tư tài chính ngắn hạn 114 tỷ trong đó có 1,5 triệu chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán Con Hổ Việt Nam, 410.000 cổ phiếu FDC, 70.000 cổ phiếu TRC ngoài ra MBCaptail còn nắm giữ 611.000 cổ phiếu OTC và hơn 3,1 triệu cổ phiếu niêm yết khác. Hiện MBCapital đang nẵm giữ dài hạn 9,6 triệu chứng chỉ quỹ và 1,7 triệu cổ phiếu OTC.
SSIAM tại thời điểm 30/6 nắm giữ hơn 351.000 cổ phiếu SAGS của CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn, SSIAM đang quản lý danh mục ủy thác hơn 1.450 tỷ chủ yếu là nhà đầu tư trong nước.
Đối với công ty quản lý quỹ Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội (SHF), kiểm toán nhấn mạnh doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 của công ty đạt gần 300 triệu đồng, lỗ 15 tỷ, lỗ lũy kế tại ngày 30/6 là 21,7 tỷ đồng, dòng tiền tạo ra từ hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 âm 3,22 tỷ đồng. Việc cải thiện tình hình tài chính của công ty sẽ phụ thuộc vào khả năng sinh lời từ hoạt động kinh doanh trong các kỳ hoạt động tiếp theo cũng như thu hồi kịp thời các công nợ phải thu và sự hỗ trợ khác của chủ sở hữu.
Tại thời điểm 30/6 SHF nắm giữ 776.700 cổ phiếu SHB, gần 1,16 triệu cổ phiếu PSI ngoài ra rải rác các cổ phiếu khác với số lượng 10.000 cổ phiếu như MCG, SVC, BIC, KBC, CEO, KBC..
FPT Capital nắm giữ 481.000 cổ phiếu EVE và 122.000 cổ phiếu Đầu tư và phát triển Hạ tầng Hoàng Thành ngoài ra FPT Capital nắm giữ dài hạn 747.500 cổ phiếu của Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG).
Quản lý quỹ Bản Việt tại ngày 30/6 nắm giữ 113.940 cổ phiếu BMP, 183.578 cổ phiếu FPT, 124.000 cổ phiếu KDC, 120.000 cổ phiếu DBC, 150.000 cổ phiếu PGI, 151.960 cổ phiếu MDG và 60.000 cổ phiếu JVC. VietCaptital đã bán hết cổ phiếu KDc, SSI và PVD. Ngoài ra QLQ Bản Viet đang nắm giữ 4,77 triệu chứng chỉ quỹ mở quỹ đầu tư cân bằng Bản Việt.
Nhìn kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm và danh mục của các quỹ cho thấy bức tranh khá ảm đạm của ngành quản lý quỹ Việt Nam. Không có nhiều quỹ có kết quả kinh doanh vượt trội và bản thân các quỹ cũng phải khá chật vật để tìm lối đi trong bối cảnh thị trường diễn biến khá khó lường như hiện tại. Hiện Nghị định 60 đã có hiệu lực và khối ngoại được phép mua 100% các công ty quản lý quỹ Việt Nam, dự kiến trong thời gian tới nếu có dòng vốn ngoại tham gia, hy vọng bức tranh ngành quản lý quỹ Việt Nam sẽ có nhiều điểm sáng hơn so với hiện tại.