Các cam kết đầu tư "khủng" của GEM": Vì sao vẫn chưa thấy giải ngân

(NDH) Đã hết thời gian 3 tháng kể từ khi GEM cam kết đầu tư khủng 1.700 tỷ vào Hoàng Anh Gia Lai nhưng chưa có thông tin nào cho thấy tổ chức này đã giải ngân.

Tháng 2/2014, thị trường bất ngờ xuất hiện một Tập đoàn tài chính Mỹ - Global Emerging Markets (GEM) có vốn 3,4 tỷ USD cam kết đầu tư hàng loạt vào các cổ phiếu midcap trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đầu tiên GEM cam kết đầu tư xấp xỉ 16 triệu USD vào CTCP Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy (mã HHS) trong đó mua khoảng 200 tỷ đồng cổ phần thuộc sở hữu của Hoàng Huy và cổ đông lớn trong khoảng thời gian 30 tháng dưới hình thức thu xếp từng lần và mua 4 triệu cổ phiếu từ cổ đông lớn với giá 31.000 đồng/cp.

Đến nay sau 12 tháng, theo thông báo trên Sở GDCK TP.HCM thì có khả năng GEM mới mua vào khoảng hơn 184.000 cổ phiếu từ Chủ tịch Đỗ Hữu Hạ vào ngày 20/5/2014 (theo phương thức thỏa thuận). Trong khi đó, giao dịch bán 250.000 cổ phiếu HHS của ông Đỗ Hữu Hạ vào đầu tháng 7/2014 và bán 300.000 cổ phiếu HHS vào giữa tháng 9/2014 thì phương thức giao dịch lại là bán thẳng trên sàn (khớp lệnh).

Việc giao dịch 300.000 cổ phiếu HHS của ông Đỗ Hữu Hạ theo giải trình trên HoSe là để “chuyển nhượng cho Quỹ đầu tư GEM Globla Yield Fund và các đối tác” nhưng việc bán thẳng trên sàn thì điều gì khẳng định GEM sẽ mua đủ số cổ phần này khi không có thông tin nào về phía bên mua được công bố tiếp theo.


Ảnh: Design.vn

Trong bản tin cuối tháng 1/2015 của CTCP Chứng khoán FPTS cũng cho rằng hầu như GEM chưa giải ngân nhiều và thực hư việc đầu tư của quỹ này còn rất mơ hồ, không rõ ràng, lịch sử hoạt động của GEM rất mập mờ chưa kiểm chứng được vì vậy NĐT không nên quá kỳ vọng một sự tác động đột biến nào từ quỹ này.

Tháng 2/2014, GEM cũng ký kết đầu tư 800 tỷ đồng (khoảng 400 triệu USD) vào CTCP Tập đoàn FLC, đến tháng 8/2014 tiếp tục ký kết “chính thức” với FLC với cam kết sẽ đầu tư 200 tỷ đồng vào FLC dưới dạng thu xếp vốn từng lần trong thời hạn 12 tháng với giá tương đương giá thị trường. Ngoài ra, GEM cũng cam kết thực hiện đăng ký mua 3 triệu cổ phần từ cổ đông lớn của tập đoàn theo mức giá thoả thuận tại 20.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng từ đó đến nay, chưa có bất kỳ thông tin nào cho thấy GEM đã giải ngân vào FLC.

Cũng trong tháng 8/2014, GEM tiếp tục cam kết đầu tư chiến lược vào CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã DLG) với tỷ lệ nắm giữ 20%, và cũng như trường hợp của FLC, đến nay không có thông tin nào cho thấy GEM đã giải ngân vào công ty này.

Cuối cùng, chiều 6/11/2014, GEM ký kết đầu tư 1.700 tỷ vào CTCP Hoàng Anh Gia Lai, và dự kiến hoàn tất trong “3 tháng tới” với cam kết mua lại từ các cổ đông. Tuy nhiên ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định sẽ không giảm tỷ lệ sở hữu của mình và đến nay đã quá 3 tháng và có vẻ thương vụ đình đám được cho là “khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của GEM vào Việt Nam” đã thất bại.

Thực ra GEM không phải là “người mới xuất hiện”. Khi GEM đầu tư vào HHS, truyền thông trong nước đều đăng tin đây là khoản đầu tư đầu tiên của GEM vào Việt Nam nhưng thực tế cách đây 4 năm, vào tháng 10/2010, GEM đã ký kết đầu tư 30 triệu USD vào Alphanam nhưng sau đó quỹ này cũng không giải ngân và không có thông tin nào cho thấy GEM đã trở thành cổ đông lớn của Alphanam.

Nhà đầu tư cần cảnh giác trước thông tin giao dịch của tổ chức lớn

Thông tin GEM đầu tư vào HAG không tác động nhiều đến giá cổ phiếu HAG do thời điểm cuối năm 2014 thị trường bị ảnh hưởng bởi giá dầu và sau đó cổ phiếu HAG giảm rất mạnh từ 25.000 đồng/cp xuống gần 20.000 đồng/cp. Tuy nhiên thông tin GEM đầu tư vào HHS, FLC vào đầu năm đã khiến giá cổ phiếu FLC tăng rất mạnh từ 9.000 đồng/cp lên 14.000 đồng/cp từ tháng 2 đến tháng 3/2014 và thanh khoản FLC cũng tăng rất mạnh.

Ngoại trừ trường hợp Hoàng Anh Gia Lai GEM cam kết hoàn tất thương vụ trong 3 tháng (đã hết thời gian nhưng chưa thực hiện) thì các trường hợp còn lại HHS, FLC, DLG thời gian ký kết đều là giải ngân từng lần trong khoảng thời gian rất dài, trường hợp HHS là 30 tháng, FLC là 12 tháng và DLG là 6 tháng.

Ngoài ra, một điểm đáng chú ý trong các thương vụ ký kết của GEM đó là GEM không đưa thêm tiền cho các công ty trên mà các cam kết đều là “mua cổ phần từ các cổ đông”, “mua cổ phần từ cổ đông lớn”, chứ không phải do công ty phát hành mới.

Một điểm nữa đáng chú ý là trên website của GEM, GEM chỉ đề cập duy nhất đến việc ký kết với Hoàng Huy, còn việc ký kết với FLC, DLG và HAG hoàn toàn không được nói đến trên website chính thức của GEM.

Đối với trường hợp của HHS, FLC, DLG thời gian ký kết của GEM vẫn còn và không biết việc thực hiện giải ngân của GEM đến đâu nhưng các nhà đầu tư cũng cần cảnh giác và rút kinh nghiệm không để rơi vào tình trạng “chết trên đỉnh” trước các thông tin giao dịch của tổ chức lớn.

Bài 2: Danh mục đầu tư đáng chú ý của GEM