“Các anh hãy thương yêu người phụ nữ của mình!”

“Các anh hãy thương yêu người phụ nữ của mình!”

Đó là lời nhắn gửi của bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Tổng giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Theo chị, người phụ nữ phải gánh rất nhiều trọng trách và họ chỉ có thể mỉm cười hạnh phúc khi người đàn ông của họ trân trọng và yêu thương họ.

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, phóng viên BizLIVE đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Tổng giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về những trải lòng với nghề, và những tâm sự với các "đấng mày râu".

Cơ duyên nào đưa chị đến với ngành chứng khoán?
Trước đây khi tốt nghiệp đại học ở Liên Xô về, tôi làm việc ở Ngân hàng Trung ương. Một vài năm sau đó học tiếp cao học. Quay trở về vào năm 1996, lúc đó Ngân hàng Trung ương chuẩn bị triển khai Ban Phát triển vốn và tách ra thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Lúc đó một cô ở Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ có nói: "Hay Lan sang chứng khoán làm việc?".

Mình lúc đó không biết nhiều về chứng khoán, kiến thức thì mới, kiến thức kinh tế được học thì cũng không có nhiều về chứng khoán. Nhưng mà trong một phút hơi "văn nghệ sĩ" nên tôi quyết định bước chân vào lĩnh vực này để thử với cái mới, và chuyển sang công tác ở UBCKNN vào năm 1997.
Năm 2007, tôi được UBCKNN điều chuyển sang làm Phó giám đốc Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội, lúc đó trung tâm đã vận hành được 2 năm".

Những kỷ niệm sâu sắc nhất của chị với nghề là gì?

Khi chuyển sang Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội, nay là Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, công việc được giao đầu tiên là Trưởng ban Đấu giá cổ phần hóa. Nhớ lại những năm 2005, 2006, với những phiên đấu giá lớn và nhà đầu tư xếp hàng rất dài thì thực sự là tôi cũng hoảng và có hỏi mọi người: "Với những người phụ nữ như em làm trong những cuộc đấu giá như vậy liệu có nguy hiểm không?".

Nhưng may mà các anh ấy đã hỗ trợ rất nhiệt tình và đã động viên tôi nữa. Trong trường hợp đông và xếp hàng thì các anh ý hỗ trợ để cho năm người vào một lần. Nhưng thực tế thì không nguy hiểm như tôi tưởng tượng, và tôi rất biết ơn các anh chị em trong Ban đấu giá cũng như Ban lãnh đạo Sở đã giúp tôi trong những ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, giúp tôi hoàn thành công việc một cách nhanh chóng và an toàn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua biết bao thăng trầm, khiến nhiều người chuyển hướng sang những chân trời khác, vậy điều gì đã níu chân chị ở lại với nghề?

Thực sự là vì một tâm huyết với ngành và yêu ngành chứng khoán. Riêng đối với chứng khoán tôi không bao giờ hết học hỏi, và tôi say mê và cảm thấy lúc nào mình cũng thiếu kiến thức, chính những điều đó đã cuốn hút tôi ở lại.
Một lý do nữa là vì thế hệ trẻ, tôi được nhà nước cho đi học và quay về tôi cũng muốn làm việc và cống hiến trong khu vực nhà nước.

Tôi có niềm tin vào thế hệ trẻ, niềm tin vào TTCK Việt Nam, thì càng phải mang lại niềm tin và truyền lại nhiệt huyết của mình cho thế hệ trẻ. Có thể các em có đam mê, nhưng các em chưa đủ tâm huyết để cống hiến cho một ngành còn rất non trẻ và khó khăn như chứng khoán, nên tôi nghĩ rằng mình sẽ giữ chân được một số người ở lại ngành với tôi.

Chị có bao giờ muốn định hướng cho những người con cũng theo nghiệp của mẹ?

Không! Tôi để các con tự lựa chọn. Tuy nhiên vì mẹ làm trong ngành chứng khoán, nên các con cũng có những sự quan tâm nhất định. Ví dụ con trai cả cũng học Toán tài chính, rồi Quản trị rủi ro hay xác định giá trị của tài sản, cháu cũng có tham khảo và hỏi tôi. Còn sau này cháu có đam mê với chứng khoán hay không thì do cháu tự quyết đinh thôi.

Với những người phụ nữ như chị, làm thế nào để cân đối thời gian dành cho công việc, cuộc sống, gia đình? Làm thế nào để trở thành một người phụ nữ "giỏi việc nước, đảm việc nhà"? Đặc biệt là đối những người mẹ trẻ bây giờ, để đạt được 6 chữ vàng đó thì không hề đơn giản?

Tôi không nghĩ thế đâu, thế hệ trẻ hay bản thân mình cũng đều phải cân đối thời gian. Để ngoài việc hoàn thành công việc ở cơ quan thì mình cũng phải làm tròn bổn phận là một người vợ, một người mẹ, người con trong gia đình. Chẳng qua là thế hệ trẻ có nhiều đam mê khác thôi. Tôi có một nguyên tắc: Ở cơ quan chỉ làm việc cơ quan, về đến nhà chỉ làm việc nhà. Chẳng qua là tôi có quá ít thời gian để giải trí như xem phim, nghe nhạc hay đọc thêm sách thường xuyên. Nhưng tôi vẫn sung sướng khi làm việc nhà, đặc biệt là nấu các món ngon cho chồng cho con.

Lời nhắn nhủ của chị dành cho các "đấng mày râu" nhân dịp 8/3 là gì?

Các anh hãy thương yêu người phụ nữ của mình. Người phụ nữ họ rất nhiều trọng trách đổ lên vai. Ra xã hội họ chẳng thua kém những người đàn ông, nhưng về nhà nào là con cái, việc nhà... Những công việc tưởng chừng lặt vặt nhưng trong đầu họ lúc nào cũng canh cánh. Bất kỳ người phụ nữ nào cũng muốn lo cho chồng cho con hết, và hai vai rất là nặng gánh.

Tôi có quen một ông họa sĩ người nước ngoài, ông có tâm sự trước khi về nước thế này: "Khi đến Việt Nam, tôi thấy rất vui và thú vị. Nhưng khi rời Việt nam tôi hơi buồn, vì đi đến đâu tôi cũng thấy những người phụ nữ Việt Nam lao động quá vất vả. Tôi đi khắp đất nước bạn, đi qua các cánh đồng thì chỉ thấy người phụ nữ làm việc. Lần này tôi sẽ chỉ vẽ những người phụ nữ Việt Nam, những vẻ mặt của họ, những nét khắc khổ, sự chịu đựng của họ và kể cả những nụ cười khi họ thấy hạnh phúc".

Khi đó, tôi chỉ có trả lời một câu thôi: "Người phụ nữ chỉ mỉm cười hạnh phúc khi người đàn ông của họ trân trọng và yêu thương họ".

Xin cảm ơn những chia sẻ, những tâm sự của chị. Nhân dịp 8-3 chúc chị sức khỏe, hạnh phúc, và chúc chị luôn giữ mãi nhiệt huyết với nghề để tiếp tục truyền lửa cho các thế hệ kế cận!