BVH, MSN đỡ VN-Index; VCB, VIC dìm thị trường

BVH, MSN đỡ VN-Index; VCB, VIC dìm thị trường

(NDH) Sau khi có lúc lên sát 640 điểm, chỉ số VN-Index đã lùi lại do sức tăng của cổ phiếu ngành bảo hiểm bớt nóng trong khi cổ phiếu ngành ngân hàng và dầu khí giảm nhẹ.

Khép lại phiên sáng ngày 14/7, chỉ số VN-Index trên sàn Tp.HCM tăng nhẹ 0,95 điểm, tức 0,15%, lên 635,01 điểm. Thị trường ghi nhận 65 mã tăng, 136 mã giảm và 103 mã đứng giá và không có giao dịch.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 91,5 triệu đơn vị với giá trị đạt 1.661,8 tỷ đồng, thấp hơn so với mức khối lượng 127,4 triệu đơn vị và giá trị 2.254,6 tỷ đồng của cùng thời điểm này phiên trước.

Chỉ số VN-Index có lúc đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 11 tháng là 639,69 điểm.

Diễn biến chỉ số VN-Index trong 1 năm qua

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng 0,42 điểm, tương đương 0,47%, lên 89 điểm. Thị trường ghi nhận 51 mã tăng, 100 mã giảm và 209 mã đứng giá và không có giao dịch.

Khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội trong phiên sáng đạt 48 triệu đơn vị với giá trị 585 tỷ đồng.

Các chỉ số đang hướng tới phiên tăng thứ ba liên tiếp trong bối cảnh thị trường bớt lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp sau khi nước này đạt được thỏa thuận cứu trợ với các chủ nợ – theo đó có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Giới đầu tư cũng lạc quan hơn nhờ tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong tuần này sẽ có văn bản đề nghị các công ty xác định “room” cho nhà đầu tư nước ngoài để điều chỉnh cho phù hợp với điều lệ công ty mà không cần phải đợi đến khi có thông tư hướng dẫn.

Đây là một động thái giúp đẩy nhanh việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP mà Bộ Tài chính đã cam kết.

Theo dự báo, bảo hiểm có thể là một trong những ngành được hưởng lợi lớn từ nghị định này, vì tại hội nghị xúc tiến đầu tư tại Mỹ mới đây, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết các công ty bảo hiểm sẽ được nới room đến 100%.

Cổ phiếu ngành bảo hiểm tiếp tục là điểm sáng trong phiên này. Kết thúc phiên sáng, cổ phiếu nặng ký BVH tăng 5,6% lên 65.500 đồng.

Các cổ phiếu bảo hiểm khác cũng tăng mạnh, với BMI tăng kịch trần lên 21.700 đồng, BIC tăng 4,4% lên 26.000 đồng, còn PVI tăng 7,3% lên 23.400 đồng. Các cổ phiếu từng tăng trước đó đã từng tăng hết biên độ cho phép.

Cùng với BVH, một trụ khác của chỉ số là MSN cũng duy trì mức tăng mạnh trong phiên, giúp chống đỡ cho thị trường. MSN tăng 4% lên 91.000 đồng.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu một số ngân hàng giảm do tiếp tục điều chỉnh. Cổ phiếu VCB giảm 1,9% xuống 51.500 đồng, CTG giảm 0,9% xuống 22.800 đồng.

Cổ phiếu ngành dầu khí cũng đi xuống trong phiên này do giá dầu thế giới giảm trong bối cảnh cuộc đàm phán về hạt nhân của Iran với các cường quốc thế giới có thể sắp đạt được thỏa thuận, theo đó giúp nước này xuất khẩu dầu trở lại thị trường. Các mã PVD, PVS, PVC đều giảm.

Cũng góp phần kìm hãm sức tăng của thị trường, cổ phiếu nặng ký VIC nhẹ 0,5% xuống 43.900 đồng.

---------- ---------- ----------

TTCK Việt Nam bước vào phiên giao dịch 14/7 trong bối cảnh các thị trường chứng khoán toàn cầu đều tăng sau khi các chủ nợ đạt được một thỏa thuận cứu trợ cho Hy Lạp, theo đó giúp tâm lý các nhà đầu tư quốc tế bớt lo ngại về sự xáo trộn trên thị trường tài chính toàn cầu.

Lúc 10h00, chỉ số VN-Index đứng ở mức 637,95 điểm, tăng 3,89 điểm, tức 0,61% so với cuối phiên trước. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35,7 triệu đơn vị với giá trị đạt 650,6 tỷ đồng.

VN-Index có thời điểm lên tận 639,69 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 9/2014.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng 0,82 điểm, tương đương 0,52%, lên 89,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19 triệu đơn vị với giá trị 209 tỷ đồng.

Thị trường được nâng đỡ khi cổ phiếu vốn hóa lớn BVH tăng kịch trần lên 66.000 đồng.

Các cổ phiếu ngành bảo hiểm khác cũng tiếp tục phát huy đà tăng mạnh từ phiên trước, trong đó BMI tăng kịch trần lên 21.700 đồng, PVI cũng tăng hết biên độ lên 23.900 đồng, còn BIC cũng tăng mạnh lên 26.500 đồng - ngấp nghé mức trần.

Cổ phiếu dòng ngân hàng tiếp tục có sự phân hóa trong phiên này. Trong số 3 trụ lớn, BID tăng 200 đồng lên 26.000 đồng, trong khi CTG lại giảm 200 đồng xuống 22.800 đồng, còn VCB giữ giá tại 52.500 đồng.

Ngoài VCB, 2 cổ phiếu lớn tiếp theo là VNM và GAS cũng đứng giá, khiến thị trường không biến động mạnh.