Buông lỏng quản lý, HUD phơi bày la liệt sai phạm

Tại cuộc họp báo của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về kết quả thanh tra 6 tháng đầu năm 2015 và nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2015, TTCP đã nêu nhiều sai phạm của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD).

Thanh tra Chính phủ cho biết, trong 6 tháng đầu năm, HUD và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là 2 đơn vị vi phạm tài chính lớn. Trong đó, TTCP đã công bố kết luận Thanh tra tại HUD.

Theo ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, qua thanh tra tại HUD đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng, thể hiện cụ thể ở 2 nhóm việc sau:

Thứ nhất, HUD đã làm trái và buông lỏng quản lý trong hoạt động ủy quyền kinh doanh dự án cho các đơn vị thành viên quy mô lớn. Các dự án đô thị sau khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật, HUD không tiếp tục đầu tư công trình trên đất hoặc chuyển nhượng đất đã có hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp, mà ủy quyền đầu tư kinh doanh cho các công ty thành viên, trái với điều lệ tổ chức hoạt động và quy chế quản lý tài chính của HUD.

HUD bị Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm về tài chính. Ảnh Đức Thanh
HUD bị Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm về tài chính.

HUD đã buông lỏng quản lý trong việc ủy quyền kinh doanh dự án cho các đơn vị thành viên với quy mô rất lớn. Cụ thể, thông qua hình thức ủy quyền đầu tư kinh doanh, HUD đã chuyển giao cho các công ty thành viên cả những diện tích đất Nhà nước đã ưu đãi miễn không thu tiền để đầu tư kinh doanh nhà theo giá thị trường; không thực hiện đúng nghĩa vụ xây dựng căn hộ chung cư cao tầng để bán và cho thuê đối với đối tượng gặp khó khăn về nhà ở, không giao tầng 1 các chung cư cho TP. Hà Nội theo quy định.

Thứ hai, HUD thiếu trách nhiệm đối với việc trích trước chi phí trọng yếu trong kinh doanh bất động sản vào giá vốn kinh doanh. Theo đó, HUD đã hạch toán trích trước chi phí phải trả vào giá vốn kinh doanh hàng kỳ theo suất đầu tư mét vuông đất, mét vuông nhà phân bổ trên cơ sở tổng mức đầu tư các dự án sai với quy định phải căn cứ chi phí phát sinh và dự toán công trình.

"Người có trách nhiệm ở HUD ở thời kỳ sai phạm đó thì đã nghỉ, thanh tra có làm việc với Bộ Xây dựng và 2 lần làm việc với cơ quan điều tra. Để thực hiện đúng quy định về việc chuyển sang tố tụng thì cần hội tụ đủ yếu tố của tội phạm. Khi tiến hành thanh tra chưa đánh giá được hậu quả thiệt hại, chưa xác định được thiệt hại ở thời điểm kết thúc thanh tra với tố tụng nên chưa chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra được. Tuy nhiên, TTCP cho rằng, việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm dẫn đến khả năng mất vốn tại HUD cần được xử lý", ông Khánh cho biết.

Bên cạnh đó, việc quản lý các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của HUD yếu kém, hiệu quả đầu tư thấp, làm thâm hụt vốn như việc đầu tư vào Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao 516, 55 tỷ đồng, nhưng do dự án chậm tiến độ, chi phí phát sinh sớm nên đến cuối năm 2012, lỗ luỹ kế 305 tỷ đồng (bằng 45% vốn đầu tư của chủ sở hữu); góp vốn vào Công ty cổ phần Thép Sông Hồng 46,217 tỷ đồng từ tháng 5/2005 - 1/2007, đã thoả thuận thoái vốn nhưng đến nay không thu hồi được và chưa xử lý; đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh vào Quỹ Đầu tư Việt Nam 72 tỷ đồng (năm 2006), đến thời điểm kiểm tra (8/2013) chưa thu được hiệu quả…

Các khoản nợ của HUD phải trả là hơn 6.684 tỷ đồng, khả năng trả nợ khó khăn do mất cân đối dòng tiền, tồn kho 4.352 tỷ đồng thanh khoản chậm, hạch toán chưa đầy đủ các khoản nợ về tiền sử dụng đất, trích trước thiếu chi phí phải trả dự án Việt Hưng 1.099 tỷ đồng, nợ đọng công trình hạ tầng chưa xây dựng và quá hạn chưa bàn giao được cho địa phương khối lượng lớn là 4.501 tỷ đồng.

Ông Khánh cho biết, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, xử lý theo thẩm quyền và pháp luật để HUD khắc phục tồn tại gắn với tái cơ cấu hiệu quả theo đề án được phê duyệt. Đồng thời, cần xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có khuyết điểm, sai phạm tại HUD theo đúng pháp luật. Nếu phát hiện hậu quả nghiêm trọng thì sẽ chuyển sang cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.