Bước ngoặt từ UPCoM

Ngày mai 20-3, UBCKNN sẽ tổ chức “Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Nghị định 58/2012/NĐ-CP”, nhằm tiếp nhận những ý kiến đóng góp và tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung.

Kỳ vọng thay đổi

Trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP có quy định về việc các công ty đại chúng phải thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM hoặc niêm yết trước mới được chào bán chứng khoán ra công chúng. Nếu điều này được chính thức ban hành, lượng hàng hóa trên TTCK sẽ có nhiều thay đổi quan trọng. Cũng theo Dự thảo này, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sau khi IPO sẽ phải lưu ký và đăng ký trên UPCoM.

Nếu dự thảo được thông qua, các DN muốn huy động vốn ít nhất sẽ phải lên UPCoM. Điều này sẽ kích thích dòng tiền tham gia các đợt IPO nhiều hơn. Bởi từ trước đến nay, một trong những rủi ro lớn nhất khi tham gia IPO chính là sự chây ì niêm yết của các DN. Và một khi DN đưa CP lên UPCoM giao dịch, đồng nghĩa với việc gia tăng thanh khoản, thị trường nhờ vậy cũng có nhiều hàng hóa hơn và dòng tiền trên TTCK nhìn chung sẽ lưu chuyển nhanh hơn.

Dự thảo Nghị định 58 đã được đón nhận tích cực vì kỳ vọng khi áp dụng sẽ gia tăng hàng hóa cho thị trường. Dù vậy vẫn cần thêm những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn nữa để ràng buộc các DN tuân thủ và có trách nhiệm hơn với các cổ đông.

Trong suy nghĩ của nhiều NĐT, UPCoM giống như sàn "loại 2". Vậy nên, trong trường hợp DN chưa niêm yết nhưng cần phải phát hành CP lại không thích lên UPCoM, phải lựa chọn giải pháp còn lại là niêm yết. Điều này có thể kích thích một lượng lớn các DN lớn, các DN chây ì niêm yết lâu nay đưa CP của mình lên sàn. Đơn cử như các ngân hàng, vốn dĩ rất chú trọng đến hình ảnh của mình nên khó có chuyện để CP ngân hàng giao dịch tại UPCoM, nếu buộc phải lựa chọn sẽ niêm yết thẳng.

Dù vậy, vẫn còn những điểm phải xem xét thêm liên quan đến việc huy động vốn và đưa CP lên UPCoM giao dịch. Dễ thấy nhất, nếu DN không có nhu cầu huy động vốn cũng đồng nghĩa với việc không cần phải đưa CP lên UPCoM. Mà số lượng DN này hiện không phải ít, đó chính là những DN đã tiến hành cổ phần hóa, IPO, phát hành CP trước đây. Tất nhiên, về mặt lâu dài, nhiều khả năng DN cũng sẽ phải huy động vốn, phát hành CP, nhưng không phải tất cả đều như vậy.

Thí dụ, thay vì phát hành CP và sẽ phải "bị" lên UPCoM, DN có thể tính tới chuyện vay vốn từ phía ngân hàng hoặc tìm các hình thức huy động khác. Thậm chí, còn có thể nảy sinh tình huống DN vì sợ lên UPCoM nên có thể hạn chế luôn việc huy động vốn, vì vậy khả năng phát triển, tăng trưởng cũng kém đi.

Lúc này, tất nhiên các cổ đông nhỏ lẻ phải chịu thiệt thòi. Nói như vậy chắc hẳn sẽ có câu hỏi DN "sợ" niêm yết đã đành vì có thể phải tuân thủ nhiều quy định về công bố thông tin minh bạch hóa hoạt động… Nhưng giao dịch CP tại UPCoM, các quy định công bố thông tin thoáng hơn nhiều, cũng không phải chịu sức ép minh bạch có gì phải "sợ".

Cần minh bạch trên UPCoM

Có nhiều nguyên nhân "sợ" nhưng ở đây có thể thấy từ chuyện giao dịch. Nếu như vẫn giao dịch CP trên OTC, việc chuyển đổi sở hữu thường sẽ được làm tại DN do bộ phận quản lý cổ đông thực hiện. Trong khi lên UPCoM hiện các giao dịch cũng theo phương thức khớp lệnh như HOSE hay HNX, nghĩa là giao dịch tự do, thoải mái. DN nào muốn kiểm soát cơ cấu cổ đông hay lượng CP trôi nổi chắc chắn không thích.

Đó là còn chưa kể lên UPCoM nếu DN hiệu quả cũng sẽ bị (hoặc được) quan sát, dòm ngó và trong trường hợp lãnh đạo DN không cởi mở họ cũng không hứng thú. Như vậy, các sửa đổi trong Nghị định 58 nếu được chính thức ban hành sẽ có tác động tích cực cho nhóm DN muốn huy động vốn sau này. Nhưng với nhóm công ty đại chúng trước đây, muốn thúc đẩy lên UPCoM, cần có thêm nhiều quy định ràng buộc hơn nữa.

Nghị định 58 kỳ vọng sẽ giúp sàn UPCoM thêm sôi động.



Thực tế, ngay trong quy định muốn huy động vốn ít nhất phải lên UPCoM hoặc niêm yết cũng cần làm rõ hơn. Điều này một mặt buộc DN phải đảm bảo thanh khoản cho cổ đông, nhưng đồng thời cũng có thể tạo ra kẽ hở. Gần đây, dư luận có nhắc đến việc làm sao để các đợt huy động vốn "khủng" phải đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, tránh hiện tượng huy động ồ ạt nhưng thiếu hiệu quả. Trong khi những đợt huy động vốn khủng đa phần thực hiện trên sàn niêm yết.

Hiện tại, chưa thấy có những đợt huy động vốn khủng trên UPCoM, nhưng với đà phát triển của sàn này, vẫn không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện. Nhưng điều rõ ràng là UPCoM lại không chịu những ràng buộc về công bố thông tin nên có thể dẫn đến việc DN phát hành ở UPCoM lợi hơn là phát hành trên sàn niêm yết. Điều này có khi lại ngăn trở DN đem CP tiếp tục niêm yết mà chỉ để ngay tại UPCoM và tất nhiên có thể gây ra rủi ro cho các cổ đông.

Nên chăng cần có những quy định cụ thể hơn nữa về việc phát hành với quy mô ra sao, có thể thực hiện trên UPCoM còn bao nhiêu thì phải niêm yết. Nếu không có những quy định này, cần sớm hoàn thiện những quy định liên quan đến việc công bố thông tin trong các đợt phát hành CP và sử dụng vốn. Nghĩa là dù DN có phát hành CP ở UPCoM hay tại HOSE hoặc HNX cũng phải công bố việc sử dụng nguồn vốn như thế nào, chi tiết đến đâu, hiệu quả hay không…