Phiên hôm nay, trước áp lực chốt lại của thị trường có dấu hiệu gia tăng, nhà đầu tư đã tỏ ra khá thận trọng. Giao dịch ở phiên hôm nay chỉ diễn ra ở trạng thái cầm chừng, thanh khoản hai sàn ở mức khá thấp, chỉ đạt hơn 2.600 tỷ đồng, trong đó, có sự đóng góp khá lớn của giao dịch thỏa thuận với hơn 600 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mã HAG giảm 300 đồng xuống 14.800 đồng/CP và bất ngờ có thỏa thuận lên tới 14,5 triệu cổ phiếu ở mức giá tham chiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 218,95 tỷ đồng. Tương tự, SHB giảm 200 đồng xuống 6.800 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1,7 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, SHB còn có thỏa thuận gần 6,6 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 46 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, VNM giảm 100 đồng xuống 100.000 đồng/CP và cũng có thỏa thuận hơn 1,8 triệu cổ phiếu, trị giá là hơn 196,2 tỷ đồng. Các cổ phiếu cũng có giao dịch thỏa thuận lớn trong phiên hôm nay còn có TTF (2 triệu cổ phiếu), TTP (3,66 triệu cổ phiếu), NVB (1,2 triệu cổ phiếu).
Về mặt điểm số, cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index trong phiên hôm nay đã rơi khá mạnh. Chỉ số VN-Index giảm 6,12 điểm xuống 564,75 điểm. Toàn sàn có 80 mã tăng, 139 mã giả và 91 mã đứng giá. Trong khi chỉ số HNX-Index cũng giảm 1,37 điểm xuống 76,9 điểm. Toàn sàn có 75 mã tăng, 120 mã giảm và 171 mã đứng giá.
Về gần cuối phiên giao dịch, áp lực bán có phần bị đẩy lên mức cao vào khiến đà giảm của nhiều cổ phiếu trụ cột trên thị trường bị nới rộng đáng kể. Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng như VCB, STB, BID, CTG… đã đồng loạt giảm giá. Khép phiên giao dịch, VCB giảm 900 đồng xuống 42.500 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1,3 triệu đơn vị. CTG giảm 600 đồng xuống 19.300 đồng/CP và cũng khớp được hơn 2,89 triệu đơn vị.
Không chỉ dừng lại ở, đó, đà giảm của một số cổ phiếu trụ cột khác trên thị trường là MSN, BVH, PVD… cũng bị nới rộng. MSN giảm 2.500 đồng xuống 80.500 đồng/CP. BVH giảm 1.500 đồng xuống 46.500 đồng/CP.
Chiều ngược lại, hai cổ phiếu GAS và SSI đã làm trụ đỡ trên sàn HOSE trong suốt thời gian giao dịch của thị trường ở phiên hôm nay. Khép phiên giao dịch, GAS tiếp tục tăng mạnh 1.500 đồng lên 49.000 đồng/CP. Tuy vậy, nhiều cổ phiếu dầu khí khác là PVD, PXS… đã lao dốc khá mạnh.
Tương tự như phiên sáng, SSI vẫn giao dịch rất tích cực, tuy nhiên, đà tăng của cổ phiếu này vào cuối phiên giao dịch đã giảm đi đáng kể. Khép phiên giao dịch, SSI tăng 200 đồng lên 25.900 đồng/CP và khớp lệnh trên 5,88 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HAI giảm kịch sàn và dẫn đầu khối lượng khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 8,4 triệu đơn vị. Trong khi đó, KLF giảm 300 đồng xuống 4.700 đồng/CP và cũng dẫn đầu khối lượng giao dịch sàn HNX, đạt hơn 3,6 triệu đơn vị.
Thị trường phiên giao dịch sáng nay diễn ra khá ảm đạm, nhà đầu tư đang tỏ ra thận trọng hơn sau khi thị trường đã tăng khá ‘nóng’ trong vài phiên gần đây và đang có dấu hiệu chốt lời.
Khép phiên sáng, các cổ phiếu ngân hàng trên thị trường là VCB, BID, CTG, ACB… đều đã bị chốt lời mạnh và đồng loạt giảm giá, tuy nhiên, mức giảm của các cổ phiếu này không phải là quá lớn. Trong đó, VCB giảm 100 đồng xuống 43.30 đồng/CP. CTG giảm 200 đồng xuống 19.700 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1,4 triêu đơn vị.
Bên cạnh đó, khá nhiều cổ phiếu lớn khác là BVH, VIC, KDC…cũng đã đồng loạt giảm giá.
Tuy nhiên, mặc dù khá nhiều cổ phiếu lớn đã đồng loạt giảm giá trong phiên sáng nay, nhưng chỉ số VN-Index đã được đẩy lên trên mốc tham chiếu do nhận được lực đỡ khá tốt từ một vài mã trụ cột là GAS, VNM và SSI.
Đáng chú ý nhất, sau 3 phiên liên tiếp tăng trần, GAS tiếp tục duy trì được mức tăng mạnh 2.300 đồng lên 49.800 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1,4 triệu đơn vị. Như vậy, có thể thấy được GAS chính là nhân tố chủ chốt giúp chỉ số VN-Index bật tăng trở lại vào cuối phiên sáng. Bên cạnh đó, một cổ phiếu dầu khí khác là PVC cũng duy trì được đà tăng tích cực ở phiên sáng. Tuy nhiên, các cổ phiếu dầu khí khác là PVD, PXS, PVS… đã chịu áp lực bán khá mạnh và đều giảm giá trở lại.
Trong khi đó, một số cổ phiếu chứng khoán như SSI, HCM, VNM… đã tăng giá khá tốt trong phiên sáng. Trong đó, điểm sáng nhất vẫn là SSI, thông tin liên quan tới việc nới room tiếp tục giúp SSI tăng mạnh 400 đồng lên 26.100 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 4 triệu đơn vị.
Kết thúc phiên giao dịch sáng, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,25 điểm (0,04%) lên mức 571,12 điểm. Toàn sàn có 73 mã tăng, 116 mã giảm và 121 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 50 triệu cổ phiếu, trị giá trên 916 tỷ đồng.
Trong khi đó, chỉ só HNX-Index giảm 0,66 điểm (-0,84%) xuống còn 77,61 điểm. Toàn sàn có 51 mã tăng, 108 mã giảm và 207 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 20,3 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 232 tỷ đồng.
Thị trường trước khi bước vào phiên giao dịch mới đón nhận thông tin tích cực về giá dầu thế giới. Theo đó, giá dầu đã tăng trở lại do xung đột tại giữa Yemen và Saudi Arabia. Ngoài ra, việc giới đầu tư mua lại các hợp đồng đã bán không cũng là nguyên nhân quan trọng. Giá dầu WTI tăng lên 45,33 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent tăng lên 50,05 USD/thùng.
Bên cạnh đó, khối ngoại trong tuần giao dịch vừa qua đã mua ròng trở lại hơn 13,89 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là hơn 60 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do đã tăng mạnh trong nhiều phiên liên tiếp, nên thị trường bước vào phiên giao dịch mới đã gặp phải áp lực chốt lời khá mạnh. Sau ít phút lóe xanh ở đầu phiên giao dịch, các cổ phiếu lớn trên thị trường đã bị chốt lời mạnh và đều lùi xuống dưới mốc tham chiếu, điều này khiến cả hai chỉ số giảm điểm trở lại.
Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng là nhóm chịu ảnh hưởng mạnh nhất của đợt chốt lời này. Các mã như VCB, STB, ACB, BID, CTG… đều đã đồng loạt giảm giá. Trong đó, VCB giảm 500 đồng xuống 42.900 đồng/CP. BID giảm 300 đồng xuống 23.000 đồng/CP. CTG giảm 100 đồng xuống 19.800 đồng/CP.
Bên cạnh đó, khá nhiều cổ phiếu trụ cột khác là VNM, VIC, BVH, MSN, KDC… cũng đã chìm trong sắc đỏ. VIC đang giảm 500 đồng xuống còn 41.200 đồng/CP. Được biết, Vingroup chi 2.148 tỷ đồng để “thâu tóm” Dự án vành khăn. Tuần giao dịch vừa qua, VIC tiếp tục bị khối ngoại bán ròng rất mạnh, đạt hơn 50 tỷ đồng.
Ngoài ra, các cổ phiếu vừa và nhỏ trên thị trường như FLC, HAR, ITA, KBC… cũng đồng loạt giảm giá.
Chiều ngược lại, GAS đang là cổ phiếu nâng đỡ chính giúp đà giảm của thị trường không bị nới rộng. Nhờ vào những diễn biến tích cực của giá dầu thế giới, GAS tiếp tục tăng mạnh 2.100 đồng lên 49.600 đồng/CP. Trước đó, GAS đã có tới 3 phiên tăng trần liên tiếp. Tương tự, thông tin được UBCK chấp thuận nới room lên 100% tiếp tục giúp SSI tăng mạnh 500 đồng lên 26.200 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 2,4 triệu đơn vị.
Sau 30 phút giao dịch, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,6 điểm (-0,11%) xuống còn 570,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 14,9 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 301 tỷ đồng.
Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,62 điểm (-0,08%) xuống 77,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 5,4 triệu cổ phiếu, trị giá trên 60,5 tỷ đồng.
>>> Xem thêm:Tuần 24-28/8: Khối ngoại vẫn không 'mặn mà' với cổ phiếu dầu khí