Bức tranh chứng khoán tháng 9: 8 yếu tố hỗ trợ và 7 lý do cảnh giác 

Bên cạnh những nhà đầu tư nội, cuộc chiến căng thẳng giữa hai phe gấu và bò còn được "thêm dầu vào lửa" bởi các nhà đầu tư nước ngoài.

Trên thị trường chứng khoán, thuật ngữ "gấu" không chỉ được biểu thị cho thị trường giá xuống (hoặc các nhà đầu tư bán vì kỳ vọng giá sẽ giảm), mà còn mang hàm ý giao dịch ảm đạm, hoặc tâm lý đầu tư bi quan. Ngược lại, "bò" biểu thị cho thị trường giá lên (hoặc các nhà đầu tư mua vì kỳ vọng giá sẽ tăng), giao dịch sôi động, hay tâm lý đầu tư hưng phấn.

Bài viết này nhìn lại giao dịch thị trường trong tháng 8 và phác họa bức tranh chứng khoán tháng 9 dưới góc nhìn của hai phe gấu và bò.

Nhìn lại tháng 8...

Hồi đầu tháng 8, rất nhiều nhà đầu tư và chuyên gia phân tích chứng khoán đều cho rằng thị trường tháng 8 khó bứt phá mạnh, thậm chí khó tránh khỏi một tháng giao dịch ảm đạm, và khả năng xảy ra nhịp điều chỉnh sau hai tháng 6 và 7 tăng liên tiếp là khá cao; nói cách khác, tháng 8 sẽ là tháng của phe gấu thắng thế.

Dự đoán này được phe "gấu" đưa ra dựa trên một số căn cứ sau: (1) thị trường thiếu vắng thông tin vĩ mô hỗ trợ; (2) tháng 8 là thời điểm nhiều doanh nghiệp sẽ công bố báo cáo bán niên 2014 sau soát xét, và những sai lệch (nếu có) giữa báo cáo của công ty và kiểm toán sẽ tạo những cú sốc nhất định; và đặc biệt là (3) quan niệm tâm linh: tháng 8 cũng trùng với tháng 7 âm lịch và thông thường theo quan niệm tâm linh thì các hoạt động kinh doanh mua bán không sôi động vào tháng 7 âm (tháng cô hồn)...

Tuy nhiên, tổng kết giao dịch tháng 8 vừa qua cho thấy phe "bò" đã chiến thắng một cách ngoạn mục; thậm chí tháng 8 năm nay (tháng 7 âm lịch) còn được xem là một trong những tháng cô hồn sôi động nhất, và là tháng tăng điểm tốt thứ hai kể từ đầu năm đến nay (chỉ sau tháng 3) khi VN-Index và HNX-Index lần lượt tăng 41,99 điểm (+7,06%) và 7,78 điểm (+9,81%) so với mở cửa đầu tháng.

Nhiều cổ phiếu đã tăng tốt trong tháng 7 vẫn tiếp tục duy trì đà tăng mạnh mẽ trong tháng 8 (đặc biệt là các cổ phiếu họ dầu khí như PVS, PXS, PVC...), thậm chí nhiều cổ phiếu đã liên tục lập những đỉnh giá cao nhất trong lịch sử (như DRC, GAS, HPG, PVD, VIC...).

Bên cạnh những nhà đầu tư nội, cuộc chiến căng thẳng giữa hai phe gấu và bò còn được "thêm dầu vào lửa" bởi các nhà đầu tư nước ngoài.

Trên HSX, bất chấp việc tháng 8 năm nay là một trong những tháng có giá trị mua cao nhất trong lịch sử của khối ngoại (hơn 7.912 tỉ đồng), nhưng đây vẫn là tháng bán ròng tương tự cùng kỳ năm ngoái khi họ bất ngờ xả cực mạnh nhiều mã big caps (bán ròng GAS - 100 tỉ, HAG - 174 tỉ, HPG - 195 tỉ, MSN - 379 tỉ, KDC - 538 tỉ...) khiến tổng giá trị bán cũng đạt con số kỷ lục (hơn 8.214 tỉ).

Có một điều đáng lưu ý ở đây là, vào tháng 5, trong khi phe gấu đã thắng thế với sự giảm điểm mạnh trên cả hai sàn HSX và HNX do xảy ra sự kiện căng thẳng biển Đông thì khối ngoại lại đứng về phe bò thiểu số khi liên tục mua vào rất mạnh nhiều mã big-caps và blue-chips (như mua ròng GAS - 306 tỉ, HAG - 92 tỉ, HPG - 162 tỉ, MSN - 166 tỉ...).

Rồi đến tháng 8, khi thị trường tăng điểm mạnh, khối ngoại lại đứng về phe gấu yếu thế hơn, bán ra hàng loạt cổ phiếu mà họ đã từng mua ròng nhiều tháng trước.

Nhiều người hoài nghi trước những vị thế mua vào hay bán ra của khối ngoại, nhưng có lẽ ít ai phủ nhận kinh nghiệm chinh chiến và khả năng đánh giá - nhận định thị trường của họ, đặc biệt là các tổ chức nước ngoài, vốn đã được thử thách và tích lũy lâu năm qua nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới.

Bức tranh tháng 9...

Trên HSX, việc VN-Index vượt qua mốc 633 điểm một cách mạnh mẽ mở ra cho thị trường một khả năng tiến đến vùng 658 ±5, thậm chí 667 ±3 mở rộng. Còn HNX-Index được kỳ vọng hướng tới mốc 89 ±1.

Các yếu tố hỗ trợ cho dự đoán của phe bò chính là: thứ nhất, lãi suất đang vận động theo hướng có lợi cho thị trường chứng khoán; việc nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động khiến cho kênh tiết kiệm càng trở nên kém hấp dẫn hơn.

Thứ hai, bên cạnh kênh tiết kiệm, các kênh đầu tư khác cũng đều không mấy sáng sủa (chẳng hạn như ngoại tệ thì bị hạn chế hoặc cấm giao dịch, vàng thì đang trong trạng thái lình xình hoặc giá đi xuống, còn bất động sản vẫn trong tình trạng ế ẩm và thanh khoản rất kém).

Thứ ba, tín dụng hiện được thúc đẩy mạnh mẽ nhằm tăng sức cầu của nền kinh tế, đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng.

Thứ tư, việc cơ cấu và dịch chuyển sang các loại trái phiếu kỳ hạn dài của Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước đang diễn ra khá thuận lợi; việc lãi suất giảm và các loại trái phiếu có kỳ hạn dài được quan tâm nhiều hơn trong thời gian gần đây được xem là yếu tố thuận lợi cho đầu tư công vì nó giúp Chính phủ có được nguồn vốn rẻ hơn và dài hơi hơn.

Thứ năm, Chính phủ hiện rất quyết liệt trong việc thực hiện các bước cải cách nền kinh tế; trong đó, tập trung vào ba lĩnh vực then chốt, tạo hiệu ứng lan tỏa lớn là tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và thị trường tài chính, ngân hàng.

Thứ sáu, bên cạnh chính sách tiền tệ, hàng loạt biện pháp tài khóa hiện cũng được Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (như miễn giảm thuế, gia hạn thuế, tăng đầu tư công...).

Thứ bảy, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cam kết ổn định tỷ giá.

Thứ tám, khối ngoại duy trì đánh giá rất tích cực về kinh tế Việt Nam. Và thứ chín, nhiều quốc gia vẫn tiếp tục cam kết chính sách lãi suất cực thấp (như EU, Mỹ, Nhật...). (xem thêm: Chuyên gia ngoại nâng dự báo TTCK Việt Nam)

Ở chiều ngược lại, phe gấu cũng có một số yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường.

Một là, khá nhiều big caps và blue-chips (như VIC, HPG, GAS...) và đặc biệt là họ nhà "P" (như PVD, PVS, PVC, PXS, PVB...) đã tăng liên tục và khá mạnh trong nhiều tuần qua, nên rủi ro điều chỉnh giảm là hoàn toàn có thể xảy ra.

Hai là, tổng cầu của nền kinh tế hiện vẫn rất yếu; điều này khiến cho tín dụng khó đẩy mạnh, và cho dù lãi suất giảm nhưng chưa thể xuất hiện làn sóng vay vốn của doanh nghiệp để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ba là, nợ công đang là nguy cơ khi mang trong mình ba đặc điểm nguy hiểm: (1) tốc độ tăng ngày càng cao, (2) cơ cấu nợ không an toàn với nợ ngắn hạn cao hơn nhiều so với nợ dài hạn, và (3) năng lực trả nợ ở mức đáng báo động khi nghĩa vụ trả nợ năm 2014 đã vượt qua vạch "đỏ" (25% tổng thu ngân sách - theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam).

Bốn là, trong kỳ cơ cấu của các ETFs sắp tới, nhiều mã big caps được dự đoán bị giảm tỷ trọng (như BVH, MSN, VIC...) sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số VN-Index và tâm lý đầu tư.

Năm là, nguồn lực dành cho margin của các công ty chứng khoán là có giới hạn; vì thế, một khi thị trường càng tăng cao về khối lượng và giá trị, thì các vấn đề về margin sẽ khiến nhà đầu tư càng thận trọng hơn nếu thị trường không có nhiều dòng tiền mới xuất hiện.

Sáu là, về khía cạnh địa chính trị, các vấn đề liên quan đến thăm dò/khai thác dầu khí, căng thẳng biển đảo, tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn là rủi ro phải tính đến.

Và bảy là, thị trường tháng 9 được cho là thiếu vắng những tin tức vĩ mô tích cực hỗ trợ cho thị trường chứng khoán. Các yếu tố này có thể sẽ khiến thị trường có những nhịp "thở" điều chỉnh. Tuy nhiên, hiện tại có lẽ chưa đủ mạnh để khiến thị trường bị giảm sâu. Do đó, nếu thị trường xảy ra sự vận động trong vùng 610-660 trong vài tuần tới cũng là điều không mang tính bất ngờ.