Chính phủ vừa ban hành Nghị định 60/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) đã có những phân tích về những tác động của Nghị định này tới TTCK Việt Nam.
Hiện tượng thông tin bất đối xứng sẽ xảy ra trong ngắn hạn
Các diễn biến trong ngắn hạn thường rất nhạy với các tin tức liên quan đến sự thay đổi về tình hình hoạt động của Công ty cũng như những thay đổi về mặt chính sách.
Việc nới room sẽ giúp nhà đầu tư tin tưởng rằng giá cổ phiếu sẽ tăng do được đón dòng vốn mới từ các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện tại có 28 cổ phiếu (25 trên HSX và 3 trên HNX) đã hết room, và đều tập trung vào những Công ty lớn, đầu ngành trong lĩnh vực Ngân hàng, Dược phẩm, Công nghệ như FPT, MBB, DHG,…
Tuy vậy không phải toàn bộ các cổ phiếu này sẽ được nới “room” ngay do nhiều Công ty thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện sẽ phải điều chỉnh theo quy định của luật chuyên ngành. Điều này sẽ khiến các NĐT đẩy mạnh tham gia đầu tư, giao dịch vào các mã này. Việc này có thể giúp thị trường giao dịch sôi động hơn tuy nhiên, đi kèm với đó là rủi ro ngắn hạn tăng lên do biến động giá mạnh hơn. Chính vì thế, trong ngắn hạn, các tác động tiêu cực hoàn toàn có thể xảy ra (hiệu ứng tin ra là bán).
Tác động của Nghị định 60 đến room của các cổ phiếu niêm yết hiện tại không quá lớn. Rà soát lại những mã cổ phiếu đang có tỷ lệ sở hữu nước ngoài gần sát hoặc bằng với tỷ lệ trần hiện nay do Chính phủ quy định; chỉ có 13/37 mã có khả năng mở room.
Bên cạnh đó, rào cản kỹ thuật (ngành nghề hạn chế kinh doanh với NĐTNN) và rào cản mềm (điều lệ công ty) khiến không nhiều cổ phiếu có khả năng mở room cho NĐTNN. Điều này trái với kỳ vọng thị trường cho rằng Nghị định 60 sẽ mở room NĐTNN không hạn chế.
Những cổ phiếu có quy mô và chất lượng tốt được thị trường kỳ vọng được mở room như VNM, FPT, REE, GMD, … đều hoạt động trong lĩnh vực không được tăng tỷ lệ sở hữu của đầu tư nước ngoài. Nhóm cổ phiếu này có thể bị bán mạnh hơn so với thị trường trong thời gian tới khi có thông tin xác nhận.
Bên cạnh đó, hiện tượng thông tin bất đối xứng (*) sẽ xảy ra trong ngắn hạn, do nhiều nhà đầu tư chưa hiểu hoặc chưa đánh giá được đầy đủ thông tin từ Nghị định này dẫn tới các hành vi làm giá, đẩy giá dựa trên trạng thái tâm lý quá hưng phấn hoặc kỳ vọng quá mức. NĐT cá nhân nên chú ý đến các vấn đề này để tránh bị trục lợi do quá hưng phấn hoặc quá sợ hãi quá trước thông tin chính thức khác so với kỳ vọng.
Bước đột phá trong chính sách thu hút vốn dòng vốn gián tiếp của đầu tư nước ngoài
Trong dài hạn, Nghị định 60 là bước đột phá trong chính sách thu hút vốn dòng vốn gián tiếp của đầu tư nước ngoài, đồng thời thúc đẩy sự minh bạch, rõ rằng và chặt chẽ các văn bản quy phạm về đầu tư nước ngoài và các ngành kinh doanh có điều kiện.
Một số tác động của Nghị định ảnh hưởng đến Thị trường chứng khoán trong dài hạn như minh bạch hệ thống quy phạm pháp luật liên quan tới đầu tư của nước ngoài; Mở room cho đầu tư nước ngoài, nhưng vẫn kiểm soát tại những lĩnh vực trong yếu; Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và tăng chất lượng cổ phiếu qua hoạt động cơ cấu công ty, đầu tư mạo hiểm và M&A của vốn ngoại; Ngoại lực giúp đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN; Tăng cường tham gia khối ngoại.
Đại hội cổ đông quyết định việc nới room
Điều lệ công ty sẽ quy định tỷ lệ mở room cho nhà đầu tư nước ngoài và được thông qua bởi ĐHCĐ. Mở room cho đầu tư nước ngoài mang lại nhiều lợi ích cho Công ty nhưng mặt trái là lãnh đạo có thể mất quyền kiểm soát. Do vậy, việc mở room với tỷ lệ bao nhiêu, có sử dụng cổ phiếu không chuyển đổi với tỷ lệ bao nhiêu là điều ĐHCĐ và lãnh đạo Công ty phải cân nhắc kỹ càng để tránh bị nhà đầu tư nước ngoài mua bán thâu tóm và mất quyền kiểm soát.
Tuy nhiên, với việc cho phép NĐT nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào cổ phiếu không có quyền biểu quyết, các Công ty vẫn có thể huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết. Như vậy vừa đáp ứng được nhu cầu vốn mà vẫn không ảnh hưởng tới khả năng kiểm soát Công ty.
(*) Thông tin bất đối xứng là trạng thái bất cân bằng trong cơ cấu thông tin giữa các chủ thể tham gia giao dịch có mức độ nắm giữ thông tin không ngang nhau. Người có nhiều thông tin sẽ có lợi thế hơn người khác trong giao dịch.