BSC: Hóa chất, Phân bón, Điện, Xi măng...hưởng lợi từ việc giá dầu giảm

(NDH) Trong khi việc giá dầu giảm sâu gây khó khăn nghiêm trọng cho các DN dầu khí thì nó lại ảnh hưởng tích cực đến các nhóm ngành SX khác như hóa chất; phân bón; nhựa; vận tải biển nhờ việc giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển giảm.

CTCK Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) đã công bố báo cáo đánh giá ảnh hưởng của việc suy giảm giá dầu. Theo đó, BSC cho rằng, giá dầu sẽ tiếp tục chịu sức ép giữa bộ đôi cung mạnh – cầu yếu như đã diễn ra trong nửa đầu năm 2015.

Triển vọng ngắn hạn tương đối tiêu cực

Trong ngắn hạn các yếu tố cơ bản chưa thể chuyển biến nhanh chóng, triển vọng ngắn hạn đối với dầu thô nhìn chung tương đối tiêu cực. Giá dầu sẽ tiếp tục chịu sức ép giữa bộ đôi cung mạnh – cầu yếu như đã diễn ra trong nửa đầu năm 2015.

Dù số lượng dàn khoan dầu đá phiến Mỹ giảm mạnh do chịu tác động khá nhạy đối với giá dầu thô thế giới, ngành sản xuất dầu đá phiến của Mỹ vẫn hứa hẹn cải tiến công nghệ giúp giảm chi phí khai thác. Sự thay đổi linh hoạt này có thể là trở ngại trong tương lại đối với giá dầu. Tại thời điểm hiện tại, với tình hình địa chính trị ổn định trở lại ở các nước sản xuất dầu lớn như Nga, Iran, Iraq, và rất có thể đối với các nước như Libya, Venezuela và Nigeria, nguồn cung có thể bổ sung đáng kể vào tổng sản lượng cung dầu thế giới. Vùng giá hiện tại được kỳ vọng là vùng ổn định trong ngắn hạn của giá dầu.

Nhu cầu dầu thô sẽ yếu đi trong mùa thu: theo thống kê của EIA, trong 4 năm gần đây, nhu cầu xăng sẽ ở mức cao nhất trong mùa hè và dịp cuối năm, sau đó sẽ giảm dần từ mùa thu đến đầu đông. Nguyên nhân được lý giải là nghỉ hè và nghỉ đông là thời điểm di chuyển nhiều nhất trong năm, các gia đình đi du lịch và thanh thiếu niên kiếm việc làm thêm. Do vậy, nhu cầu về xăng suy yếu sẽ kéo theo việc giảm nhu cầu dầu thô.

Trên cơ sở đó, vùng giá của dầu thô tới thời điểm cuối năm 2015 có thể dao động trong khoảng 35 – 50 USD/thùng.

Bảo hiểm và Dầu khí được đánh giá sẽ chịu tác động tiêu cực từ việc giá dầu thế giới giảm

Việc giá dầu giảm mạnh từ nửa cuối năm 2014 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp với các mức độ khác nhau.

Các ngành được đánh giá tích cực từ việc giá đầu thế giới giảm là Hóa chất, Phân bón, Điện, Nhựa, Săm lốp, Vận tải biển, Xi măng và Gạch.

Trong khi đó, ngành Bảo hiểm, Dầu khí được đánh giá sẽ chịu tác động tiêu cực.

Hóa chất: Một số sản phẩm hóa chất đầu vào như lưu huỳnh, dầu gốc, nhựa đường… là sản phẩm của lọc hóa dầu nên giá dầu thấp sẽ giúp giá nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp rẻ hơn. Hơn nữa, giá dầu thấp cũng giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển khi phần lớn các nguyên liệu đầu vào của sản xuất hóa chất tại Việt Nam đều là hàng nhập khẩu. Cổ phiếu lưu ý là PLC và CSV.

Phân bón: Giá khí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất phân urea được tính theo giá dầu FO nên các doanh nghiệp sản xuất phân urea được hưởng lợi trực tiếp khi giá dầu giảm. Lưu huỳnh là nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân lân. Do là sản phẩm của lọc dầu nên giá lưu huỳnh chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá dầu thô.

Ngoài ra, phân bón là ngành có chi phí vận chuyển lớn nên việc giá nhiên liệu giảm trực tiếp theo giá dầu sẽ giúp các doanh nghiệp tiết giảm được chi phí. Cổ phiếu lưu ý là DPM và LAS.

Điện: Dầu thô và khí là nhiên liệu đầu vào chính của các nhà máy máy nhiệt điện. Việc giá khí trên bao tiêu được tính theo giá thị trường (dựa trên 46% giá dầu FO thị trường Singapore tháng trước) sẽ giúp các doanh nghiệp nhiệt điện khí hưởng lợi trực tiếp từ việc suy giảm của giá dầu. Cổ phiếu lưu ý: NT2.

Nhựa: Hạt nhựa được sản xuất từ dầu mỏ và khí thiên nhiên, do đó, giá hạt nhựa có mối quan hệ chặt chẽ, cùng chiều với diễn biến giá dầu. Điều này giúp tiết giảm chi phí sản xuất, cải thiện biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp nhựa. Giá hạt nhựa HDPE và PP giảm mạnh kể từ đầu tháng 6/2015, cùng đà giảm của giá dầu, giá PVC hiện chưa giảm nhiều. Tính đến ngày 14/8/2015, giá HDPE, giá PP và giá PVC giảm lần lượt là 12%, 22% và 3% so với ngày 29/5/2015. Tính trung bình từ đầu năm giá HDPE, PP và PVC giảm lần lượt là 20%, 22% và 18% so với cùng kỳ. Cổ phiếu lưu ý: BMP và DNP. Một số mã nhựa có thể được hưởng lợi khác: RDP, DAG.

Săm lốp: Giá dầu giảm khiến giá cao su tổng hợp giảm, đồng thời tạo áp lực giảm nên giá cao su tự nhiên do cao su tổng hợp và cao su tự nhiên là 2 dòng sản phẩm thay thế. Như vậy, giá cao su được dự báo giảm sẽ mang lại tác động tích cực cho các doanh nghiệp săm lốp. Tính đến ngày 19/8/2015, giá cao su giảm 19,36% so với ngày 29/5/2015. Tính trung bình 8T2015, giá cao su giảm 16% so với năm trước. Cổ phiếu lưu ý là DRC, CSM và SRC.

Vận tải biển: Chi phí nhiên liệu chiếm 40%- 50% giá vốn của các doanh nghiệp vận tải biển hoạt động theo hình thức chạy theo chuyến. Cổ phiếu lưu ý: SKG.

Xi măng: Giá dầu gần như không có ảnh hưởng trên tổng chi phí. Tương tự như ngành thép, giá dầu sẽ có ảnh hưởng chủ yếu ở khâu vận chuyển. Cổ phiếu lưu ý: HT1, BCC và BTS.

Gạch: Những doanh nghiệp sử dụng khí CNG sẽ được hưởng lợi. Ngoài ra các doanh nghiệp sử dụng than hóa khí vẫn được hưởng lợi do giá than giảm trong thời gian gần đây, chi phí than hóa khí trên giá vốn hàng bán giảm từ hơn 30% về ~ 25%. Cổ phiếu lưu ý: VIT.

Bảo Hiểm: Việc giảm giá dầu ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của một số doanh nghiệp dầu khí là khách hàng của các công ty bảo hiểm. Giá trị bảo hiểm hàng hóa (về xăng dầu) giảm làm giảm phí bảo hiểm hàng hóa. Cổ phiếu lưu ý: PVI và PGI.

Dầu khí: Việc giá dầu ở mức thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp, làm giảm đơn giá cũng như nhu cầu các dịch vụ dầu khí. Đồng thời,giá dầu thấp sẽ gây khó khăn trong việc thu xếp vốn cho các dự án đầu tư của PVN cũng như các doanh nghiệp dầu khí. Cổ phiếu lưu ý: GAS và PVD.