BSC: Dòng vốn ngoại là động lực chính dẫn dắt thị trường

BSC: Dòng vốn ngoại là động lực chính dẫn dắt thị trường

(NDH) BSC cho rằng dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ tiếp tục là động lực chính để dẫn dắt thị trường ít nhất trong nửa đầu tháng 7. Bên cạnh đó, nhóm large cap được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt và lôi kéo các nhóm cổ phiếu còn lại.

Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) vừa công bố báo cáo vĩ mô và thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm 2015. Trong đó, BSC đã đưa ra quan điểm cũng như nhận định về những diễn biến của thị trường chứng khoán trong tháng 7.

NĐT phản ứng vội vàng với thông tin nới room

Về tình hình vĩ mô Việt Nam, các chỉ tiêu quan trọng như CPI, FDI hay PMI đều có sự tăng trưởng tốt, và các tổ chức quốc tế như ANZ hay WB vẫn đang duy trì đánh giá tích cực về tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam.

Một vấn đề quan trọng xuất hiện vào cuối tháng 6 tác động mạnh đến thị trường chứng khoán là sự xuất hiện của Nghị định 60 về vấn đề nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, và gần như ngay sau đó, các cổ phiếu trong diện hết room đã tăng giá mạnh để đón đầu dòng tiền từ khối ngoại như HCM, FPT, FPT, VNM,… Nhà đầu tư có vẻ như đã phản ứng hơi vội vàng với thông tin trên, bởi lẽ không phải tất cả các cổ phiếu hết room đều sẽ được nới room ngay khi Nghị định này có hiệu lực.

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận tác động tích cực của thông tin này đến thị trường khi hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng điểm mạnh, giúp thị trường tiệm cận gần ngưỡng 600 điểm.

Về tình hình vĩ mô thế giới, hai vấn đề được nhà đầu tư quan tâm đó là hiệp định TPP và nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp. Hai vấn đề này có tác động trái ngược đến thị trường chứng khoán, nhưng dường như tác động tích cực đã lấn át hơn.

Hiệp định TPP đã đi được hơn một nửa chặng đường khi Hạ viện Mỹ đã chính thức trao quyền “đàm phán nhanh” về hiệp định cho tổng thống Obama, giúp đẩy nhanh việc hoàn tất hiệp định TPP. Điều này giúp nhóm cổ phiếu dệt may (TCM, TNG), thép (HSG, HPG) và thủy sản (HVG, VHC) có những phiên tăng điểm mạnh.

Ở chiều ngược lại, mọi con mắt đều đổ dồn về châu Âu, nơi Hy Lạp đang cận kề với một cuộc khủng hoảng nợ nếu như ECB không tung ra gói cứu trợ nào như trước đây. Càng gần những ngày cuối tháng 6, tình hình càng khó khăn hơn khi nỗ lực đàm phán nhằm đưa ra giải pháp cứu Hy Lạp đều không có kết quả. Mặc dù ảnh hưởng mạnh tới thị trường chứng khoán châu Âu, tình hình tại Hy Lạp dường như không ảnh hưởng gì tới chứng khoán Việt Nam. Không ngoại trừ trường hợp, sự bất ổn từ châu Âu đã khiến dòng vốn tìm đến Việt Nam như một giải pháp trú ẩn tạm thời.

Cơ hội trading vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện

Hiện tại, trong bối cảnh nhà đầu tư trong nước còn đang nghi ngại về thị trường khi VN-Index nhanh chóng tiệm cận ngưỡng 600 điểm, nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra khá mạnh tay trong việc mua vào tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là mua các cổ phiếu vốn hóa lớn. Tính đến thời điểm này, chưa có dấu hiệu rút ra của dòng vốn ngoại này. Do đó, dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ tiếp tục là động lực chính để dẫn dắt thị trường ít nhất trong nửa đầu tháng 7.

Cơ hội trading vì thế vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện, mặc dù VN-Index đang ở mức cao. Nhóm large cap được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt và lôi kéo các nhóm cổ phiếu còn lại.

Với nhận định trên, NĐT có thể tiếp tục theo dõi, quan sát thị trường, cân nhắc chờ mua thêm khi thị trường hoàn thành nhịp rung lắc tại vùng đỉnh 600, đồng thời cân nhắc quyết định đầu tư tiếp theo dựa vào sự tham gia hưởng ứng của dòng tiền nội.

Nếu nhà đầu tư nội quay trở lại, dòng tiền sẽ được lan tỏa mạnh mẽ giữa các nhóm ngành, tạo sự đồng thuận trên thị trường, mang lại nhiều cơ hội cho hoạt động đầu tư ngắn hạn và trung hạn. Ngược lại, nếu đà tăng của thị trường không thu hút được dòng tiền nội như những gì diễn ra trong nửa cuối tháng 6, cơ hội để thị trường bứt phá mạnh là không dễ dàng