Bong bóng Dot-com “không là gì” so với cơn sốt ở Trung Quốc

Bong bóng Dot-com “không là gì” so với cơn sốt ở Trung Quốc

Đợt tăng điểm khiến thế giới phải choáng váng của các cổ phiếu công nghệ ở Trung Quốc khiến bong bóng dot-com trở nên nhỏ bé.

Nội dung nổi bật:

- Các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc hiện quá ở mức giá quá đắt với hệ số P/E trung bình lên tới 220 lần

- Giống như cuối những năm 1990 ở Mỹ, các cổ phiếu Trung Quốc cũng được hỗ trợ bởi chính sách lãi suất thấp, các vụ IPO bùng nổ và dòng tiền ồ ạt từ các nhà đầu tư mới chập chững bước vào thị trường.


Ngành công nghệ hiện đang dẫn đầu đà tăng điểm của chứng khoán Trung Quốc - thị trường có giá trị vốn hóa đạt 6.900 tỷ USD và mức giá trị cao hơn tới 220 lần so với lợi nhuận. Khi chỉ số Nasdaq đạt đỉnh hồi tháng 3/2000, các công ty công nghệ ở Mỹ chỉ có hệ số P/E trung bình ở mức 156 lần.

Giống như thời kỳ Internet bắt đầu trỗi dậy cách đây 2 thập kỷ, các cổ phiếu công nghệ ở Trung Quốc được hỗ trợ bởi chính sách của chính phủ. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang khuyến khích ngành công nghệ phát triển nhằm giúp nền kinh tế giảm bớt lệ thuộc vào công nghiệp nặng và bất động sản. Thêm một đặc điểm nữa giống với thời kỳ cuối những năm 1990: các cổ phiếu Trung Quốc cũng được hỗ trợ bởi chính sách lãi suất thấp, các vụ IPO bùng nổ và dòng tiền ồ ạt từ các nhà đầu tư mới chập chững bước vào thị trường.

Tin tốt là mảng công nghệ mới chỉ chiếm một phần nhỏ trên thị trường chứng khoán Trung Quốc so với ở Mỹ cách đây 15 năm, do đó có thể hạn chế phần nào cơn bán tháo. Tuy nhiên, tin xấu là bất cứ biến động ngược chiều nào cũng có thể khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ trắng tay và đặt dấu chấm hết cho đà tăng của chỉ số công nghiệp Thượng Hải.

"Các cổ phiếu công nghệ của Trung Quốc khá giống với bong bóng dot-com", Vincent Chan - chuyên gia đến từ ngân hàng Credit Suisse - nhận định. "Năm 2000, thị trường đã trượt dốc 50 - 70% khi bong bóng vỡ, và các cổ phiếu có giá trị vốn hóa nhỏ trên thị trường Trung Quốc có thể đối mặt với những điều chỉnh lớn khi kịch bản lặp lại".

Chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư cho khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy nền kinh tế vốn đang tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong 25 năm.

Tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã vạch ra kế hoạch "Internet Plus" với tham vọng kết nối các công ty Internet với các nhà sản xuất. Nhà đầu tư nước ngoài cũng được chào đón ở thị trường chứng khoán Thâm Quyến - nơi tập trung các công ty công nghệ Trung Quốc - thông qua mối liên kết với sàn Hồng Kông.

Trong số các công ty công nghệ toàn cầu có giá trị vốn hóa từ 1 tỷ USD trở lên, tất cả 50 công ty xuất sắc nhất của năm 2014 đều đến từ Trung Quốc. Nhóm này cũng gây ấn tượng với những vụ IPO đình đám. Cổ phiếu của công ty dịch vụ tích hợp di động Tianli của Bắc Kinh đã tăng 1,871% kể từ khi IPO và hiện có tỷ lệ P/E ở mức 379 lần.

Theo dữ liệu của Bloomberg, hiện nay, trung bình các cổ phiếu công nghệ của Trung Quốc có tỷ lệ P/E cao gấp 41% so với các công ty công nghệ Mỹ thời năm 2000. Chúng cũng có mức giá cao gấp đôi và giá trị vốn hóa cao hơn 12%.

Dẫu vậy, ở Trung Quốc vẫn thiếu một số yếu tố tạo nên bong bóng. Không giống như ở Mỹ, các nhà quản lý yêu cầu bất kỳ công ty nào niêm yết trên các sàn chứng khoán lớn nhất cả nước đều phải có lợi nhuận. Một số công ty có mức giá trị cao bởi chúng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đáng gờm.

Bên cạnh đó, ngành công nghệ chiếm tỷ trọng nhỏ bé có nghĩa là ngành này không thể gây ra ảnh hưởng quá lớn đến toàn bộ thị trường. Công nghệ chỉ chiếm 13% tổng giá trị vốn hóa của thị trường, nhỏ bé so với mức 31% trên TTCK Mỹ năm 2000. S&P 500 đã phải mất 7 năm để hồi phục sau bong bóng dot-com trong khi Nasdaq vẫn chưa thể lập lại đỉnh cao cũ.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bong bóng dot-com không thể lặp lại đối với chứng khoán Trung Quốc. Lượng nợ ký quỹ đã lên đến mức cao kỷ lục, trong khi tốc độ mở tài khoản mới cũng cao nhất từ trước đến nay. Hơn 2/3 số nhà đầu tư mới chưa học hết phổ thông.

Tiền chảy vào chứng khoán Trung Quốc một phần bởi NHTW nước này đang hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng, tương tự như hành động của Fed năm 1998 nhằm khôi phục niềm tin của nhà đầu tư trong bối cảnh Nga vỡ nợ và quỹ đầu cơ Long-Term Capital Management sụp đổ.

Giống như bong bóng dot-com, chí ít thì trên giấy tờ sự bùng nổ hiện nay đang tạo nên một tầng lớp của cải mới. Có ít nhất 12 tỷ phú công nghệ đã xuất hiện trong năm nay. Trong số đó có Chủ tịch Qian Yongyao của Tianli Mobile và He Ye - người đồng sáng lập Shenzhen InfoTech Technologies. Cổ phiếu của công ty này đã tăng 274% kể từ đầu tháng 1 đến nay, trong khi hệ số P/E ở mức 2.628 lần.