Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, năm 2015 là năm khá đặc biệt của kinh tế Việt Nam. Sau cả chặng đường dài hơn 3 năm chúng ta đã có mức tăng trưởng thấp, và chúng ta phải dồn sức vào ổn định kinh tế vĩ mô, thì bắt đầu từ năm 2014 kinh tế VN bắt đầu phục hồi. Năm 2014 cũng là năm đầu tiên chúng ta đã vượt qua mốc chỉ tiêu về kinh tế do Quốc hội thông qua, và năm 2015 là năm mà chúng ta khẳng định thêm điều này. Đó là kinh tế vĩ mô của Việt Nam ngày càng ổn định hơn, và đang lấy lại tốc độ tăng trưởng.
– Vậy thì tăng trưởng này ở đâu ra, thưa ông?
Có thể nói là trong năm 2015 Việt Nam đối mặt với 3 thách thức rất lớn. Thách thức thứ nhất là sự phục hồi rất chậm của kinh tế thế giới, và rất nhiều mặt hàng hóa của thế giới giảm rất mạnh, thị trường tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam thu hẹp lại rất nhiều, đặc biệt các hàng nông sản như là cao su, như là hải sản. Thứ 2 là giá dầu giảm dẫn đến sự đảo lộn cơ cấu ngân sách của VN. Thách thức thứ 3 là chính sách tiền tệ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, với tất cả thách thức trên, có thể nói, phản ứng chính sách của Chính phủ Việt Nam tương đối nhanh nhạy và có hiệu quả. Cho nên mặc dù giá dầu giảm như vậy nhưng tổng thu ngân sách vẫn không giảm, nó chỉ thay đổi cơ cấu là ngân sách trung ương hụt 31000 tỷ, nhưng ngân sách địa phương lại vượt thu rất nhiều. Một điểm sáng là trong năm 2015, ngay sau khi Luật DN sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực, thì số lượng đăng ký thành lập DN mới đã tăng tới 50-60% so với các năng trước – Tăng đột biến về số lượng cũng như chất lượng của DN. Thứ 2 nữa là số DN gặp khó khăn, giải thể hoạt động đã quay trở lại hoạt động rất nhiều. Đó là dấu hiệu đáng mừng. Một khi số DN gia tăng lớn, nhất là SME sẽ tạo ra rất nhiều công ăn việc làm và tạo ra đóng góp trong GDP rất quan trọng. Một vấn đề nữa là chỉ số lạm phát thấp. Năm 2014, CPI của chúng ta là 1,84%, và năm 2015 CPI cả năm dưới 1%. CPI thấp do tác động giảm giá của thế giới tác động vào Việt Nam. Nhưng nó cũng tạo ra sự ổn định cho chúng ta, khi chúng ta có một nền kinh tế vĩ mô tốt, có lãi suất ngân hàng thấp, giúp huy động nguồn lực trong dân trong Nhà nước để đầu tư lớn hơn. Đấy là những nguyên nhân và nhận định của chúng tôi về tăng trưởng kinh tế năm 2015. Tôi nghĩ đây là đà tốt cho năm 2016 cũng như cả nhiệm kỳ năm 2016-2020.
– Năm 2015 là năm đặc biệt vì VN đã kết thúc đàm phát và ký kết một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng như với EU, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á-Âu, hiệp định TPP và tham gia thành lập Cộng đồng ASEAN. Có nhiều ý kiến đã nói về sự chuẩn bị của VN cho những bước hội nhập mới này là chưa tốt, vậy ý kiến của Bộ trường về vấn đề này như thế nào?
Có thể nói Việt Nam đang rất tích cực tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do. Bước vào năm 2016, VN đã bắt đầu bước chân vào hội nhập ở mức cao hơn so với hội nhập hiện nay. Thứ nhất chúng ta đã tham gia thành lập cộng đồng ASEAN, trong đó có cộng đồng kinh tế ASEAN, vào 31/12/2015. Chúng ta đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn. Một là tự do về luân chuyển hàng hóa, hai là tự do về luân chuyển đầu tư, và ba là tự do luân chuyển về lao động có kỹ thuật cao. Rồi năm 2016 ta đã bước chân vào thực hiện FTA Hàn Quốc có hiệu lực từ 1/1/2016, một cái FTA nữa là FTA VN và liên minh kinh tế Á Âu. Còn chưa kể những FTA khác đang chờ đợi chúng ta là FTA Việt Nam và EU rồi TPP. Vì vậy, có thể nói đây là vấn đề rất gay cấn, là bước ngoặt trong nền kinh tế VN. Vậy Chính phủ và nền kinh tế Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào? Có thể nói là Quốc hội, các chuyên gia và báo chí đã nói tốn không ít giấy mực. Có hai luồng quan điểm, một là cho rằng chúng ta đã chuẩn bị tốt, Chính phủ chuẩn bị tốt, DN cũng được chuẩn bị. Nhưng cũng một luồng quan điểm lớn hơn như thế cho rằng, chúng ta cần có một kế hoạch rõ ràng hơn, cụ thể hơn để cho mỗi một DN, cho mỗi người dân hiểu được cơ hội khi các hiệp định thương mại này đem lại.
Tôi nghĩ rằng, chúng ta đã làm được một số vấn đề cơ bản về thông tin đến DN, ngành hàng nhưng chúng ta chưa làm chi tiết. Phải họp các hiệp hội lại, bàn với các DN. Từ đó xây dựng những cơ chế chính sách thúc đẩy nội lực trong nước, tận dụng những cơ hội mà FTA mang lại và biết cách, có kế hoạch vượt qua những thách thức. Đó là những điều chúng ta phải làm. Chúng ta đã làm nhưng làm chưa đủ, nếu chỉ làm như vậy ta sẽ không tận dụng được đầy đủ lợi thế mà các FTA mang lại. Đó là cái tôi suy nghĩ. Tôi thấy rằng trách nhiệm Chính phủ và các bộ ngành phải làm nhiều hơn như thế. Nhất là chúng ta còn có thời gian, bởi vì những hiệp định lớn nhất chúng ta phải đối mặt là FTA VN – EU và TPP chúng ta vẫn còn thời gian để chuẩn bị. Chúng ta cần phải làm những điều là trang bị kiến thức này, soạn thảo kế hoạch chi tiết để tận dụng được những lợi thế đem lại và vượt qua được thách thức mà ta phải đối mặt.
– Như Bộ trưởng nói năm 2015 hai bộ luật mới sửa đổi là Luật DN và Luật Đầu tư đã tạo một môi trường kinh doanh tốt hơn. Nhưng dường như môi trường kinh doanh hiện tại vẫn chưa đủ mạnh để khuyến khích sự phát triển của các DN tư nhân?
Tôi đồng ý rằng là chúng ta cũng chưa quan tâm đầy đủ, chưa có đủ luật mạnh để tạo điều kiện phát triển DN tư nhân VN, đấy là điều trăn trở nhất. Bộ kế hoạch và Đầu tư đã làm rất nhiều luật để tạo môi trường thông thoáng, như Luật Đầu tư sửa đổi, Luật DN sửa đổi. Chính phủ cũng đã cho phép chúng tôi thành lập từ năm 2015 quỹ hỗ trợ DNNVV đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bơm tiền ngân sách vào đây thông qua ngân hàng thương mại để cho vay khuyến khích các DNNVV. Hiện tại chúng tôi đang soạn thảo luật hỗ trợ DNNVV. Chính phủ đã thống nhất, tôi là trưởng ban soạn thảo và đang tích cực có được bản thảo đầu tiên để đưa ra bàn luận. Tôi rất trăn trở với vấn đề phát triển DN này, một mình mình không làm hết được. Ở nhiệm kỳ tới sẽ có nhiều đồng chí ở các cương vị như tôi và cao hơn tôi quan tâm và phát triển hơn nữa đến DN. Đấy là tương lai, tự chủ của đất nước.
– Trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng đã thực hiện rất nhiều chương trình đổi mới, ví dụ như đổi mới về đầu tư công, đổi mới Luật DN, Luật Đầu tư theo nguyên tắc “chọn bỏ” và cả các chương trình tái cấu trúc khác. Bộ trưởng có chịu áp lực về những việc mình đã làm?
Cơ bản tôi không chịu nhiều sức ép, vì bên cạnh tôi có nhiều đồng chí cấp cao hơn tôi ủng hộ và khuyến khích sự đổi mới. Tôi nghĩ rằng đổi mới cho dân tộc, cho đất nước sẽ được ủng hộ. Tuy vậy để đổi mới không tránh khỏi những đụng chạm lợi ích của ngành này, ngành kia, cá nhân này, cá nhân kia, và họ không đồng ý, họ phản đối và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải chịu không ít áp lực này. Cá nhân tôi phải chịu nhiều hơn, trong các luật mà chúng tôi nêu. Thực tế thì Luật DN đã theo quy tắc chọn bỏ, tức là người dân và DN được kinh doanh cái gì mà pháp luật không cấm, thay vì được kinh doanh những cái gì pháp luật cho phép như trước đây, nhưng vẫn có nhiều giấy phép con ra đời. Đây là quá trình, không thể mong một luật ra đời loại bỏ ngay được những cái đó. Cho nên đây là cuộc cách mạng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là người hiểu điều này, đã khuyến khích Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm, Chính phủ cũng khuyến khích, Thủ tướng cũng khuyến khích làm.
– Cải cách thể chế kinh tế vẫn được Bộ trưởng nhắc nhiều đến trong suốt nhiệm kỳ của mình, tại sao Bộ trưởng cho rằng cải cách thể chế kinh tế quan trọng như vậy?
Vì 30 năm đổi mới của đất nước chúng ta có nhiều thành tựu, nhưng có một thành tựu có thể nói là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, đó là ta đổi mới được từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng đến bây giờ, những dư địa, tác động của yếu tố đó đã dần cạn đi, và chúng ta bị chững lại trong nhiều năm vừa qua. Thậm chí nếu không cẩn thận thì còn đi xuống. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã mời những chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới, cùng chúng tôi và các chuyên gia trong nước phân tích rằng một trong những giải pháp căn cơ nhất là tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế theo hướng là xây dựng những nhân tố thị trường một cách đầy đủ hơn. Vì chúng ta mới đi vào nền tảng, chưa xây dựng được đầy đủ các nhân tố thị trường. Nhiều vấn đề phân bố nguồn lực của đất nước này vẫn theo cơ chế hành chính, không phải cơ chế thị trường.
– Xin cảm ơn ông.