Bộ Tài chính: Đẩy mạnh tái cấu trúc Thị trường chứng khoán

Bộ Tài chính: Đẩy mạnh tái cấu trúc Thị trường chứng khoán

Báo cáo gửi đến Quốc hội mới đây, để tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK), trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tập trung hoàn thiện khung pháp lý nhằm hoàn tất công tác tái cấu trúc TTCK và hỗ trợ tích cực tái cấu trúc nền kinh tế.

Chỉ số chứng khoán đã tăng trở lại

Về diễn biến TTCK, chỉ số chứng khoán đã tăng trở lại, kết thúc năm 2014, chỉ số VN-Index tăng 55,1% và chỉ số HNX-Index tăng 41,3% so với cuối năm 2011. Mức vốn hóa thị trường cuối năm 2014 tăng 106,4% so với năm 2011.

Thị trường cổ phiếu tính đến cuối năm 2014, toàn thị trường có 672 công ty niêm yết trên hai Sở giao dịch chứng khoán (chưa tính 2 quỹ ETF nội), với tổng giá trị niêm yết tăng 59% so với năm 2011.

Đối với thị trường trái phiếu, thị trường sơ cấp: Hoạt động phát hành trái phiếu được đẩy mạnh với khối lượng phát hành tăng mạnh, cụ thể giá trị phát hành trái phiếu năm 2014 gấp gần 3 lần so với năm 2011. Thị trường thứ cấp: Thanh khoản trên thị trường thứ cấp được cải thiện mạnh mẽ, với giá trị giao dịch bình quân năm 2014 gấp 5,6 lần so với năm 2011.

Đối với hệ thống các quỹ đầu tư chứng khoán, công tác tái cấu trúc đã thực hiện tương đối có kết quả rõ rệt, cụ thể đã thực hiện theo đúng hai xu hướng đề ra: Thứ nhất, thay thế dần thế hệ các quỹ đóng bằng hệ thống các quỹ mở không gây xáo trộn thị trường, bảo đảm hoạt động linh hoạt hơn và có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn. Thứ hai, thay thế dần các quỹ thành viên bằng hệ thống các quỹ đại chúng (quỹ mở) hoạt động minh bạch hơn. Cơ sở các nhà đầu tư trên thị trường tiếp tục có sự cải thiện, số lượng tài khoản nhà đầu tư (tính đến 31/12/2014) tăng 18% so với năm 2011, trong đó, so với năm 2011, số lượng nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tăng 89%, số lượng nhà đầu tư tổ chức trong nước tăng 35%.

Bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tạo cơ sở pháp lý và đẩy nhanh việc tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, căn cứ Đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán đã được phê duyệt và dựa trên cơ sở các văn bản pháp lý đã ban hành, đặc biệt là tỷ lệ vốn khả dụng đã phân loại tổ chức kinh doanh chứng khoán thành 4 nhóm để áp dụng biện pháp xử lý và kiểm soát phù hợp: Nhóm hoạt động lành mạnh, Nhóm hoạt động bình thường, Nhóm bị kiểm soát, Nhóm bị kiểm soát đặc biệt.

Trên cơ sở đó, các kết quả đạt được trong công tác tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán đã có những bước tiến quan trọng. Các mục tiêu cơ bản của tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán đã đạt được, từng bước thu hẹp số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động qua việc tăng cường năng lực tài chính, quản trị công ty, quản trị rủi ro; củng cố hoạt động; cơ cấu lại tổ chức, nhân sự.

Thực hiện tái cấu trúc thị trường giao dịch chứng khoán (Sở GDCK và Trung tâm LKCK), các Sở đã và đang hoàn thiện các quy chế, quy trình nghiệp vụ nhằm tăng cường năng lực điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động để đáp ứng được quy định và yêu cầu mới, đặc biệt các vấn đề liên quan đến tổ chức hoạt động của quỹ ETF, giao dịch và niêm yết, giám sát thị trường…; nghiên cứu xây dựng các bộ chỉ số mới và nâng cấp hệ thống chỉ số hiện tại góp phần tạo thuận lợi cho việc triển khai các sản phẩm quỹ ETF và phái sinh trong tương lai.

Bên cạnh đó, các Sở Giao dịch chứng khoán cũng đang tích cực nghiên cứu triển khai các sản phẩm mới covered warrant, NVDR, các sản phẩm trái phiếu mới; Các dự án quan trọng như "Công trình Trung tâm dữ liệu dự phòng", Gói thầu "Thiết kế, giải pháp, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống Công nghệ thông tin" cũng đang được triển khai.

Về phía Trung tâm lưu ký, chính thức đưa hệ thống vay và cho vay chứng khoán (SBL) và ETF vào hoạt động; Đã ban hành Quy chế tổ chức hoạt động vay và cho vay chứng khoán (SBL) và Quy chế về giao dịch hoán đổi đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán và thực hiện quyền đối với chứng chỉ quỹ ETF; Xây dựng hệ thống đăng ký mã số giao dịch trực tuyến cho NĐTNN; mô hình đối tác thanh toán bù trừ trung tâm (CCP)...

Tiếp tục triển khai nâng hạng TTCK Việt Nam

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cấu trúc và tiếp tục thúc đẩy TTCK, theo Bộ Tài chính, trong thời gian tới sẽ tập trung vào một số nhóm giải pháp chủ yếu.

Thứ nhất, tiếp tục tập trung hoàn thiện khung pháp lý nhằm hoàn tất công tác tái cấu trúc TTCK và hỗ trợ tích cực tái cấu trúc nền kinh tế: Sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó bao gồm các nội dung: Về chào bán chứng khoán riêng lẻ; Về chào bán chứng khoán ra công chúng; Về công ty đại chúng; Về mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ; V ề chào mua công khai cổ phiếu của công ty đại chúng; Về đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán ; Về tổ chức kinh doanh chứng khoán; Về tham gia của nhà đầu tư có vốn nước ngoài trên TTCK Việt Nam; Về quỹ đầu tư bất động sản ...

Thứ hai, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm. Hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty, DNNN trong việc cổ phần hóa, thoái vốn gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch. Đề xuất cơ chế phối hợp với NHNN trong việc gắn tái cấu trúc các tổ chức tín dụng, cổ phần hóa các NHTM mà Nhà nước nắm quyền chi phối với niêm yết, đăng ký giao dịch. Sửa đổi quy định về công bố thông tin theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu các công ty đại chúng/công ty niêm yết cung cấp các thông tin bằng tiếng Anh; Tiếp tục tái cấu trúc thị trường trái phiếu theo hướng thúc đẩy hoán đổi từ kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài đối với trái phiếu Kho bạc Nhà nước và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh; Tiếp tục triển khai tổ chức đánh giá và hoàn chỉnh cơ chế hệ thống, phát hành, giao dịch, giám sát sản phẩm ETF và nghiên cứu các giải pháp nhằm tăng thanh khoản cho quỹ ETF và quỹ mở; Hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng cơ sở hạ tầng cho thị trường chứng khoán phái sinh...

Thứ ba, kích cầu, khơi thông dòng vốn trong và ngoài nước. Trong đó, tiếp tục triển khai các bước và giải pháp để nâng hạng TTCK Việt Nam trên bảng phân loại MSCI (từ hạng Frontier Market đến Emerging Market). Nghiên cứu sửa đổi các quy định nhằm nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các lĩnh vực ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối.

Thứ tư, thúc đẩy tái cấu trúc hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán. Hợp nhất, giải thể, phá sản các CTCK yếu kém, thua lỗ dựa trên nền tảng các chỉ tiêu an toàn tài chính. Xem xét nâng cao tiêu chí thành viên của Sở GDCK nhằm xử lý những CTCK yếu kém. Nghiên cứu sửa đổi quy định nhằm nâng cao tiêu chuẩn chất lượng hoạt động và hỗ trợ cho việc giải thể, tái cấu trúc các CTCK. Tạo điều kiện hỗ trợ tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước kinh doanh chứng khoán ở nước ngoài theo hình thức lập văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại nước ngoài. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức đối với các thành viên trong TTCK nói chung và ngành quản lý tài sản nói riêng.

Thứ năm, hiện đại hóa tổ chức TTCK. Hợp nhất các Sở GDCK và phát triển, phân định các khu vực thị trường: cổ phiếu, trái phiếu và hình thành thị trường sản phẩm phái sinh để nâng cao vị thế của Sở GDCK VN trong khu vực ASEAN. Xây dựng và triển khai Đề án kết nối hệ thống thanh toán bù trừ và quyết toán chứng khoán với hệ thống thanh toán liên ngân hàng.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân trên TTCK. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan (NHNN, Cơ quan công an, Bộ Thông tin Truyền thông, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia…) trong công tác thanh tra, giám sát, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng, minh bạch của thị trường...