Bộ Giao thông muốn bán Đóng tàu Sông Cấm cho nước ngoài

Một trong những doanh nghiệp được coi là "khỏe mạnh" nhất của ngành đóng tàu được đại gia đóng tàu Hà Lan - Damen Tập đoàn ngỏ ý mua 70% cổ phần.

Đề xuất bán phần lớn cổ phần Đóng tàu Sông Cấm (Hải Phòng) vừa được Bộ Giao thông vận tải tái trình lên Thủ tướng. Trước đó, đề xuất nhượng lại 70% vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho Tập đòa Damen (Hà Lan) hồi năm cuối năm 2014 của ngành giao thông từng gây nhiều quan ngại và không được Chính phủ chấp nhận.

Vướng mắc lớn nhất nằm Quyết định 55/2009 của Thủ tướng, khi tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam không được vượt quá 49%. Do vậy, Chính phủ khi ấy đã hướng dẫn Bộ Giao thông chỉ đạo Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) đàm phán lại với đối tác đến từ Hà Lan với cam kết sẽ nhượng lại phần lớn cổ phần tại Sông Cấm qua hai gian đoạn: bán trước 49%, sau đó xem xét bán tiếp 21% về sau.

Tuy nhiên, làm việc với phía Việt Nam mới đây, Tập đoàn đóng tàu Damen thông báo "không có chủ trương mua cổ phần Đóng tàu Sông Cấm theo nhiều giai đoạn" mà vẫn mong muốn được Chính phủ cho phép mua một lần với tỷ lệ 70%. Ngoài ra, Nghị định 60 vừa được Chính phủ ban hành, hướng dẫn Luật chứng khoán cũng nêu chủ trương không hạn chế room ngoại ở một số ngành nghề.

tau-1927-1418742257-6908-1435847953.jpg

Tàu kéo đẩy - sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao của Đóng tàu Sông Cấm Ảnh: Chí Hiếu

Theo Bộ Giao thông Vận tải, SBIC đang trong quá trình mở rộng thị trường, nhất là thị trường thế giới nhằm khôi phục lại niềm tin đối với các chủ tàu nước ngoài. Do đó, Việc Damen mua cổ phần của SBIC tại Sông Cấm hết sức quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư, tạo cơ sở ban đầu cho việc hợp tác giữa Damen với các nhà máy khác của SBIC.

"Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng cho phép SBIC được bán 70% cổ phần tại Đóng tàu Sông Cấm cho Damen theo phương thức thỏa thuận trực tiếp, gián bán theo quy định pháp luật", Bộ Giao thông đề xuất.

Công ty Đóng tàu Sông Cấm được ngành giao thông đánh giá là một trong những "đứa con" khỏe mạnh nhất trong suốt nửa thập kỷ Tập đoàn Vinashin lâm vào khủng hoảng rồi sụp đổ. Thời kỳ hậu Vinashin dưới tên mới là SBIC, đây cũng là doanh nghiệp làm ăn khấm khá nhất trong số 8 công ty con mà Tổng công ty giữ lại.

Sông Cấm không hề thua lỗ trong suốt 5 năm qua và là đơn vị đưa về nhiều ngoại tệ nhất cho SBIC nhờ các hợp đồng xuất khẩu tàu có giá trị kỹ thuật cao trong đó nổi bật nhất là sản phẩm từ nhà máy liên danh với Tập đoàn Hà Lan mang tên Damen Sông Cấm.

Đầu năm 2014, nhà máy liên doanh vừa mở rộng với mức đầu tư 60 triệu USD, trong đó 70% vốn góp là của nhà đầu tư Hà Lan. Đối tác này cũng từng đặt vấn đề mua lại đa số cổ phần tại một doanh nghiệp thành viên khác, như Công ty Đóng tàu Hạ Long khi doanh nghiệp này IPO trong năm nay.