Bloomberg: Chứng khoán Việt Nam hấp dẫn nhất Châu Á

(NDH) Theo hãng tin Bloomberg, việc nền kinh tế Việt Nam đối phó tốt với những biến động từ Trung Quốc sẽ khiến thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng và trở thành thị trường có khả năng sinh lời nhiều nhất tại Châu Á trong năm 2015.

Một khảo sát của Bloomberg với 11 chuyên gia phân tích cho thấy chỉ số VN Index sẽ tăng lên 622 điểm vào cuối năm 2015, tương đương mức tăng 10% so với phiên 28/9. Đây là quý có mức tăng mạnh nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ quý I/2014.

Niềm tin vào chứng khoán Việt Nam đã cho thấy sự đúng đắn từ chính sách của chính phủ trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế tại thị trường có trị giá 186 tỷ USD này. Những động thái của chính phủ Việt Nam đã tạo nên điểm sáng thu hút nhà đầu tư trong tình hình toàn khu vực chịu tác động tiêu cực từ giảm tốc kinh tế Trung Quốc.

Tuần trước, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định kinh tế Việt nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh vào nửa cuối năm nay, được thể hiện thông qua tăng trưởng tiêu dùng cá nhân, sự gia tăng của các ngành sản xuất cho xuất khẩu và lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việt Nam đang hướng đến năm thứ 10 liên tiếp có lượng vốn ròng đầu tư vào thị trường nội địa.

Giám đốc điều hành Fiachra Mac Cana của CTCK Thành phố Hồ Chí Minh HSC vẫn giữ triển vọng lạc quan về thị trường do tình hình kinh tế vĩ mô khá tích cực và giá cổ phiếu ở mức khá hấp dẫn. Ngoài ra, ông Maccana giữ nguyên dự đoán từ tháng 1/2015 rằng chỉ số VN Index sẽ tăng lên mức 650 điểm vào cuối năm nay.

Từ đầu năm 2015 đến nay, chỉ số VN Index đã tăng 3,5%, mức tăng mạnh nhất trong các chỉ số chứng khoán Châu Á, trong khi hệ số P/E tại đây chỉ ở mức 12,5 lần, rẻ hơn so với mức 14,3 lần của chỉ số chứng khoán MSCI Index khu vực Đông Nam Á. Trong cùng thời kỳ, chỉ số chứng khoán MSCI Đông Nam Á đã giảm 25%.

Báo cáo gần đây nhất của ADB đã nâng mức dự đoán tăng trưởng của Việt Nam năm 2015 từ 6,1% lên 6,5%, trong khi tổng GDP 6 tháng đầu năm đã tăng 6,28%.

Tình trạng suy giảm lạm phát đang thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước, số doanh nghiệp mở mới từ đầu năm đến nay đã tăng 29%. Tổng Cục Thống kê cho biết tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam trong tháng 9 đã giảm xuống 0% lần đầu tiên trong lịch sử. Từ đầu năm đến nay, giá cả bình quân các mặt hàng chỉ tăng chưa đến 1%, thấp hơn rất nhiều so với mức 5% bình quân trong 5 năm qua tính đến năm 2014.

Bên cạnh đó, việc đồng Việt Nam giảm giá cũng khiến ngành xuất khẩu được hưởng lợi. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều chỉnh tỷ giá tham chiếu tiền đồng lần thứ 3 từ đầu năm đến nay và nới lỏng biên độ giao dịch sau khi Nhân dân tệ giảm giá. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đã tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tác động từ Trung Quốc

Mặc dù Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất với Việt Nam, nhưng giao dịch thương mại Mỹ-Việt cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ. Số liệu của Bloomberg cho thấy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong quý I/2015 đạt 8,2 tỷ USD, cao hơn so với mức 4,9 tỷ USD xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, một báo cáo cho thấy thị trường số 1 thế giới đã tăng trưởng vượt dự đoán trong quý II/2015, qua đó tạo thêm cơ hội cho hàng xuất khẩu Việt Nam.

Tuy nhiên, những biến động tại Trung Quốc cũng có ảnh hưởng nhất định đến thị trường Việt Nam. Việc đồng Việt Nam giảm giá đã ảnh hưởng đến chi phí vay nợ của các doanh nghiệp có nợ bằng ngoại tệ.

Giám đốc Phân tích Tư vấn và Đầu tư khách hàng tổ chức công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) - công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam, bà Hoàng Việt Phương nhận định các yếu tố rủi ro ngoài nước đang tăng lên và nhà đầu tư đang ngày càng thận trọng hơn. Theo bà Phương, tình hình kinh tế Trung Quốc giảm tốc là một tác động tiêu cực đến thị trường.

Vẫn là điểm sáng

Gần đây, để thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài, chính phủ Việt Nam đã dỡ bỏ giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, trừ một số ngành nhạy cảm. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách cũng đang xây dựng kế hoạch sáp nhập 2 sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất Việt Nam, đồng thời thúc đẩy việc thành lập thị trường phái sinh nhằm đưa thị trường Việt Nam từ mức đánh giá tiềm năng (Frontier Market) lên mới nổi (Emerging Market).

Từ đầu năm đến ngày 25/9/2015, nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào 174,3 triệu USD trên thị trường chứng khoán, trái ngược hẳn với tình trạng thoái vốn 2,9 tỷ USD khỏi thị trường Thái Lan, 857 triệu USD khỏi thị trường Phillippin và 850 triệu USD khỏi Indonesia.

Những số liệu chính thức cũng cho thấy cam kết đầu tư FDI đã tăng 53% lên mức 17,2 tỷ USD trong khoảng tháng 1-9/2015.

Công ty chứng khoán Bản Việt cho rằng chứng khoán Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong khu vực nhờ tăng trưởng GDP cao, giá cổ phiếu hấp dẫn và thị trường tiền tệ tương đối ổn định. Đây rõ ràng là những yếu tố sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài chi tiền vào thị trường.