Nhà đầu tư huyền thoại Mark Mobius của Franklin Resources Inc hy vọng rằng chính phủ Trung Quốc sẽ giảm bớt can thiệp vào thị trường, đồng thời nhận định các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cũng đã nhận ra việc hỗ trợ thị trường không đem lại hiệu quả như mong muốn.
Một chuyên gia khác với 40 năm kinh nghiệm là Tom DeMark cho rằng chỉ số Shanghai Composite Index có thể giảm thêm 18% xuống 2.590 điểm trước khi chạm sàn. Chuyên gia kinh tế George Magnus của UBS Group thì nói rằng chính quyền Bắc Kinh cần "thả lỏng" để thị trường giảm xuống trong khoảng 2.500-2800 điểm.
Hãng Convoy Asset Management nhận định chính phủ Trung Quốc đã nhận ra những biện pháp hỗ trợ của mình không thực sự hiệu quả như mong muốn và họ sẽ để thị trường tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới.
Các nhà quản lý quỹ quốc tế đã bán ròng trên sàn chứng khoán Thượng Hải phiên thứ 4 liên tiếp tính đến ngày 2/9/2015, qua đó nâng tổng sô vốn nước ngoài rút ròng khỏi thị trường tính từ ngày 3/7/2015 lên 4,9 tỷ USD.
Chênh lệch giá trị cổ phiếu giữa 2 sàn Thượng Hải và Hồng Kông đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2009, qua đó cho thấy tâm lý nhà đầu tư nước ngoài trên sàn giao dịch Hồng Kông còn tiêu cực hơn so với Trung Quốc đại lục.
Trong khi đó, hãng Haitong International Securities cho rằng chứng khoán Trung Quốc vẫn ở mức quá cao, và do sự can thiệp của chính phủ nên cổ phiếu nước này vẫn chưa trở về với giá trị thực.
Theo một nguồn tin thân cận của Bloomberg, chính phủ Trung Quốc đã can thiệp thị trường phiên 27/8 nhằm ổn định tình hình trước ngày nghỉ lễ 3/9. Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite Index vẫn giảm 2,2% trong tuần, chứng khoán Hồng Kông thì giảm 6% còn chỉ số cổ phiếu các công ty Trung Quốc tại Mỹ (Bloomberg China-US Equity Index) giảm 8%.
Bên cạnh đó, hãng Franklin Templeton SinoAm nói rằng chính quyền Bắc Kinh có thể sử dụng nhiều cách khác nhau để hỗ trợ nền kinh tế nếu không can thiệp trực tiếp vào thị trường. Những nhà hoạch định chính sách có thể tăng cường chi tiêu công và cải tổ tính hiệu quả trong hoạt động của các công ty nhà nước.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng Paul Sheard của Standard&Poor lại cho rằng các chính sách hỗ trợ của chính phủ có thể giải cứu thị trường như trường hợp của Nhật Bản thập niên 60. Chính quyền Tokyo đã góp phần xây dựng các quỹ cứu trợ, qua đó mua lại cổ phiếu sau đợt bán tháo vào năm 1963. Sau đó, thị trường chứng khoán đã hồi phục và nền kinh tế Nhật Bản lại tiếp tục phát triển.
Trước những lo ngại của các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư quốc tế, Thống đốc Chu Tiểu Xuyên của ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) trong cuộc họp G20 ngày 6/9 đã tuyên bố trấn an rằng tỷ giá Nhân dân tệ và thị trường chứng khoán đã gần như hoàn thành thời kỳ điều chỉnh và sẽ hướng tới ổn định trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, hãng Ample Capital nhận định cổ phiếu trên thị trường Trung Quốc vẫn ở mức quá cao để thu hút trở lại những nhà đầu tư "không chịu sự điều khiển từ chính phủ."
Theo Bloomberg, chứng khoán Trung Quốc đại lục trong tuần trước được giao dịch với mức P/E bình quân 45 lần, đứng đầu về mức giá trong số 10 thị trường lớn nhất thế giới và thậm chí cao hơn mức 18 lần của S&P 500. Tại sàn chứng khoán Thượng Hải, cổ phiếu được giao dịch với mức P/E là 16 lần.
Hãng Ample dự đoán chứng khoán Trung Quốc có thể giảm 5-10% trong những đợt biến động lớn của tuần này bởi chính quyền Bắc Kinh không thể mua vào cổ phiếu hỗ trợ thị trường mãi mãi.