Thị trường chứng khoán Hồng Kông gần đây luôn tăng điểm mạnh bất chấp tình trạng tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc. Những công ty tại Trung Quốc đại lục niêm yết trên sàn Hồng Kông đã tăng 4,3% vào phiên 13/4, bất chấp báo cáo xuất khẩu của Trung Quốc tháng 3/2015 bất ngờ giảm 14,6%. Chỉ số Hang Seng Index của thị trường Hồng Kông, tăng 7,9% trong tuần trước, đã không hề bị ảnh hưởng bởi tình trạng bão hòa tại thị trường bất động sản ở Trung Quốc đại lục.
Điều tương tự cũng xảy ra với thị trường chứng khoán Nhật Bản và chỉ số Nikkei. Nền kinh tế nước này đang chật vật thoát khỏi tình trạng suy thoái, còn Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đang phải đau đầu với tỷ lệ lạm phát đáng thất vọng. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán nước này lại đang giao dịch quanh mức 20.000 điểm lần đầu tiên trong 15 năm qua.
Đây không phải là một tín hiệu đáng mừng cho cả 2 nước trên. Trong trường hợp không có sự tăng trưởng kinh tế vững chắc làm hậu thuẫn, sự bùng nổ của thị trường chứng khoán chỉ được thúc đẩy bởi những động thái kích thích kinh tế của chính phủ và kỳ vọng của nhà đầu tư rằng sẽ có nhiều hành động như vậy hơn nữa.
Một số nhà đầu tư cho rằng cổ phiếu tại Hồng Kông rất hấp dẫn dựa trên tỷ lệ P/E. Tỷ lệ này tại sàn Hang Seng là 11,8 lần, thấp hơn nhiều so với 15,8 lần tại thị trường New York, 20 lần tại thị trường Thượng Hải và 52 lần trên thị trường Seoul. Tuy nhiên, không có nhiều nguyên nhân để các nhà đầu tư gia tăng quan tâm đối với những công ty Hồng Kông. Hầu hết các nhà đầu tư rót tiền vào các công ty ít tên tuổi ở đại lục nhưng có giá tại Hồng Kong thấp hơn tại Trung Quốc. Nói theo cách khác, những nhà đầu tư này muốn đầu cơ hưởng chênh lệch về giá.
Chính quyền Bắc Kinh đã thúc đẩy sự bùng nổ này với 2 mục đích chính. Đầu tiên, họ sử dụng thị trường chứng khoán để thu hút bớt các nhà đầu tư ra khỏi thị trường bong bóng bất động sản hiện đã quá nóng. Bên cạnh đó, theo lý thuyết thì chứng khoán tăng trưởng sẽ gia tăng sự tự tin trong nền kinh tế đất nước. Chính phủ Trung Quốc đã có những động thái khuyến khích nhà đầu tư như hạ chi phí giao dịch chứng khoán hay giảm các quy định hạn chế. Kết quả là hàng chục nghìn nhà đầu tư Trung Quốc gần đây đã mở tài khoản mới trên thị trường chứng khoán.
Ban đầu, chính quyền Bắc Kinh tập trung vào thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, khi những thị trường như Thượng Hải và Thẩm Quyến có sự tăng trưởng quá nóng và bất hợp lý (27% và 55% từ đầu năm đến nay) thì chính phủ đã cố gắng chuyển những bong bóng tài sản này sang thị trường Hồng Kông. Bằng chứng là việc thực hiện kết nối 2 sàn Thượng Hải-Hồng Kông, một phương án cho phép đầu tư xuyên rào cản tài chính (Hồng Kông có đồng tiền và hệ thống tài chính khác so với Trung Quốc đại lục). Hiện nay, rất nhiều nguồn tài chính đang đổ về Hồng Kông và chính quyền khu vực này đã buộc phải can thiệp để bảo vệ tỷ giá đồng tiền của mình so với đồng USD.
Điều này sẽ không đem lại một kết quả tốt. Thị trường chứng khoán Hồng Kông từ lâu đã có phương thức hoạt động rất khác so với Trung Quốc đại lục. Cổ phiếu trên thị trường này được giao dịch hợp lý, minh bạch. Việc định giá các cổ phiếu cũng dựa trên những quyết định thận trọng của nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Hiện nay, thị trường chứng khoán Hồng Kông đang bùng nổ như là một kênh chia sẻ sự tăng trưởng không hợp lý của các công ty Trung Quốc đại lục. Theo nhiều chuyên gia, bong bóng chứng khoán tại Hồng Kông sẽ đổ vỡ đầu tiên. Nguyên nhân là những nhà đầu tư muốn nhanh chóng giảm cổ phần tại các công ty Trung Quốc đại lục sẽ bán cổ phiếu ở Hồng Kông trước. Đồng tiền khu vực này có tính thanh khoản cao và có những quy định pháp lý minh bạch cho các chuyển đổi cổ phần như trên.
Đối với thị trường chứng khoán Nhật Bản, chuyên gia kinh tế Yasunari Ueno của Mizuho Securities cho rằng sự tăng giá gần đây giống như kịch bản của những năm 80, đều là do tác động của chính phủ. Bên cạnh những ảnh hưởng từ chương trình nới lỏng định lượng của BoJ, việc Quỹ Hưu trí Đầu tư Nhà nước (GPIF) trị giá 1,1 nghìn tỷ USD mua lại cổ phiếu trên thị sàn Nikkei đã thúc đẩy thị trường mạnh mẽ. Cũng giống như Trung Quốc, Nhật Bản hy vọng rằng sự bùng nổ của thị trường chứng khoán sẽ gia tăng niềm tin của nhà đầu tư trong nền kinh tế.
Mặc dù vậy, kỳ vọng trên của Nhật Bản có vẻ không đúng trong thực tế. Rất nhiều giám đốc điều hành của các tập đoàn và những hộ gia đình tầng lớp trung lưu tiếp tục nghi ngờ về triển vọng kinh tế đất nước. Hiện nay, nhà đầu tư đang tin rằng số liệu kinh tế thấp sẽ khiến chính phủ Trung Quốc và Nhật Bản chi thêm tài chính vào nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, bùng nổ thị trường chứng khoán cũng ảnh hưởng đến tiến trình cải cách kinh tế đất nước. Bong bóng chứng khoán luôn cần được hỗ trợ và khi chính quyền Bắc kinh cũng như Tokyo tập trung quá nhiều cho cổ phiếu thì nhiệm vụ tái cấu trúc cơ cấu nợ quá hạn sẽ bị sao nhãng.
Bóng bóng thị trường chứng khoán Châu Á không nhất thiết sẽ sụp đổ trong năm nay. Với nguồn lực của các ngân hàng trung ương cũng như những khoản tích trữ tài chính lớn, Trung Quốc và Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục duy trì được sự bùng nổ này trong một thời gian nữa. Tuy nhiên, 2 nền kinh tế lớn nhất Châu Á này đang lâm vào một đà tăng trưởng rủi ro mà ngày càng khó để thoát ra.