BID: Giá cổ phiếu sẽ còn hấp dẫn hơn vì áp lực bán của ETF

(NDH) Thị phần của BID trong hoạt động cho vay đã tăng lên mức 12,7% trong khi về huy động vốn, thị phần của ngân hàng là 11,59% vào cuối quý 2/2015. Hệ số an toàn vốn sẽ tăng lên 10%

Trong nửa đầu năm 2015 lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã BID - HOSE) tăng khoảng 27% so với cùng kỳ, đạt 3.117 tỷ đồng chủ yếu nhờ thu nhập ngoài lãi tăng mạnh (+84,3% so với cùng kỳ 2014). Trong đó, tốc độ tăng trưởng cho vay mạnh mẽ, đạt 16,3% so với cùng kỳ năm trước đã bù đắp lại việc hệ số NIM giảm từ mức -2,9% trong nửa đầu năm 2014 xuống còn -2,7% trong nửa đầu năm 2015, nhờ đó giúp thu nhập lãi thuần tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm 2014.

Tăng trưởng tín dụng cao có thể do ngân hàng tập trung cho vay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp sản xuất, và mảng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, ngân hàng cũng tập trung hơn vào mảng ngân hàng bán lẻ với 6,7 triệu khách hàng, chiếm -19% dư nợ tín dụng cùng tốc độ tăng trưởng 21% so với năm 2014 để cải thiện hệ số NIM.

Thị phần của BID trong hoạt động cho vay đã tăng lên mức 12,7% trong khi về huy động vốn, thị phần của ngân hàng là 11,59% vào cuối quý 2/2015.

Mặt khác, thu nhập ngoài lãi của BID tăng mạnh khoảng 84% so với năm ngoái nhờ vào thu nhập từ phí và hoa hồng tăng trưởng tốt (+ 25% so với năm ngoái).

Bên cạnh đó, BID không còn khoản trích lập dự phòng cao cho chứng khoán sẵn sàng để bán (43 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2015 so với khoản lỗ 443 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2014), và lãi thuần từ hoạt động khác tăng mạnh (+146% so với năm ngoái). Trên thực tế, cần lưu ý rằng ngân hàng dự kiến sẽ thu về -1.800 tỷ đồng giá trị nợ xấu vào cuối năm nay (tính từ đầu năm các ngân hàng đã thu được hơn 1.400 tỷ đồng), điều này có thể sẽ giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng thu nhập ngoài lãi.

Về chất lượng tài sản, nợ xấu của ngân hàng tăng lên khoảng 2,8% dư nợ tín dụng vào cuối 6 tháng đầu năm 2015, tăng từ mức 2% vào cuối năm 2014 do áp dụng thông tư 02/09 về việc phân loại nợ xấu theo chuẩn của Trung tâm thông tin tín dụng (CIC), và bao gồm khoản nợ xấu của Ngân Hàng TMCP Phát Triển Nhà ĐBSCL (MHB).

Nợ xấu tại mảng ngân hàng bán lẻ chỉ ở mức 2,2%. Ngân hàng cũng đã bán khoảng 7.000 tỷ đồng giá trị nợ xấu (1,3% dư nợ tín dụng) trong nửa đầu năm 2015 cho Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC), và xóa 1.179 tỷ đồng nợ xấu (0,2% dư nợ).

Hệ số an toàn vốn của ngân hàng có thể tăng lên khoảng 10%

Hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ phải tăng vốn trong những năm sắp tới căn cứ trên hệ số CAR thấp (khoảng 13,1% đối với các ngân hàng tư nhân, và khoảng 9.4% đối với các ngân hàng nhà nước vào cuối tháng 6/2015). BID có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm khoảng 6.061 tỷ đồng (21,6% so với năm ngoái) thông qua phát hành cổ phiếu để sáp nhập với MHB (3.369 tỷ đồng), và phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu (2.629 tỷ đồng). (Lượng cổ phiếu mới sẽ được niêm yết vào quý IV/2015).

Trong khi đó, ngân hàng cũng lên kế hoạch bán 3.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp để tăng kiểm soát nợ nhóm 2. Như vậy, SSI Research dự đoán hệ số an toàn vốn của ngân hàng sẽ tăng lên khoảng 10% từ mức hiện tại -9,5% nhờ nợ nhóm 1 và nhóm 2 được cải thiện.

Áp lực bán tăng cao của ETF có thể khiến giá của BID hấp dẫn hơn

Ở mức giá hiện tại 24.200 đồng / cổ phiếu, BID đang được giao dịch tại P/B 2015 là 1,97x, cao hơn so với PB trung bình của các ngân hàng niêm yết là 1,4x. Định giá BID cao thứ hai, chỉ sau VCB (2,6x).

Trên thực tế, nhà đầu tư cần lưu ý quỹ Market Vectors Vietnam ETF vẫn còn nắm giữ 5.97 triệu cổ phiếu BID tính đến ngày 22/9. Do đó, áp lực bán tăng cao (nếu có) từ quỹ ETF sẽ tạo cơ hội cho nhà đầu tư mua vào cổ phiếu BID ở mức giá hấp dẫn hơn.