Bích Chi: Lợi nhuận năm 2014 sẽ tăng ít nhất 15%, chuẩn bị niêm yết trên HNX

(NDH) Theo ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc của CTCP Thực phẩm Bích Chi, lợi nhuận năm 2014 của công ty sẽ tăng ít nhất 15% so với năm ngoái. Bích Chi cũng dự kiến sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội trong năm nay.

Sau 13 năm tiến hành cổ phần hóa và 48 năm xây dựng và phát triển, giờ đây Bích Chi là thương hiệu được biết đến không chỉ ở thị trường tiêu thụ trong nước mà còn có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.

CTCP Bích Chi có 4 dòng sản phẩm chính với doanh thu khoảng 320 tỷ/năm bao gồm sản phẩm bột, phở hủ tíu miến bún gạo khô, bánh tráng và bánh phồng tôm.

Trong đó sản phẩm bột chiếm khoảng 25% doanh thu, đạt khoảng 80 tỷ/năm. Bao gồm các loại bột dinh dưỡng (hạt sen mè đen, hạt sen gạo lứt, hạt sen 5 thứ bột,…), cháo (cháo gạo lứt, cháo chay,…), bột thực phẩm (bột bánh xèo, bột bánh ít,…).

Sản phẩm phở hủ tíu miến bún gạo khô chiếm khoảng 18,7% doanh thu, đạt khoảng 60 tỷ/năm. Sản phẩm bánh tráng chiếm tỷ trọng thấp, chỉ đạt khoảng 30 tỷ/năm. Chiếm tỷ trọng cao nhất, gần 50% là sản phẩm bánh phồng tôm, doanh thu khoảng 150 tỷ/năm.

Các sản phẩm của Bích Chi xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, Mỹ, Canada, EU, Đông Âu, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, Châu phi, với doanh thu xuất khẩu chiếm hơn 50% tổng doanh thu.

Đối với thị trường nội địa, Bích Chi có 46 nhà phân phối (không độc quyền), trong đó mỗi tỉnh có 1-2 nhà phân phối và 1-2 nhân viên bán hàng. Nhà phân phối sẽ bán hàng cho khoảng 97 nhà bán lẻ, tập trung chủ yếu tại 13 tỉnh Tây Nam Bộ, 4 tỉnh Đông Nam Bộ (Bình Dương, Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai), 6 tỉnh Tây Nguyên, 6 tỉnh miền Trung và 8 tỉnh miền Bắc.

Về nhà xưởng, Nhà máy hiện tại của Bích Chi đang hoạt động với công suất 12,000 tấn/năm. Bích Chi vừa thuê được 7,500 m2 đất ở phía sau trụ sở hiện tại tại Đồng Tháp, công ty có kế hoạch xây thêm nhà xưởng (vốn đầu tư dưới 60 tỷ) và bắt đầu sản xuất vào nửa cuối năm 2015 với công suất khoảng 30-40%. Dự kiến sau 3 năm sẽ đạt được công suất thiết kế (designed capacity) là 6,000 tấn sp/năm (bao gồm tất cả các dòng sản phẩm). Tương lai có thể sẽ sản xuất thêm thức ăn thủy sản và chế biến gạo.

Bên lề sự kiện Gateway to Vietnam năm 2014 do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tổ chức, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thanh Bình, chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi về hoạt động kinh doanh của công ty và sự cạnh tranh trên thị trường tiêu dùng Việt Nam hiện nay.

Ông Phạm Thanh Bình-Chủ tịch hội đồng quản trị và Tổng giám đốc của công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi

PV: Xin ông cho biết về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 của Bích Chi?

Ông Phạm Thanh Bình:Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 của Bích Chi đạt 163 tỷ đồng doanh thu (kế hoạch năm 2014 doanh thu đạt 300-330 tỷ) và LNTT đạt 24 tỷ (kế hoạch 2014 đạt 37-40 tỷ).Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Bích Chi tương đối tốt, doanh số tăng gần 20%, lợi nhuận tăng khoảng 25%, thị trường xuất khẩu tăng mạnh hơn mọi năm, riêng thị trường nội địa không đạt được kết quả tốt như năm ngoái.

PV: Ông có dự đoán gì về kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm của công ty?

Ông Phạm Thanh Bình: Với đà phát triển như hiện nay, tôi tin rằng kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm của Bích Chi sẽ cao hơn năm ngoái. Tính chung cả năm 2014, lợi nhuận sẽ tăng ít nhất 15% so với năm 2013.

PV: Ông vừa chia sẻ rằng thị trường nội địa của Bích Chi năm nay không bằng năm ngoái. Ông có thể giải thích lý do tại sao lại như vậy?

Ông Phạm Thanh Bình: Hiện nay sản phẩm của Bích Chi có mặt tại thị trường cả 3 miền Bắc, Trung, Nam và ở nhiều siêu thị trên cả nước. Tuy nhiên, thị trường nội địa của Bích Chi phát triển chậm lại vì sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các sản phẩm, thương hiệu trên thị trường tiêu dùng Việt Nam hiện nay.

PV: Gần đây, nhiều nhà bán lẻ từ các quốc gia như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư rất mạnh vào Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng hóa của các quốc gia này sẽ tràn ngập trên thị trường Việt. Theo ông, điều này có khiến hàng Việt lép vế ngay trên 'sân nhà' hay không?

Ông Phạm Thanh Bình: Theo tôi, khi các nhà bán lẻ nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp Việt sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn. Cụ thể như trường hợp của Bích Chi, chúng tôi đã kiên trì hai năm nay để tìm đường đưa sản phẩm của mình vào Lotte nhưng gặp rất nhiều khó khăn và doanh số bán hàng cũng không đáng kể. Có thể vì họ không hào hứng muốn bán hàng của mình, do đó muốn đưa được sản phẩm của Bích Chi vào những trung tâm thương mại lớn như thế này phải trải qua nhiều khâu khác nhau và chi phí rất cao.

PV: Trước sự cạnh tranh các sản phẩm nước ngoài, theo ông các doanh nghiệp Việt nói chung và Bích Chi nói riêng phải làm gì để giữ vững vị trí của mình và tiếp tục phát triển?

Ông Phạm Thanh Bình: Thay vì tập trung vào những thành phố lớn và phát triển, nơi mà sự cạnh tranh trong lĩnh vực tiêu dùng diễn ra ngày càng gay gắt, Bích Chi sẽ tăng cường hệ thống bán hàng đến các chợ truyền thông, vùng sâu vùng xa nơi mà hàng hóa có thể chưa đến được tay người tiêu dùng. Theo tôi, đó là thị trường ít cạnh tranh và nhiều tiềm năng để phát triển.

PV: Được biết Bích Chi dự kiến niêm yết trên HNX vào năm 2014. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Ông Phạm Thanh Bình: Mọi thủ tục lên sàn đã sẵn sàng, nghị quyết đại hội cổ đông của Bích Chi cũng đã thông qua nhưng thời điểm chính thức vẫn chưa được quyết định. Sàn giao dịch hiện nay chưa được mạnh lắm, nếu không tính toán kỹ lưỡng thì việc niêm yết có thể đem lại tác dụng ngược.

PV: Theo ông, việc niêm yết trên HNX sẽ đem lại lợi ích gì cho Bích Chi?

Ông Phạm Thanh Bình: Theo tôi, việc niêm yết sẽ đem lại ba lợi ích cho Bích Chi. Thứ nhất là thông qua sàn giao dịch hàng ngày để quảng bá thương hiệu. Thứ hai là giúp cho cách tổ chức hoạt động, kinh doanh minh bạch hơn. Thứ ba là thông qua việc niêm yết, các nhà đầu tư có thể biết đến và đầu tư vào Bích Chi.

PV: Kỳ vọng của Bích Chi khi tham dự sự kiện Gateway năm nay?

Ông Phạm Thanh Bình: Giống với mục đích niêm yết trên sàn HNX, Bich Chi tham dự sự kiện Gateway với mong muốn giới thiệu về thương hiệu của mình với các nhà đầu tư và có thể thu hút các nhà đầu tư góp vốn. Trong năm nay, chúng tôi có kế hoạch xây dựng thêm nhà máy, vì vậy việc huy động vốn hiện nay là rất quan trọng.

PV: Xin cảm ơn ông !