Bibica: Trắc trở trên con đường trở thành người khổng lồ

(NDH) Hiếm có một doanh nghiệp nào mà doanh thu lại tăng đều đặn như CTCP Bibica – một doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong ngành bánh kẹo, nhưng chính sức hấp dẫn này lại có lúc khiến doanh nghiệp gặp trắc trở trên con đường trở thành “người khồng lồ".

Bibica: Sức hấp dẫn từ tăng trưởng doanh số

Nếu một nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu dựa trên sự phát triển bền vững về doanh số, hay nói rộng hơn là về thị trường của một doanh nghiệp, thì Bibica là một địa chỉ đáng tin cậy.

Có thể thấy rằng, kể từ khi niêm yết đến nay, “nấc thang” doanh thu của Bibica liên tục hướng lên.

Nếu như năm chào sàn 2001, doanh thu thuần của công ty mới đạt hơn 183 tỷ đồng, thì 5 năm sau, doanh thu của công ty đã tăng gấp đôi. Công ty đạt được ngưỡng doanh thu 1.000 tỷ đồng vào năm 2011 - đúng 10 năm sau khi niêm yết.

Kết quả đó đạt được khi Bibica - kể từ khi thành lập bằng việc cổ phần hóa 3 phân xưởng bánh, kẹo và mạch nha thuộc Công ty Đường Biên Hòa - đã liên tục phát triển và mở rộng các nhà máy, sản xuất sản phẩm mới từng bước chiếm lĩnh thị trường.

Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất bao bì thùng carton và khay, mở rộng phân xưởng kẹo mềm năm 1999, đầu tư dây chuyền sản xuất bánh snack năm 2000, đầu tư dây chuyền sản xuất bánh Trung Thu và Cookies nhân và dây chuyền bánh bông lan kem cao cấp năm 2001. Năm 2003 khánh thành nhà máy bánh kẹo thứ hai tại Hà Nội, đưa dây chuyền sản xuất sôcôla vào hoạt động và mở rộng dự án snack.

Năm 2004, Công ty đã ký hợp đồng hợp tác với Viện Dinh dưỡng Quốc gia tháng để phát triển các sản phẩm dinh dưỡng như Growsure, Mumsure, Bánh Trung Thu cho người ăn kiêng, bánh Hura Light, mứt Tết, bột ngũ cốc cho người ăn kiêng.

Năm 2006, công ty cho xây dựng mới và đưa vào sử dụng phân xưởng kẹo theo tiêu chuẩn HACCP, khởi công nhà máy Bibica Bình Dương, hoàn thiện dòng sản phẩm dinh dưỡng với các sản phẩm bột ăn dặm trẻ em Growsure, các sản phẩm sữa bột Netsure high calci, Quasure light, Mumsure, Makesure dành cho nhiều đối tượng khách hàng.

Năm 2007, công ty đưa công ty thành viên Bibica Miền Đông vào hoạt động với sản phẩm Layer Cake mang nhãn hiệu HURA.

Theo báo cáo thường niên của công ty, đến năm 2007, tốc độ tăng trưởng bình quân doanh thu hàng năm của Bibica đạt 30% và lợi nhuận đạt 20%; thị phần bánh kẹo nội địa của Bibica mỗi năm tăng 3-5% so với năm trước.

Ngoài thị trường nội địa được phát triển thị trường tới cả những vùng sâu, vùng xa của cả nước, công ty còn có các thị trường xuất khẩu như Philipin, Bangladesh, Campuchia, Đài Loan, Nhật Bản, Japan, Singapore, Hồng Kông, Mỹ, Thái Lan, Lào, các nước Trung Đông và Châu Phi.

Sự phát triển liên tục của Bibica đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, đặc biệt khi Bibica là một trong những doanh nghiệp niêm yết đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam – có mức độ minh bạch hơn so với các doanh nghiệp khác.

Cũng vào năm 2007, công ty Bánh kẹo Lotte (thuộc Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc) đã đạt được thỏa thuận mua 4,6 triệu cổ phần, tương đương 30% cổ phần của Bibica - trở thành đối tác chiến lược nước ngoài lớn nhất của Bibica.

Với sự hỗ trợ của Lotte, đến năm 2009, công ty đã khởi công xây dựng thêm dây chuyền sản xuất bánh Chocopie cao cấp tại Bibica Miền Đông và đưa vào hoạt động năm 2010 .

Nỗ lực gìn giữ thương hiệu Việt

Với sự trưởng thành vững chắc và tiềm năng tăng trưởng tốt, Bibica cũng lọt vào tầm ngắm của không ít nhà đầu tư nội, đặc biệt là CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và sau này là CTCP Xuyên Thái Bình (PAN).

Trước kỳ đại hội cổ đông thường niên năm 2013, nhóm cổ đông SSI đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Bibica lên gần 30%, tương đương với Lotte. Có lẽ chính điều này đã góp phần gìn giữ được thương hiệu của Bibica sau khi trong kỳ đại hội cổ đông trước đó Lotte đã công khai bày tỏ ý định đổi tên công ty thành Lotte-Bibica.

Ý định thôn tính, biến Bibica thành công ty con còn được thể hiện khi Lotte sau này liên tục mua thêm cổ phiếu và hiện nắm giữ khoảng 44% cổ phần tại doanh nghiệp bánh kẹo này.

Bản thân ông Trương Phú Chiến – Tổng giám đốc Bibica – cũng thừa nhận rằng từng bước công việc Lotte thực hiện tại Bibica cho thấy họ muốn khai thác Bibica thành đơn vị sản xuất, phát triển thương hiệu cho Lotte.

Tuy nhiên, SSI và nhóm cổ đông nội cũng liên tục tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Bibica, và hỗ trợ công ty về quản trị. SSI gần đây đã chuyển số cổ phần nắm giữ tại Bibica sang PAN – một công ty cũng do ông Nguyễn Duy Hưng làm chủ tịch HĐQT nhưng chuyên đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.

Theo báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2015, PAN và các nhóm cổ đông nội liên quan đã nắm hơn 45% vốn của Bibica tính đến hết quý II.

Có thể thấy SSI đã có công rất lớn khi bình ổn được vai trò của Lotte trong Bibica, giữ lại Bibica với vị thế là một thương hiệu Việt vững mạnh.

Kể từ năm 2013 đến nay, Bibica đã hồi phục được mức doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, sau khi để vuột mất thành tích này năm 2012 do hoạt động sản xuất của Bibica gặp bế tắc do công ty đầu tư dây chuyền thiết bị Lotte Pie nhưng lại không được phép khai thác sản phẩm mình mong muốn, mà chỉ sản xuất sản phẩm của Lotte.

Bước sang năm 2015, Bibica tiếp tục tự tin đặt kế hoạch đạt doanh thu 1,25 nghìn tỷ đồng.

Nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi được đặt ra là liệu PAN và Lotte có mâu thuẫn với nhau tại Bibica.?

Trong một cuộc trao đổi với báo giới hồi tháng 4/2015, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch của PAN, cho biết giữa PAN và Lotte không hề có mâu thuẫn, và 2 bên đã tìm được sự đồng thuận để phát triển Bibica.

Ông Hưng cũng cho biết quyết định đầu tư vào Bibica là vì đây môt công ty có nhiều tiềm năng trong ngành và là một thương hiệu Việt đã được xây dựng trong nhiều chục nặm qua, rất cần phải được gìn giữ. Việc xây dựng và phát triển Bibica hoạt động minh bạch và hiệu quả hơn sẽ giúp các cổ đông được chia sẻ lợi ích từ kết quả hoạt động tốt hơn của Bibica.

Điều này phù hợp với tiêu chí của PAN khi công ty đang hướng đến mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị với những mắt xích là những doanh nghiệp thực sự tốt và bền vững trong ngành nông nghiệp và thực phẩm.