CTCP Đầu tư xây dựng Bình Chánh (mã BCI-HoSE) sẽ triệu tập họp cổ đông bất thường vào ngày 27/11/2015. Chi tiết nội dung cuộc họp đã được BCI công bố tới các cổ đông.
Kế hoạch tăng vốn và lợi nhuận khủng năm 2016
Như đã thông báo trước đó, Đại hội sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ. BCI đề xuất sẽ phát hành riêng lẻ 33.279.856 cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược.
Đáng chú ý, mức giá phát hành được đề xuất không thấp hơn 120% giá thị trường vào thời điểm phát hành. Mức giá cụ thể sẽ được HĐQT đàm phán với nhà đầu tư. Với mức giá đang giao dịch hiện nay là 22.300 đồng/cổ phiếu, NĐT chiến lược phải chi tối thiểu 26.760 đồng/cổ phiếu.
Sau đợt phát hành, vốn điều lệ sẽ tăng từ 867 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng. Nếu có thể phát hành với mức giá trên, BCI sẽ thu được phần thặng dư vốn cổ phần cao. Số tiền thu về khoảng 890 tỷ đồng, dự kiến được sử dụng để nâng cao năng lực tài chính, bổ sung vốn đầu tư cho các dự án Green Village, Corona City, KCN Lê Minh Xuân mở rộng và Trung tâm dân cư Tân Tạo.
BCI là một doanh nghiệp bất động sản có quy mô quỹ đất lớn tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng lợi thế quỹ đất lại không được BCI hiện thực hóa do tốc độ triển khai ở hầu hết các dự án đều rất chậm.
Danh sách dự án của Xây dựng Bình Chánh- Nguồn: SSI Research
Mới đây, tại buổi gặp mặt do BCI tổ chức vào cuối tháng 10/2015, đại diện BCI đã cho biết mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2016 phấn đấu đạt 210 tỷ đồng. EPS dự kiến 2.442 đồng/cổ phiếu. Mức lợi nhuận này khá cao so với kết quả mà BCI đạt được trong 4 năm trở lại đây cũng như so với kế hoạch kinh doanh năm 2015 (120 tỷ đồng).
Lợi nhuận sau thuế BCI từ năm 2010 đến nay
*kế hoạch năm 2016
Đợt phát hành riêng lẻ dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2016. Kế hoạch tăng vốn để bổ sung nguồn tiền đầu tư vào các dự án có thể là lý do khiến lãnh đạo BCI lạc quan khi đề ra kế hoạch kinh doanh cho năm tới.
KDH: Muốn tăng sở hữu lên trên 25% mà không chào mua công khai
Bên cạnh đề xuất tăng vốn, BCI còn nhận được đề xuất tăng tỷ lệ sở hữu lên trên mức 25% mà không cần thực hiện chào mua công khai của cổ đông lớn nhất của công ty này, CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Khang Điền (mã KDH-HoSE).
KDH chỉ mới trở thành cổ đông lớn của BCI sau khi mua vào 17,7 triệu cổ phiếu từ nhóm NĐTNN phiên giao dịch ngày 23/9/2015. Tuy vậy, với tỷ lệ sở hữu 20,41%, KDH đã là cổ đông lớn nhất.
KDH thời gian gần đây đã công bố kế hoạch huy động vốn khủng thông qua các kênh phát hành trái phiếu và cổ phiếu. Cụ thể, KDH dự kiến sẽ phát hành 54 triệu cổ phiếu và 900 tỷ đồng trái phiếu ngay trong quý IV/2015, ước tính thu về 1.656 tỷ đồng.
Xem thêm: Nhà Khang Điền "rầm rộ" huy động vốn
Cơ cấu cổ đông BCI đã có biến động lớn từ giữa tháng 7/2015 sau khi một số cổ đông lớn lâu năm của BCI gồm Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước Tp.HCM (HFIC), Red River Holdings và Vietnam Infrastructure Strategic Ltd đã thoái vốn.
Trong khi đó, nhóm cổ đông liên quan đến đại gia Trầm Bê lại không có động thái mua vào hay bán ra. Được biết, ông Trầm Bê đang trực tiếp nắm 2,7 triệu cổ phiếu BCI, tương đương gần 3,1%. SouthernBank (đã sáp nhập vào Sacombank) nắm giữ gần 13% cổ phần BCI.