Bất đồng tại Bảo vệ thực vật An Giang: VinaCapital và DWS ra đi, Standard Chartered nhập cuộc

Standard Chartered Private Equity dự kiến mua lại hơn 34% cổ phần của Bảo vệ thực vật An Giang.

Là một trong những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng nhưng nhiều năm trở lại đây, CTCP Bảo vệ thực vật An Giang - AGPPS đã rơi vào tình cảnh "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" với một nhóm các cổ đông lớn nước ngoài.

AGGPS là công ty dẫn đầu ngành kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, gần đây, công ty đã mở rộng sang kinh doanh lúa gạo và thay đổi sứ mạng từ "công ty dẫn đầu thị trường" thành "phục vụ nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn".

Nhiều cổ đông lớn của công ty đã không đồng tình với kế hoạch này, vì vậy mà nhiều vấn đề quan trọng trình ĐHCĐ từ năm 2012 tới nay đã không được thông qua.

Tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 4 năm nay, 11/14 nội dung trình đại hội đã bị phủ quyết, trong đó có nhiều nội dung quan trọng như Kế hoạch 2014, kế hoạch phân phối lợi nhuận, đổi tên công ty, bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2014-2019…

Báo cáo của HĐQT AGPPS khi đó nhấn mạnh công ty đang tiến hành cơ cấu lại cổ đông vì một số nhà đầu tư không phù hợp với mục tiêu phát triển của công ty.

AGPPS cho biết đã tìm được 2 nhà đầu tư tiềm năng cho giai đoạn sắp tới gồm Quỹ Standard Chartered Private Equity (SCPE) thuộc ngân hàng Standard Chartered và tập đoàn Jardines của Hongkong. Standard Chartered hiện đang cho công ty vay 70 triệu USD. Hai nhà đầu tư này sẽ mua lại cổ phần của những cổ đông muốn thoái vốn.

Kế hoạch "thay máu cổ đông" này đã được hiện thực hóa khi mà vừa qua AGPPS đã tiến hành xin ý kiến cổ đông chấp thuận cho SCPE mua 22.424.890 cổ phần, tương đương 34,39% vốn điều lệ của công ty.

Bên cạnh giao dịch này, AGPPS cũng xin ý kiến cổ đông chia cổ tức năm 2013 là 3.000 đồng/cp.

Bên chuyển nhượng gồm các đơn vị đầu tư liên quan đến quỹ VOF thuộc VinaCapital, quỹ DWS Vietnam Fund và một cổ đông cá nhân là ông Nguyễn Quốc Đạt. Hiện VOF và DWS Vietnam Fund nắm giữ tổng cộng 34,27% cổ phần của AGPPS.

Cơ cấu cổ đông AGPPS
Cơ cấu cổ đông hiện tại của AGPPS.
Nếu mua lại thành công, SCPE sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của AGPPS.

Trong khi VOF và DWS phản đối thì Mekong Capital lại vẫn ủng hộ chiến lược phát triển của công ty. Quỹ Vietnam Azalea Fund do Mekong Capital quản lý hiện nắm giữ 6,25% cổ phần của AGPPS.

Đại diện phần vốn nhà nước - chiếm 24,88% cổ phần - tại AGPPS cũng được chuyển từ SCIC về cho Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang do tỉnh ủng hộ kế hoạch của công ty trong khi SCIC cũng không đồng tình.

Cách đây ít ngày, SCPE đã công bố đầu tư 35 triệu USD vào Golden Gate, công ty mẹ của nhiều chuỗi nhà hàng lớn như Ashima, Kichi-Kichi, Sumo BBQ… Nhiều khả năng SCPE mua lại từ Mekong Capital khi quỹ đầu tư này công bố đã thoái toàn bộ khoản đầu tư tại Golden Gate.

Tại Việt Nam, Standard Chartered đã thành lập một ngân hàng con và sở hữu 15% cổ phần của Ngân hàng ACB.

kết quả kinh doanh agpps
Tại thời điểm cuối tháng 8, AGPPS là khoản đầu tư lớn thứ 4 của VOF, chiếm 7,4% NAV, tương đương 61,6 triệu USD.
Trong khi đó, tại thời điểm cuối tháng 7, AGPPS chiếm 6,5% NAV của DWS Vietnam Fund, tương đương 22,4 triệu USD.