Sau khi các nhà đầu tư bán tháo vào hôm 11/12, chỉ số S&P 500 đã giảm xuống mức 2.012 điểm. Tính tới ngày 12/12, chỉ số này đã giảm 2,25% so với hồi đầu năm. Diễn biến xảy ngay chỉ vài ngày trước cuộc họp tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) – thời điểm được dự báo sẽ diễn ra lần tăng lãi suất đầu tiên trong một thập kỷ của nền kinh tế số một thế giới.
Chuyên gia Vito Racanelli của Barron’s đã viết: “Dựa trên dự báo trung bình của họ (các chuyên gia), chỉ số Standard & Poor’s 500 sẽ đạt mức 2.220 điểm vào cuối năm sau, tăng 10% so với mốc 2.012 điểm đạt được hôm 11/12”. Biên độ tăng này phản ánh sự sụt giảm của thị trường vào tuần trước nhiều hơn sự phản ánh tâm lý lạc quan quá mức từ các nhà dự báo của Barron’s. Trái lại, các chiến lược gia đã thận trọng hơn nhiều khi bình luận trong những năm gần đây.
Những triển vọng lạc quan này trái ngược với ý kiến của một chuyên gia khác, những người đã dự báo rằng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ có một năm 2016 nhiều bất ổn và lợi nhuận có thể sẽ đạt mức khiêm tốn nhất.
Chỉ số S&P mục tiêu được các chiến lược gia tại Business Insider dự báo là 2205 điểm, thấp hơn 5 điểm so với dự báo của Barron’s.
Các chuyên gia của Barron’s dự báo rằng yếu tố tăng trưởng trong thu nhập, tăng không đáng kể trong năm nay, sẽ là yếu tố chính dẫn dắt thị trường chứng khoán Mỹ vào năm 2016, trong khi hệ số P/E sẽ hầu như không đổi.
Giám đốc đầu tư của Federated Investors là người có dự báo lạc quan nhất khi cho rằng chỉ số S&P 500 sẽ cán mốc 2.500 điểm vào cuối năm 2016. Ông nhận định rằng tăng trưởng GDP sẽ đạt 2,5-3% và một sự cải thiện vững chắc của ngành năng lượng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của thị trường chứng khoán Mỹ.
Năm 2015 chỉ còn 13 ngày giao dịch nữa là kết thúc, thị trường sẽ cần một đợt mạnh mẽ để có thể hồi phục lại hoàn toàn. Hồi đầu năm, Barron’s đã thực hiện một cuộc khảo sát với các chiến lược gia hàng đầu và kết quả là họ dự báo thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tăng trưởng 10% trong năm 2015. Dường như, điều này khó có thể trở thành hiện thực.