Chia sẻ với báo chí ngày 15/4, ông Phạm Quang Tùng - Chủ tịch Tổng công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Mã CK: BIC) cho hay tại đại hội đồng cổ đông ngày 20/4 tới, công ty sẽ xin ý kiến phát hành 41 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tương đương 35% vốn điều lệ sau khi hoàn tất. Dự kiến sau giao dịch, vốn điều lệ công ty sẽ đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Chưa tiết lộ cụ thể về tên tuổi của nhà đầu tư chiến lược, song lãnh đạo Bảo hiểm BIDV cho biết đã tìm hiểu kỹ lưỡng để lựa chọn đối tác có cùng chiến lược kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp, có năng lực tài chính tốt và cam kết gắn bó lâu dài.
Sau khi chào bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài, tỷ lệ sở hữu của BIDV tại doanh nghiệp giảm từ 78,4% xuống 51%. |
Công ty hiện tập trung đàm phán để có thể chốt giao dịch trong tháng 4/2015, sau khi được đại hội cổ đông thông qua sẽ báo cáo cơ quan chức năng để được chấp thuận trong quý II/2015 và đặt mục tiêu hoàn tất giao dịch trong quý III/2015. BIC cũng sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường để bầu bổ sung 2 thành viên Hội đồng quản trị mới, đại diện cho tổ chức nước ngoài sau khi họ trở thành cổ đông chính thức.
Tại đại hội cổ đông năm 2014, BIC chỉ trình cổ đông bán tối đa 30% vốn cho cổ đông chiến lược, song sau một năm đàm phán, công ty quyết định nâng tỷ lệ lên 35%. "Trong quá trình làm việc, nhà đầu tư cam kết sẽ gắn bó lâu dài và đưa ra mức giá cao, nhưng họ cũng mong có tỷ lệ sở hữu đủ lớn", ông Tùng nói. Tuy nhiên, mức 35% có thể coi là mức trần bởi nếu bán hơn nữa cho nhà đầu tư ngoại, tỷ lệ nắm giữ của BIDV sẽ dưới 51% (hiện ngân hàng này nắm 78,4% vốn BIC).
Quý I/2015, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BIC đạt 44,3 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2010 và đạt 30% kế hoạch năm 2015. Lý giải cho sự tăng trưởng này, BIC cho hay hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, với tốc độ tăng tổng doanh thu phí bảo hiểm là 48%, đạt 314 tỷ đồng, bằng 24% kế hoạch năm. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng trung bình của toàn thị trường bảo hiểm phi nhận thọ quý I/2015 ước đạt khoảng 17%.
Sự ra đời của ba công ty thành viên mới ở hải ngoại cũng bổ sung thêm lực lượng khai thác cho BIC. Lợi nhuận trước thuế của Công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào Việt (LVI) trong 3 tháng đầu năm đạt gần 10 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Hiện LVI đứng thứ hai thị trường Lào về thị phần. Tại Campuchia, lợi nhuận của Công ty Liên doanh bảo hiểm Campuchia (CVI) cũng tăng 66% so với 3 tháng đầu năm 2014.
Tháng 3 vừa qua, BIC đã được chấp thuận thành lập văn phòng tại Myanmar. "Myanmar là một trong những mảnh đất vàng hiếm hoi còn lại của châu Á. Với một thị trường hơn 50 triệu dân và độ mở cửa chưa cao thì đây là cơ hội tốt cho BIC triển khai tại nơi đây", ông Tùng nhận định.
Với kết quả đạt được trong quý đầu tiên, BIC đặt mục tiêu tới 30/6/2015 sẽ hoàn thành trên 50% chỉ tiêu quy mô và lợi nhuận của cả năm 2015.