Quả thực, nhìn vào số liệu kinh doanh 5 năm gần đây của VNPT, có thể thấy rõ, lợi nhuận của Tập đoàn liên tục sụt giảm, số thuê bao điện thoại tăng trưởng âm. Cụ thể, lợi nhuận của VNPT năm 2009 đạt 13.500 tỷ đồng; năm 2010 giảm xuống còn 11.200 tỷ đồng; năm 2011 giảm còn 10.000 tỷ đồng và năm 2012 còn 8.500 tỷ đồng; năm 2013, chật vật kéo lên được 9.265 tỷ đồng.
Năm 2013, tổng thuê bao điện thoại thực của Tập đoàn âm 11,3 triệu thuê bao (số thuê bao rời mạng nhiều hơn số thuê bao mới); trong đó thuê bao cố định giảm 500.000 thuê bao; thuê bao di động giảm 10,8 triệu thuê bao.
Đại diện VNPT viện dẫn một loạt lý do như doanh nghiệp phải hoạt động công ích, chịu ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế khó khăn…
Tuy nhiên, lý do này tỏ ra kém thuyết phục khi hoạt động trong cùng môi trường, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của VNPT là Viettel lại có lợi nhuận liên tục tăng trưởng: năm 2009 đạt 10.000 tỷ đồng, năm 2010 đạt 15.500 tỷ đồng, năm 2011 đạt 20.000 tỷ đồng và năm 2012 đạt 27.000 tỷ đồng, năm 2013 đạt 35.086 tỷ đồng.
VNPT tụt lùi có nhiều nguyên nhân, như cơ chế hạch toán phụ thuộc kéo dài quá lâu, luôn duy trì tình trạng trên bao cấp dưới, khiến các đơn vị thuộc Tập đoàn có tâm lý trông chờ, ỷ lại và VNPT mất dần sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong mảng kinh doanh mạng thông tin di động Vinaphone. Cơ chế quản lý nội bộ của Tập đoàn chậm đổi mới, không đáp ứng được yêu cầu thực tế của thị trường.
Sự chậm đổi mới này thể hiện rõ nhất ở việc trong điều kiện kinh doanh các dịch vụ truyền thống gặp nhiều khó khăn, VNPT chưa đưa ra được những dịch vụ mới nào mang tính đột phá, đầu tư phát triển mạng lưới chậm, mất sức cạnh tranh của dịch vụ di động.
Khi sức nóng cạnh tranh từ Viettel hầm hập sau lưng, một lãnh đạo của Vinaphone kể, nhiều giải pháp ứng phó mà DN dưới đưa lên lại phải qua nhiều tầng nấc mới được phê duyệt, đến khi có quyết định để áp dụng thì đối thủ đã chiếm lĩnh thị phần chi phối trên thị trường.
Tháng 6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Tái cơ cấu VNPT; trong đó, đưa ra nhiều thay đổi quan trọng như tách MobiFone, "con gà đẻ trứng vàng" của VNPT về Bộ Thông tin và Truyền thông để cổ phần hóa; Tập đoàn phải thoái vốn tại 63 doanh nghiệp; Tổ chức lại hoạt động sản xuất - kinh doanh để nâng cao sức cạnh tranh…
Trong đó, một số đơn vị lỗ nặng như Công ty Tài chính Bưu điện lỗ 635 tỷ đồng, "ăn" thâm vốn chủ sở hữu 127,5 tỷ đồng; Vinasat 1 khai thác từ năm 2008 - 2011 lỗ gần 1.589 tỷ đồng, vượt số lỗ dự kiến 329 tỷ đồng; Vinasat 2, nếu khai thác tốt vẫn lỗ 62 - 130 triệu USD, tương ứng 1.300 - 2.600 tỷ đồng... Trì trệ như vậy, nên dù triển khai nhiều hoạt động thoái vốn, đến nay, tập đoàn này mới thoái được khoảng 172 tỷ đồng.
Một yêu cầu quan trọng nữa của việc tái cơ cấu là sắp xếp lại nhân sự, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, công chúng chưa thấy VNPT quyết liệt trong khi ở nhiều tập đoàn, tổng công ty khác, đã có sự luân chuyển cán bộ quản lý (nếu làm việc không hiệu quả).
Thị trường cũng chưa thấy VNPT có động thái tích cực trong tổ chức lại bộ máy hoạt động và mạng lưới kinh doanh. Mô hình kinh doanh của Tập đoàn chưa có gì đổi mới.
Đơn cử, nhiều khách hàng của Vinaphone phản ánh, nhà mạng này từ vài năm nay chưa có gói sản phẩm tạo ra giá trị gia tăng đáng kể cho các thuê bao cũ, không có các sản phẩm đặc thù cho các nhóm khách hàng. Dễ hiểu vì sao, tỷ lệ thuê bao rời mạng Vinaphone chưa có dấu hiệu thuyên giảm.