[Báo cáo SSI Research] Nhìn lại kinh tế Việt Nam 2014: Phục hồi trong nghi ngờ

(NDH) Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn vừa có bản báo cáo nhận định thị trường Việt Nam năm 2015, trong đó tổng quát tình hình kinh tế Việt Nam năm 2014.

Nền kinh tế vĩ mô năm 2014 của Việt Nam có thể được khái quát trong 2 từ: “tăng trưởng ổn định”. Sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô được thể hiện bởi lãi suất thấp trong một thời gian dài cùng đồng nội tệ ổn định và quá trình cắt giảm nợ tồn đọng mà ít gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Việc thực hiện cắt giảm nợ tồn đọng đã tạo ra tính thanh khoản mạnh cho các ngân hàng, nhưng ngành ngân hàng lại không cho vay một cách tích cực do lo sợ những rủi ro tín dụng.

Mặc dù tính ổn định của nền kinh tế vĩ mô là hoàn toàn rõ ràng và nhất quán, nhưng dấu hiệu cho sự phục hồi của nền kinh tế vĩ mô thì lại không được như vậy. Đây là nguyên nhân ngăn cản chi tiêu của các công ty và người tiêu dùng cá nhân.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không quá bất ngờ dù tốc độ tăng trưởng GDP đã vượt mục tiêu của chính phủ đề ra, ở mức 5,98% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY), cao hơn so với mục tiêu 5,6% YoY. Nguyên nhân chính cho sự tăng trưởng trên vẫn do những lĩnh vực quen thuộc như xuất khẩu và đầu tư.

Mặc dù chỉ số sức tiêu thụ chiếm 65% GDP cho thấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là chính xác, nhưng theo doanh thu của nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và doanh thu của các công ty lớn trên thị trường chứng khoán như VNM hay MSN thì người tiêu dùng cá nhân vẫn còn hạn chế trong chi tiêu, qua đó hạn chế sức chi tiêu khu vực tư nhân.

Chi tiêu khu vực tư nhân theo tổng GDP

Doanh thu nhóm hàng tiêu dùng nhanh

Tại lĩnh vực xuất khẩu (chiếm 82% GDP) và xuất khẩu ròng (chiếm 2% GDP). Chỉ số xuất khẩu ròng của Việt Nam chuyển từ mức âm sang mức dương kể từ năm 2012. Tuy nhiên, tỷ trọng của xuất khẩu ròng trong tổng GDP vẫn không đáng kể. Thời gian gần đây, việc xuất khẩu ròng của Việt Nam được cải thiện nhiều chủ yếu là do tăng trưởng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Điều này được chứng minh thông qua những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại di động (23,6 tỷ USD- tăng 11,1% YoY), dệt may (20,95 tỷ USD- tăng 16,8% YoY), giày dép (10,34 tỷ USD- tăng 23,1% YoY).

Xuất khẩu ròng theo tổng GDP

Bên cạnh đó là lĩnh vực đầu tư (chiếm 30-31% GDP) và FDI. Ngoài sự chênh lệch về mức lương giữa công nhân Việt Nam và Trung Quốc thì vị trí địa lý chiến lược và tình hình chính trị ổn định cùng sự cung ứng lao động dồi dào đã khiến Việt Nam tiếp tục là một điểm đến khá hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tăng trưởng của tổng mức đầu tư tại Việt Nam năm 2014 (thể hiện ở tổng tài sản cố định được hình thành trong GDP) ở mức cao chưa từng có, với mức tăng 8,9% YoY, cao hơn so với mức tăng 5,45% năm 2013. Nguyên nhân chính cho sự tăng trưởng này là do sự tăng trưởng nguồn vốn FDI, qua đó tạo sự tăng trưởng cho sản xuất và xuất khẩu.

Tổng tài sản cố định được hình thành trong GDP

Nổi bật nhất cho việc đầu tư nước ngoài trực tiếp tại Việt Nam là công ty Samsung khi tập đoàn này thực hiện những khoản đầu tư lớn tại Việt Nam. Tổng giá trị đầu tư tại Việt Nam năm 2014 của Samsung đạt 11,2 tỷ USD và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng lên trong năm 2015, qua đó đóng góp khoảng 20% trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, tương đương khoảng 30 tỷ USD. Những dự án nổi bật từ nguồn vốn FDI tại Việt Nam năm 2014 bao gồm 3 dự án, đều là của tập đoàn Samsung, trong đó có dự án mở rộng nhà máy sản xuất SEVT tại Thái Nguyên trị giá 3 tỷ USD, dự án xây dựng khu Samsung Consumer Electronics Complex tại Thành phố Hồ Chí Minh trị giá 1,4 tỷ USD, dự án xây dựng Samsung Display tại Bắc Ninh trị giá 1 tỷ USD.

Đáng chú ý trong năm 2014 là đầu tư tại khu vự tư nhân của Việt Nam đã tăng trưởng 13,6% YoY, mức tăng gấp đôi so với tăng trưởng 6,6% YoY của năm 2013. Sự gia tăng đầu tư tại khu vực tư nhân này cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục một cách mạnh mẽ.

Đầu tư bằng FDI tại khu vực sản xuất (triệu USD)

Bên phía nguồn cung, ngành công nghiệp và xây dựng dẫn đầu tăng trưởng GDP năm 2014 khi đóng góp 2,75% trong tăng trưởng GDP, vượt qua ngành dịch vụ (đóng góp 2,62% vào tăng trưởng GDP). Đây là con số ấn tượng khi mức đóng góp của các ngành trên năm 2013 tương ứng là 2,09% và 2,85%. Trong ngành công nghiệp và xây dựng, khu vực sản xuất dẫn đầu tăng trưởng khi có mức tăng 8,45% YoY. Bên cạnh đó, khu vực xây dựng cũng đóng góp mức tăng 7,07% YoY, cao hơn so với mức tăng 5,87% YoY của năm 2003.

Tất cả những điều trên cho thấy sự chính xác trong đánh giá của Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn về triển vọng năm 2014, khi bộ phận này nhận định sẽ có sự tăng trưởng trong hoạt động của những ngành công nghiệp liên quan đến cơ sở hạ tầng.

Lãi suất tiền gửi 1 tháng (%)

Ngoài ra, các ngân hàng cũng tăng cường cho vay đối với những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhằm tài trợ xây dựng cho những dự án cơ sở hạ tầng có liên quan. Bên cạnh đó, tăng trưởng thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam cũng giúp kích thích các hoạt động xây dựng. Tính đến cuối tháng 11/2014, đã có 9.950 giao dịch bất động sản thành công tại thị trường Hà Nội (tăng 100% YoY) và có 8.850 giao dịch thành công tại thị trường Hồ Chí Minh (tăng 35% YoY), trong đó tập trung chủ yếu vào phân khúc cấp trung và nhà giá rẻ.

Những chỉ số kinh tế vĩ mô khác năm 2014 cũng chứng minh cho những dự đoán của Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn, như việc chỉ số CPI ở mức thấp (tăng 1,84% YoY vào cuối năm 2014 và tăng bình quân cả năm 4,09% YoY), giảm lãi suất (giảm khoảng 150-200 điểm phần trăm so với cuối năm 2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã căt giảm lãi suất 2 lần vào tháng 3 và tháng 10/2014), đồng nội tệ Việt Nam (VND) giảm giá 1% so với đồng USD nhưng vẫn là đồng tiền có biểu hiện tốt nhất trong những đồng tiền tại Châu Á năm 2014. Đặc biệt, việc lãi suất tiền gửi thấp (5% cho khoản tiền gửi ít hơn 6 tháng) và sự ổn định của tỷ giá tiền tệ cùng với giá thuê nhà tăng trưởng một cách hợp lý (6-7% tại một số khu vực hấp dẫn) đã hấp dẫn nhiều nhà đầu tư mua nhà hơn.

Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại Việt Nam từ cuối năm 2011 đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu của sự tăng trưởng và bứt phá mạnh mẽ sau khi đã thoát khỏi những khó khăn ràng buộc. Trước đây, chính phủ Việt Nam chỉ tập trung cổ phần hóa những DNNN vừa và nhỏ. Mặc dù số lượng những DNNN đã giảm từ 1.406 DN vào cuối năm 2009 xuống 857 DN vào tháng 9/2014 nhưng đóng góp vào GDP của những DNNN này là khá nhỏ (từ 34,7% năm 2009 xuống 32,2% năm 2013).

Bắt đầu từ năm 2014, một số DNNN lớn đã thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) như Viglacera, Vinatex hoặc Việt Nam Airlines. Theo những hướng dẫn mới ban hành của Nghị định 51/2014 cho phép bán tài sản dưới giá trị sổ sách và yêu cầu giảm bớt vốn nhà nước khỏi những DNNN thì các chuyên gia tin rằng việc cải cách DNNN sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2015. Đây cũng là thời hạn cuối cho nhiều cuộc IPO và giảm bớt vốn tại khoảng 200 DNNN.

Trước tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện, hãng Moody’s và Fitch đã nâng xếp hạng tín dụng của Việt Nam, đồng thời đợt phát hành trái phiếu 1 tỷ USD của chính phủ Việt Nam cũng đạt được thành công đáng kinh ngạc. Điều này đã chứng minh sự khéo léo của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014.

Bài 2: Dự báo thị trường năm 2015