Băn khoăn về siêu bộ quản lý 5 triệu tỉ đồng

Phương án lập “siêu bộ” quản lý các doanh nghiệp nhà nước đang có nhiều ý kiến trái chiều.

Như tin đã đưa, Bộ KH&ĐT vừa công bố dự thảo nghị định về việc thành lập Ủy ban Quản lý, Giám sát vốn và tài sản Nhà nước (gọi tắt là ủy ban) đối với 30 tập đoàn, tổng công ty thay vì để các bộ, ngành quản lý như hiện nay.

Đây là những ông lớn đang nắm khối tài sản khổng lồ trị giá khoảng 5,4 triệu tỉ đồng thuộc nhiều lĩnh vực như điện lực, dầu khí, hàng không, than khoáng sản, dệt may, viễn thông, cà phê, đường sắt, hàng hải…

Muốn hiệu quả, minh bạch

Trao đổi với chúng tôi về ủy ban này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu. Một trong những nguyên nhân là thể chế, cơ chế quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước có nhiều sơ hở, yếu kém. Các bộ, ngành hiện đang thực hiện quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp (DN) nhưng lại không phải là người chịu trách nhiệm về kết quả và hiệu quả đầu tư, kinh doanh của DN.

“Hơn nữa, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư nhà nước, của cơ quan và cá nhân được phân công thực hiện quyền chủ sở hữu tại DN rất thấp. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại DN” - ông Dũng nói.

Xuất phát từ thực tiễn trên, ông Dũng cho rằng việc hình thành ủy ban trên là cần thiết để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thể chế, cơ chế quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước. Giải pháp này cũng tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước tập trung để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước.

một lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng do là DNNN nên Petrolimex sẽ tuân thủ mọi chủ trương và quyết định của Chính phủ. Việc quản lý phần vốn Nhà nước tại tập đoàn được giao cho ủy ban hay bộ, ngành quản lý đều là đại diện Nhà nước quản lý phần vốn Nhà nước tại DN.

“Dưới góc độ DN, chúng tôi luôn ủng hộ quan điểm làm sao để Nhà nước vừa quản lý được phần vốn vừa tạo điều kiện cho DN kinh doanh, đảm bảo mô hình hoạt động của DN. Đặc biệt, bộ hay ủy ban về bản chất là thay mặt Chính phủ quản lý phần vốn Nhà nước, miễn sao cơ quan quản lý nhà nước đó thực hiện được đúng nhiệm vụ, quyền hạn trong thẩm quyền. Qua đó đảm bảo mục tiêu kinh doanh của DN theo cơ chế thị trường một cách minh bạch” - vị này nêu quan điểm.

 Băn khoăn về siêu bộ quản lý 5 triệu tỉ đồng - 1

Tập đoàn xăng dầu là một trong những đơn vị dự kiến sẽ nằm trong “siêu bộ”. Ảnh: HTD

Sợ làm giảm tính năng động của DN

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, cho rằng vấn đề quan trọng nhất là việc lập siêu ủy ban liệu có đem lại hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hay không. “Do chúng ta cảm thấy không yên tâm với mô hình quản lý hiện nay nên muốn thành lập ủy ban. Có điều nếu thành lập ủy ban thì có thể DNNN sẽ gặp khó khăn hơn, bởi khi càng nhiều người tham gia điều hành thì tính năng động, giải quyết tình huống của DN sẽ càng khó khăn, mất thời gian qua nhiều nấc, nhiều tầng” - ông Nam nêu quan điểm.

Ông Nam cũng cho rằng hiện nay các DNNN đang được giao cho các bộ, ngành quản lý. Sắp tới gom nhiều tập đoàn thành một “ông siêu ủy ban”, vậy có quản được không? Thực tế nếu bộ quản lý tốt thì DN phát triển tốt, làm ăn hiệu quả. Ngược lại, bộ nào quản lý không tốt thì DN kém phát triển. Do đó việc thành lập ủy ban hay không, không quan trọng mà quan trọng là tính khả thi và hiệu quả của phương pháp quản lý.

Đại diện một tập đoàn thuộc Bộ NN&PTNT thì tán đồng với việc lập ủy ban nhưng lo ngại nhân lực, trình độ của ủy ban không đủ khả năng để quản lý các “ông lớn”. Do đó nếu siêu ủy ban được lập thì cần phải đưa ra cách thức quản lý hợp lý, khoa học, phân công trách nhiệm rõ ràng, thông tin công khai, minh bạch.

“Nhưng dù lựa chọn mô hình quản lý nào thì cũng phải thực hiện cổ phần hóa triệt để DNNN. Bởi khi được cổ phần hóa, chính cổ đông và ban kiểm soát nội bộ DN sẽ kiểm soát, chế định lẫn nhau. Khi đó giám sát của cơ quan quản lý nhà nước mới hiệu quả” - vị đại diện tập đoàn trên kiến nghị.

Không dễ như bê lọ hoa

Là bộ chủ quản của gần một nửa số DNNN thuộc diện bàn giao quản lý cho ủy ban, một lãnh đạo Ban đổi mới phát triển DN Bộ Công Thương cho rằng Chính phủ cần cân nhắc phương án thành lập ủy ban mà trọng tâm là chuyển các tập đoàn, tổng công ty từ các bộ, ngành về ủy ban quản lý. Bởi để chuyển giao DN không dễ như “bê lọ hoa từ bàn này sang bàn kia”, công đoạn bàn giao một DN cần có sự vào cuộc của kiểm toán, thuế để quyết toán tài sản. Nếu giải quyết xong 30 tập đoàn, tổng công ty cũng phải tốn vài năm thực hiện quy trình này. “Việc ra đời ủy ban trên có thể sẽ làm gián đoạn tiến trình cổ phần hóa mà các DN đang triển khai”.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Công Thương cho rằng các DN trong diện chuyển giao nhiều ngành nghề như thương mại, công nghiệp, xây dựng, viễn thông, điện lực, dầu khí… Mỗi ngành nghề có đặc thù cơ chế khác nhau. Do đó, ủy ban cần có bộ máy chuyên môn am hiểu từng lĩnh vực này. Như vậy sẽ có một siêu bộ máy cồng kềnh ra đời để quản lý một mô hình sản xuất, kinh doanh rất phức tạp; ngân sách nhà nước lại tốn thêm khoản chi nuôi bộ máy này trong khi Chính phủ đang đẩy mạnh giảm biên chế.

Vấn đề căn cơ hiện nay là Chính phủ cần thúc các DNNN đẩy nhanh cổ phần hóa và để bản thân DN phải vận hành theo cơ chế thị trường thay vì lập thêm một “siêu bộ”.

Đại diện Bộ Công Thương