Tiếp theo bài trước về những hứa hẹn của GEM khi đầu tư vào các công ty Việt Nam nhưng sau 1 năm kể từ những cam kết đó, nhà đầu tư vẫn chưa thấy GEM giải ngân. Bài này chúng tôi đề cập đến những gì GEM công bố trên website công ty và danh mục đầu tư rất “đặc biệt” của quỹ đầu tư tỷ đô này.
Đọc thêm: Các cam kết khủng của GEM: Vì sao vẫn chưa thấy giải ngân
GEM đã nói về mình như thế nào?
Theo lời giới thiệu trên website công ty thì GEM được thành lập năm 1991 với vốn đầu tư 3,4 tỷ USD, chuyên đầu tư vào thị trường tài chính, đặc biệt chú trọng vào những doanh nghiệp mới đang cần vốn. Công ty này có trụ sở chính tại New York, chi nhánh tại Paris, Saopaolo, London và Hongkong. Công ty đã đầu tư vào 305 công ty trên 65 quốc gia trên thế giới.
GEM chuyên chú trọng vào các thương vụ sáp nhập công ty nhỏ và vừa, các quỹ đầu tư cá nhân và các khoản đầu tư đang trong giai đoạn sơ khai.
Ngoài ra theo những gì công bố trên website thì GEM còn có các đối tác nước ngoài khác như GEM India Advisor (là một công ty chuyên đầu tư về lĩnh vực bất động sản ở Ấn Độ), CITIC GEM Fund - GEM đã cộng tác với tập đoàn CITIC (China International Trust and Investment Company) - đây là một công ty lớn của Trung Quốc với tổng tài sản 125 tỷ USD, 44 công ty con và có thương hiệu uy tín trên toàn cầu. Cả hai đã hợp tác thành lập quỹ đầu tư 1 tỷ USD, tập trung đầu tư vào các mỏ kim loại màu ở Châu Á và Châu Phi, GEM Brazil Private Equity Fund (quỹ đầu tư được thành lập bởi GEM tập trung vào việc mua lại hoặc đầu tư vào các công ty nhỏ và vừa tại Brazil).
GEM thường chú trọng đầu tư vào sản xuất và dịch vụ. Tuy nhiên GEM cũng có các khoản đầu tư vào năng lượng, công nghệ, hóa dầu, giải trí, giáo dục, bán lẻ, thực phẩm, sức khỏe, truyền thông, tài chính. Công ty này đầu tư trên toàn thế giới và tập trung vào các thị trường như: Bắc Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Phi, Trung Phi, Trung Quốc, Đông Nam Á, Phần Lan, Brazil và Columbia.
“Sở thích” của GEM thường đầu tư khoảng 40-60 triệu USD vào những công ty có lợi nhuận từ 30-150 triệu USD và có giá trị giao dịch khoảng 10-100 triệu USD.
GEM thường tập trung vào thị trường mới nổi và thường cố gắng kiểm soát công ty bằng cách mua lại phần lớn cổ phiếu của công ty, tái cơ cấu vốn, thay đổi cách quản lý trong công ty, thực hiện các khoản mua lại- sáp nhập- cho vay- góp vốn để điều khiển lợi ích của các cổ đông.
Tuy nhiên, công ty này thường hay sử dụng biện pháp đầu tư trực tiếp (thông qua giao dich chứng khoán hay góp vốn đầu tư) nhằm đạt mục tiêu kiểm soát công ty. Công ty này luôn cố gắng tìm một vị trí trong hội đồng quản trị và tham gia vào ban điều hành của DN mà công ty đầu tư.
Danh mục đầu tư có cả công ty bán “sản phẩm cho người lớn”, cầm đồ
Rất khó và gần như không thể tìm được báo cáo nào liên quan đến tình hình tài chính của GEM, thông thường các quỹ đầu tư minh bạch đầu tư vào Việt Nam như VinaCapital, PYN, DWS, Dragon Capital…đều có các bản “fact sheet” công bố tỷ trọng danh mục hay NAV hàng quý, hàng năm. Tuy nhiên trên website của GEM gần như không có báo cáo nào liên quan đến tình hình tài chính của quỹ này.
GEM có công bố danh mục các công ty mà mình đầu tư, nhưng nhìn vào danh mục này thì nhà đầu tư không khỏi giật mình về tiêu chí chọn lựa đầu tư của quỹ đầu tư có vốn hàng tỷ USD này.
Trong danh mục đầu tư của GEM có công ty Christal Inc và Peekay Inc. Đây là hai hãng bán lẻ các “sản phẩm dành cho người lớn” tại Mỹ. Với việc mua lại hai công ty này, GEM đã trở thành nhà bán lẻ hàng đầu tại Mỹ trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm dành cho người lớn, hãng hiện đã có 45 cửa hàng ở bờ Tây và miền Trung nước Mỹ.
Christal và Peekay hiện đang thu lợi nhuận chính từ các hoạt động bán buôn, bán lẻ và kinh doanh trực tuyến các mặt hàng người lớn. Không giống như các cửa hàng người lớn khác, hai hãng này tập trung chủ yếu vào thị trường nữ giới và các cặp vợ chồng. Peekay hiện nay đang là nhà tiên phong trong việc thành lập các chuỗi của hàng bán lẻ sản phẩm cho người lớn.
Pawn Plus - khoản đầu tư trong danh mục nắm quyền kiểm soát của GEM
Ngoài ra, GEM còn đầu tư vào Pawn Plus Inc - là một công ty dịch vụ cầm đồ, đặc biệt tập trung vào các tài sản như vàng, trang sức. Công ty chuyên bán lại các đồ trang sức sau khi tân trang lại để kiếm lợi nhuận hoặc tinh chế lại các đồ bằng vàng để bán kiếm lời. Hãng cũng cung cấp dịch vụ tài chính, giúp các khách hàng, chủ yếu là người có thu nhập thấp hoặc vừa, xử lý các khoản khai thuế, hoàn thuế và giấy tờ khác. Khách hàng chủ yếu của hãng này thường là những người không thể vay vốn trong các ngân hàng chính thống và cần gấp một lượng tài chính lớn.
Bên cạnh đó GEM cũng công bố nhiều khoản đầu tư hoành tráng. Vào tháng 1/2014, CNBC đưa tin Oliver Niedermaier, CEO ở New York của quỹ TAU Investment Management đã hợp tác cùng với nhà đầu tư Alexander Soros – con trai của tỷ phú đầu cơ George Soros và GEM để huy động 1 tỷ USD cho dự án nâng cấp lại cơ sở hạ tầng để vận chuyển hàng triệu tấn sản phẩm và nguyên liệu quanh thế giới nhằm giải quyết hiệu quả chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chúng tôi không đưa ra kết luận về GEM mà chỉ mang cho nhà đầu tư một số thông tin xoay quanh quỹ này. Cần phải chờ thời gian để xem GEM sẽ đem lại những gì cho các công ty Việt Nam mà quỹ này đầu tư, bởi cam kết giải ngân mà GEM ký kết với các công ty là khá dài (HHS là 30 tháng, FLC là 12 tháng, HAG là 3 tháng).
Những hứa hẹn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài cần phải được xem xét cẩn trọng bởi kết quả cuối cùng là việc đầu tư có hiệu quả không, doanh nghiệp có thực sự nhận được tiền đầu tư không và cổ đông lớn đó sẽ mang lại điều gì cải thiện tình hình kinh doanh và quản trị của công ty đó.