Số liệu thống kê cho thấy, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 25.4%, giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 15-16%, tuy có chậm lại nhưng là một mức phấn đấu tương đối khả quan trong tình hình sức mua vẫn còn yếu. Trong bối cảnh ấy, dù, thị phần bán lẻ hiện đại của siêu thị và trung tâm thương mại so với tổng doanh số bán lẻ đã tăng đáng kể, đạt khoảng 20% nhưng so với các nước trong khu vực vẫn rất thấp (Thái Lan là 34%, Singapore 90%, Malaysia 60%) cho thấy dư địa phát triển của ngành bán lẻ còn rất lớn.
Vậy chúng ta phải làm gì để phát triển một nền công nghiệp bán lẻ hiện đại của Việt Nam trong tương lai? Theo dự thảo phương hướng phát triển kinh tế xã hội trình Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 2016-2020 ghi rõ “Phát triển đồng bộ hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ, chú trọng thương mại điện tử và xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối các Hiệp hội và cơ quan quản lý để phát triển mạnh thị trường trong và ngoài nước, chủ động tham gia mạng lưới phân phối toàn cầu”.
Để thực hiện định hướng trên, trước hết về phía Quốc Hội, Chính phủ, các Bộ ngành và các địa phương trong cả nước cần tạo môi trường kinh doanh thương mại minh bạch, công khai, bình đẳng và thông thoáng cho các DN kinh doanh bán lẻ trên thị trường. Tiếp tục xây dựng các bộ luật liên quan đến bán lẻ, bổ sung điều chỉnh các dự luật đã có cho phù hợp với tình hình mới như: Luật bán lẻ, Luật cạnh tranh, Luật chống độc quyền…
Thứ hai, có những chính sách phù hợp, không vi phạm các cam kết quốc tế để hỗ trợ các DN nội địa kinh doanh bán lẻ, hỗ trợ liên doanh liên kết giữa sản xuất và phân phối, giữa phân phối và phân phối, liên kết vùng.
Thứ ba, xây dựng và thực thi có hiệu quả các đề án , quy hoạch phát triển thị trường trong nước, trong đó có bán lẻ hiện đại từ nay đến 2020 và những năm tiếp theo.
Thứ tư, tổ chức sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn, chất lượng ổn định, đủ cung ứng cho thị trường bán lẻ nói chung và các siêu thị trong cả nước, bởi vì nếu không có một nền sản xuất mạnh mẽ thì không bao giờ có thể có một ngành công nghiệp bán lẻ phát triển vững chắc và đủ sức cạnh tranh được.
Thứ năm, Nhà nước cần đánh giá đúng vai trò của các Hiệp hội ngành nghề, ngành hàng trong giai đoạn hội nhập khu vực và quốc tế, tạo điều kiện cho các hiệp hội hoạt động một cách chủ động, hiệu quả, góp phần hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ở địa phương và Trung ương, gắn kết quả hoạt động cùa các Hiệp hội với kết quả sản xuất kinh doanh của các DN bán lẻ và các ngành nghề khác.
Thứ sáu, về DN cần tự thân khắc phục những điểm yếu bằng năng lực vốn có của mình, nhận thức một cách tự giác trong liên doanh liên kết hợp tác để cùng nhau phát triển. Chú trọng đào tào nguồn nhân lực, vận hành các siêu thị một cách chuyên nghiệp và có văn hóa, chấp nhận cạnh tranh và hợp tác, học tập những điểm mạnh của các DN FDI để tự hoàn thiện mình.
Ngành bán lẻ hiện đại Việt Nam có nhiều cơ hội song cũng có rất nhiều thách thức. Thậm chí thách thức nhiều hơn cơ hội và điều quan trọng là các DN có nắm bắt được cơ hội, khắc phục các điểm yếu để vượt qua thách thức hay không.