Mua vào thì giảm, không mua lại tăng
Còn nhớ vào giai đoạn cuối tháng 3 đầu tháng 4, VN Index cũng đã vượt 600 điểm, tiệm cận 610 điểm vài lần, thời điểm một số quỹ mở xuất hiện trên thị trường. TTCK khi đó cũng gây khó cho các quỹ mới bởi khả năng VN Index tăng tiếp và tăng mạnh hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng sau đó lại điều chỉnh mạnh và đến nửa sau tháng 5 mới bắt đầu phục hồi trở lại.Đến tháng 7, một số quỹ đã công bố kết quả hoạt động và điều dễ thấy là mức độ tăng trưởng tổng tài sản không như kỳ vọng. Theo đó, một số quỹ đã giải ngân tại ngưỡng 580 điểm hoặc 550 điểm vào đầu quý II, dẫn đến khi kết thúc quý lãi rất ít hoặc lỗ nhẹ. Điều này thật ra phù hợp, bởi nếu TTCK không có những biến động bất ngờ hồi đầu tháng 5 thì 550 điểm được xem là ngưỡng hỗ trợ rất mạnh.
Tính cho đến thời điểm này, có thể khẳng định TTCK đã có một năm 2014 thành công, còn tới mức nào tùy kỳ vọng của mỗi người và nhìn lại TTCK đã có 3 năm liền diễn biến tích cực như vậy. Với các quỹ đầu tư đang tìm kiếm cơ hội sinh lời, TTCK Việt Nam rõ ràng là một điểm đến hấp dẫn. |
Nhưng thị trường dù diễn biến tích cực trong dài hạn (điều này đã được dự báo và kỳ vọng nhiều lần), song trong ngắn hạn vẫn có những bất ngờ có thể khiến nhiều người “ngã lòng”. Về mặt hình ảnh, TTCK trong tháng 8 có nhiều diễn biến rất tích cực như vượt ngưỡng 600 điểm, 610 điểm rồi 630 điểm, nhưng khả năng sinh lời trên từng CP không đơn giản. VN Index tăng với sự đóng góp rất lớn từ những CP trụ cột như GAS, VNM, VIC… trong khi không ít CP mid cap và penny hoặc đứng giá hoặc giảm điểm. Còn trong từng nhóm, ngành CP bung mạnh, nhất là họ dầu khí.
Trong khi đó, nếu ai giải ngân vào nửa cuối tháng 5, vào khoảng ngay đáy 510 điểm, chỉ sau đó khoảng 1 tháng lợi nhuận thu về có thể lên đến 20-30%, thậm chí hơn. Tuy nhiên, đây là giai đoạn của sự ngờ vực, nên đối với nhiều NĐT thị trường vẫn còn rủi ro và kiên quyết không đầu tư. Nói tóm lại, trong giai đoạn từ cuối quý I cho đến hết quý II, một số NĐT cả cá nhân lẫn tổ chức rơi vào thế không mua không được, nhưng mua lại không may do TTCK điều chỉnh, đến khi thị trường phục hồi lại không dám mua do e ngại rủi ro.
Đã cao nay còn… cao hơn?
Từ đầu tháng 8 cho đến ngày 20-8, thị trường đã chứng kiến những phiên bán ròng “như phá mã” của khối ngoại, có thể xuất phát một số nguyên nhân như: Một quỹ đầu tư đến từ Pháp tiến hành thoái vốn tại một số công ty, quỹ ngoại để tham gia thị trường từ vài tháng trước nay đã lãi 20-30% tiến hành chốt lời; VN Index đã tiến đến ngưỡng 610 điểm, được xem là kháng cự mạnh của chỉ số này…
Song tình thế đảo ngược khi VN Index vượt ngưỡng 610 điểm vào ngày 21-8, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng tại HOSE với giá trị đạt hơn 77 tỷ đồng và cứ vậy tăng lên trong những phiên tiếp theo. Phiên 29-8, giá trị khối này mua ròng tại HOSE lên đến hơn 900 tỷ đồng, trong khi GTGD của sàn đạt hơn 3.700 tỷ đồng. Một giả thiết đặt ra ở đây phải chăng sau khi VN Index vượt ngưỡng 610 điểm, rồi 630 điểm, một chu kỳ tăng mới được thiết lập, khối ngoại sau khi bán ròng đã phải chuyển trạng thái mua ròng trở lại để không bị lỡ sóng?
Giả thiết này dù đúng hay sai nhưng có thể chắc chắn 2 điều, các NĐT, đặc biệt là các tổ chức đã cẩn trọng quá mức với TTCK trong thời gian qua hiện đang “khó xử” và vị thế của TTCK Việt Nam trong thời gian tới sẽ rất khác. Giải ngân vào thời điểm hiện nay có thể nói là rất “đau tim” khi giá của nhiều CP đã tăng từ 30-50% thậm chí hơn. Chưa kể, thanh khoản đang tăng cao kèm theo áp lực từ dòng tiền margin cực lớn khiến nguy cơ thị trường điều chỉnh luôn hiện hữu.
Nhưng không mua cũng không yên, nhất là với trường hợp của một số quỹ bởi sẽ vấp phải sự chất vấn của những người bỏ tiền vào quỹ. Điều này không phù hợp với nguyên tắc rủi ro thấp/cao thì lợi nhuận thấp/cao, nhưng trên cương vị những người quản lý quỹ cũng tạo ra những áp lực dù vô hình nhưng lại vô cùng nặng nề. Hoặc nếu không chịu áp lực này thì việc ngày ngày mở bảng điện, nhìn thị trường sôi động, CP có tăng giá cũng khó kìm lòng nổi.
Cơn “đau đầu” của các quỹ sẽ còn lan trên diện rộng hơn trong trường hợp TTCK vẫn giữ được những nét tích cực như hiện nay, có nghĩa là vẫn tăng tốt, thanh khoản cao và có nhiều hàng hóa thì cách nhìn của NĐTNN sẽ phải thay đổi hơn nữa. Hiện TTCK Việt Nam đang ở một ngưỡng lưng chừng giữa cận biên (frontier) và mới nổi (emerging) và vẫn còn những khuyết điểm như thanh khoản, vốn hóa chưa lớn, tính minh bạch giữa các doanh nghiệp niêm yết chưa đồng đều… Nhưng chỉ cần một ưu điểm vượt trội là có thể xóa bỏ những khuyết điểm trên đây, đó chính là khả năng sinh lời.
Và như đã nói ở trên, cho dù vẫn có những yếu điểm thì điều quan trọng nhất vẫn nằm ở khả năng sinh lời, nếu các quỹ vẫn chưa, hoặc giải ngân còn dè dặt vào thị trường Việt Nam, có thể áp lực từ các NĐT cũng sẽ nhiều hơn. Chẳng hạn “tại sao một TTCK đã tăng 3 năm liền lại không chịu giải ngân”…
Thế nên, TTCK Việt Nam càng tốt, áp lực giải ngân của các quỹ sẽ càng lớn, có lẽ các quỹ lường trước được điều này có thể tiến hành giải ngân trước, hoặc mạnh tay hơn. Trường hợp các quỹ vẫn chưa chịu giải ngân, đến một lúc nào đó dòng tiền tham gia sẽ còn ồ ạt, gấp gáp hơn. Trong trường hợp nào, TTCK Việt Nam cũng đang có một lợi thế rất lớn khi các NĐT đang ở vào thế phải mua, phải quan tâm, phải chú ý.