85% các hộ trồng rau phun thuốc tại Việt Nam đều dựa vào kinh nghiệm. Ảnh minh họa.
“Cánh đồng đẹp như tranh” - bà Tạ Thị Minh, chi cục trưởng chi cục bảo vệ thực vật Thái Bình tuyên bố trên sóng truyền hình quốc gia. Nhưng người nông dân phủ nhận tuyên bố mỹ học ấy: họ khẳng định năm nay cầm chắc mất mùa. Và họ không hiểu loại thuốc mà bà Minh chỉ đạo họ phun, có tác dụng gì với sâu bệnh.
Cách đây không lâu, khi Học viện nông nghiệp Việt Nam đưa ra kết quả điều tra, 85% các hộ trồng rau phun thuốc dựa vào kinh nghiệm, nhiều người đã quan ngại. Nhưng nay, phun thuốc dựa hoàn toàn vào “tư vấn” của chính quyền, cũng lại tạo ra quan ngại không kém.
Ai "cầm tay" nông dân?
Năm 2007, khi Louis Vuitton quyết định mở một nhà máy ở Pondicherry, Ấn Độ, rất nhiều người đã ngạc nhiên: trong suốt lịch sử của thương hiệu huyền thoại này, họ chưa bao giờ rời châu Âu, thậm chí rất ít xưởng khâu bên ngoài nước Pháp.
Một tiệm bán túi xách LV hàng "Replica" đặt ngay trước store chính hãng.
Lý do để Pondicherry được chọn, thoạt nhìn đơn giản là nơi đây sở hữu những thợ khâu đồ da nổi tiếng nhất Ấn Độ. Nhưng các nhà quan sát thì đặt ra một giả thiết khác cho động cơ quyết liệt của LV: bởi vì chính nơi này, sẽ là nơi những món hàng “fake” tinh xảo nhất được tạo ra, và LV muốn thuê chính những “thích khách” này làm việc cho mình. Tận dụng được tay nghề của họ, và giảm thiểu nguy cơ cho hãng. Ngoài mở nhà máy, LV thậm chí còn mua cổ phần trong công ty sản xuất đồ da lớn nhất địa phương. Công ty địa phương này cũng đầu tư sản xuất các mẫu đồ da sinh lợi lớn, nhưng mang chủ trương không nhái các hãng lớn, trong đó có LV.
Đó là câu chuyện mà ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch PAN Group, đang sở hữu nhiều công ty nông nghiệp lớn tại Việt Nam kể cho phóng viên nghe bên lề một sự kiện, khi được hỏi về những người nông dân.
Từ lâu, khi nói tới sản xuất nông sản Việt Nam, người ta đã truyền khẩu nhau về “luống rau để bán và luống rau để ăn” của người nông dân. Luống rau để bán thì sẽ phun thuốc bừa bãi, luống rau để nhà ăn thì trồng tự nhiên. Tác giả truyện tranh Thành Phong, trong một truyện của anh, từng xây dựng bi kịch của một đứa trẻ con nhà bán rau không bao giờ được mẹ cho ăn rau, và đứa trẻ con nhà bán thịt luôn thèm thịt rỏ dãi.
Những lo ngại đó không phải là không có căn cứ: theo nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, và gần một nửa phun gấp đôi so với khuyến cáo. Liên tục xuất hiện các vụ ngộ độc thực phẩm. “Rau sạch” trở thành một khái niệm huyền bí được mọi nhà phân phối sử dụng để bán hàng. Chính người nông dân đang gây tác động tiêu cực tới thị trường nông sản, và trên hết, tự gây hại cho bản thân mình.
Nhưng ai sẽ thay đổi nhận thức và hành vi của người nông dân? Câu trả lời của ông Hưng: những “Louis Vuitton” - các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp.
Quan điểm ấy được ủng hộ một phần bởi Rick Gilmore. Tiến sỹ Gilmore, Cố vấn đặc biệt của Nhà trắng trong vấn đề an ninh lương thự, giám đốc điều hành của Diễn đàn An ninh lương thực toàn cầu, đang có mặt tại Việt Nam trong một chuỗi các sự kiện liên quan đến nông nghiệp. Cuộc phỏng vấn riêng với vị học giả tốn khá nhiều thời gian để sắp xếp – nhưng thông điệp được đưa ra khá ngắn gọn: vị thế của nông sản Việt phụ thuộc vào nhận thức người nông dân.
Tiến sỹ Gilmore khẳng định rằng Việt Nam hoàn toàn có đủ tiềm năng để trở thành một nhân tố quan trọng trên thị trường nông sản toàn cầu. Và để đạt được mục tiêu đó, thì những nhà đầu tư như PAN Group hay Vingroup (cũng mới tham gia thị trường nông sản) dù có lớn đến mấy cũng không thể giải quyết được toàn bộ vấn đề. Nó phải song hành với nhận thức của nông dân. Những chiến dịch của họ sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho từng cá nhân người nông dân. Và chính nhận thức đó sẽ thay đổi cuộc chơi.
Khu vực nhà nước không thể gánh được toàn trọng trách này, tiến sỹ Gilmore khẳng định. Hãy quay trở lại với câu chuyện của bà chi cục trưởng chi cục bảo vệ Thái Bình. Trên sóng VTV, bà liên tục khẳng định rằng mình đã chỉ đạo nông dân phun những loại thuốc “tốt nhất”. Nhưng người nông dân trên địa bàn của bà Minh thì nói về “khả năng thiếu ăn” và “làm gì có gì mà thu”. VTV đặt ra câu hỏi: bà Minh đã bao nhiêu lần rời phòng để ra cánh đồng “đẹp như tranh” của mình?
“Chất lượng đồng nhất, một nhà cung cấp đáng tin cậy và an toàn thực phẩm” là 3 yếu cầu mà cố vấn an ninh lương thực của Nhà trắng Rick Gilmore vạch ra trước câu hỏi “Làm sao Việt Nam trở thành một thế lực trong thị trường nông sản toàn cầu?”.
Đó đều là những yêu cầu vô cùng khó khăn nếu để người nông dân tự quy hoạch nhỏ lẻ và cảm tính trên mảnh ruộng của riêng mình. Những “phong trào” nông sản liên tục xuất hiện và người nông dân liên tục chặt cây cũ trồng cây mới, để rồi khi giá giảm lại tiếp tục thay đổi. Chưa kể, nhiều “phong trào” rất đáng ngờ về tính khoa học và động cơ, có thể gây hại cho cả nền nông nghiệp trên diện rộng, như phong trào nuôi ốc bươu vàng cách đây nhiều năm.
Câu chuyện của NHK
Không phải công ty nào cũng mong muốn trở thành Louis Vuitton – hướng đến việc đưa ra thông điệp với người sản xuất. Khi Vingroup tung ra thị trường sản phẩm rau sạch hồi đầu tháng này, kèm theo hàng loạt các thông điệp về thị trường, nhiều nhà quan sát tỏ thái độ không hài lòng: những thông điệp của công ty này gần như vắng bóng “người nông dân”. Với nhiều từ khóa rất khêu gợi như “công nghệ Israel” hay “sức khỏe người dân Việt” và “vì thế hệ tương lai”, công ty này rất hạn chế nhắc tới nền tảng của nông nghiệp, là người sản xuất.
Thứ vắng bóng ở đây là điều mà tiến sỹ Rick Gilmore gọi là hoạt động “giới thiệu đến những người nuôi trồng các giá trị tốt về nông nghiệp” của những nhà đầu tư nông nghiệp. Trên thực tế, nhiều nhà kinh doanh hiện nay, trong các chiến dịch truyền thông, tập trung vào đối tượng khách hàng tiềm năng của họ là các cư dân thành thị, hay rộng hơn là người mua, chứ không nói đến người sản xuất.
Tuy nhiên, với các đặc thù của nông nghiệp, khi nông dân không chỉ là “người lao động” mà còn là “nhà sản xuất”, thì hoạt động truyền thông đóng một vai trò quan trọng.
NHK – kênh truyền hình công của Nhật, là một điển hình về việc “lôi kéo” người nông dân vào các hoạt động nông nghiệp mới. Đài này từ lâu đã được biết đến với chính sách “nâng tầm ẩm thực Nhật để khuyến khích tiêu thụ nông sản Nhật”. Một trong những chương trình nổi tiếng nhất của họ, là “Go, Kitchen, Go!” (Căn bếp lên đường!). Cũng là một chương trình nấu ăn cùng với những đầu bếp nổi tiếng, nhưng họ sẽ đi trên một căn bếp di động và đến khắp các làng quê để nấu nướng bằng những sản vật địa phương.
Trong các bản quy hoạch chính sách của Bộ Nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp Nhật, thì “khu vực nông thôn” luôn được nhắc đến là một đối tượng cần được quảng bá (nguyên văn:promote) và nâng tầm. Đất nước này không thiếu các nhà đầu tư lớn, nhưng họ ý thức được rằng sẽ không thể chỉ làm nông nghiệp bằng các khoản đầu tư, hay các mệnh lệnh hành chính từ những chuyên gia.
Điều tra doanh nghiệp do tổng cục thống kê năm 2011 chỉ ra rằng hiện chỉ có 955 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (không tính lâm nghiệp và thủy sản), hoạt động trên khoảng 0,5 triệu héc-ta, tức là chỉ chiếm khoảng 5% diện tích đất nông nghiệp. Thị trường vẫn sẽ bị chi phối bởi những hộ nông dân trong một thời gian dài nữa.
Và những doanh nghiệp lớn như PAN Group hay Vingroup sẽ vẫn tiếp tục phải “đơn thương độc mã” trong khoản đầu tư của mình, và nông sản Việt sẽ chưa thể có được 3 đòi hỏi mà tiến sỹ Rick Gilmore vạch ra, trừ khi họ thực thi được hoạt động “giới thiệu các giá trị nông nghiệp mới” đến nông dân.
Ông Nguyễn Duy Hưng gọi đó là việc “đổ xô nước lên một cái cây” và hy vọng nước sẽ “lan ra trên mặt đất”. Tuy nhiên, hoạt động để “nước lan” này không đơn giản. Bản thân LV, ví dụ của ông Hưng, cũng đã phải rút chân khỏi thị trường Ấn Độ 4 năm sau khi quyết tâm biến các nghệ nhân ở đây trở thành người làm việc cho mình.
Thị trường hàng fake của LV, đặc biệt là giày, xuất xứ từ Ấn Độ vẫn không ngừng tăng trưởng. Một chính sách tốt vẫn cần nhiều bên tham gia. “Chúng ta cần một cuộc đua” - ông Hưng nói, một cuộc đua giữa các doanh nghiệp xác lập giá trị mới và phần còn lại. “Lợi ích song hành” là cách diễn đạt của tiến sỹ Gilmore.
Cuộc đua có thể đang hình thành, ít nhất giữa các doanh nghiệp tư nhân lớn. Nhưng có một yếu tố mà chắc chắn là cố vấn an ninh lương thực của Nhà trắng cũng khó tính tới với kinh nghiệm làm việc ở thị trường Mỹ của mình. Đó là các doanh nghiệp nhà nước.
Báo cáo “Chính sách nông nghiệp Việt Nam” do OECD đưa ra gần đây, nói rằng các doanh nghiệp này “có quyền chi phối thị trường đáng kể”, và “không thực hiện đủ tốt vai trò của mình” trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu dẫn tới thực tế “Việt Nam đang phải chịu thiệt hại từ hàng hóa chất lượng thấp và giá rẻ ở thị trường xuất khẩu” cùng rất nhiều vấn đề khác.
Đó là một bài toán không dễ giải. Và “các giá trị nông nghiệp mới” của những doanh nghiệp như của ông Hưng, có thể sẽ phải mất nhiều thời gian để “song hành” với nông dân, khi mà mối quan hệ ở đây chưa phải là... song phương.