Ai gom cổ phần Eximbank?

Thị trường đang nóng lên với thông tin hàng loạt cá nhân nắm giữ 10% vốn cổ phần ứng cử vào HĐQT Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) để nắm quyền kiểm soát.

HĐQT Ngân hàng (NH) Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa thông báo đến cổ đông danh sách ứng cử thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020. Mặt khác, một cổ đông của Eximbank là Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) chào bán 2,07% vốn cổ phần NH này.

Chạy đua vào... HĐQT

Eximbank dự kiến số lượng thành viên được bầu vào HĐQT là 11 người. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các cổ đông chỉ mới đề cử 6 người.

Khách hàng giao dịch tại Eximbank

Đáng chú ý là có 2 ứng viên đến từ NH Nam Á (Nam A Bank): ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng Giám đốc Nam A Bank, có tỉ lệ cổ phần có biểu quyết đề cử 10,03%, trong đó tổ chức chiếm 8,4%; nguyên phó tổng giám đốc Nam A Bank Trần Ngọc Tâm (ông Tâm đã từ nhiệm vào ngày 24-3) có tỉ lệ cổ phần biểu quyết đề cử 10,39%, trong đó tổ chức chiếm 7,53%.

Các ứng viên khác là ông Naoki Nishizawa và ông Yasuhiro Saitoh, mỗi người đại diện hơn 10% vốn cho các tổ chức, trong đó có Sumitomo Mitsui Banking Corporation - một cổ đông chiến lược của Eximbank. Còn ông Phạm Hữu Phú, Tổng Giám đốc Eximbank, có tỉ lệ cổ phần biểu quyết đề cử 10,1%, trong đó cá nhân chiếm 8,1%. Riêng ứng cử viên Lê Minh Quốc là khá lạ lẫm đối với giới tài chính NH.

Tuy ông Quốc có tỉ lệ cổ phần biểu quyết đề cử 10,22% nhưng qua thẩm định của Eximbank, nhóm cổ đông đề cử cho ông chưa có xác nhận nắm giữ cổ phần liên tục 6 tháng. Mặt khác, trong biên bản của nhóm cổ đông này, cổ đông Ngô Thị Thu Thảo ghi 5 triệu cổ phiếu nhưng theo danh sách của Eximbank chỉ có 2 triệu cổ phiếu, thiếu 3 triệu cổ phiếu. Như vậy, tỉ lệ sở hữu của nhóm cổ đông do ông Quốc làm đại diện chỉ có 9,8%.

Theo quy định, HĐQT của Eximbank nhiệm kỳ 2010-2015 được phép đề cử thêm 5 ứng viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2015-2020. Do đó, nhiều khả năng các thành viên đương nhiệm HĐQT Eximbank sẽ đề cử chính mình để đại hội cổ đông diễn ra vào ngày 22-4 bầu chọn. Sau đó, các thành viên HĐQT sẽ bầu chủ tịch HĐQT Eximbank

"Ông chủ" giấu mặt

Theo giới đầu tư chứng khoán, gần đây, thị trường có hiện tượng thu gom cổ phiếu Eximbank. Một nhóm nhà đầu tư có quan hệ thân thiết với Nam A Bank đã thu gom 30% vốn điều lệ Eximbank theo hướng bên mua đặt cọc - bên bán đồng ý cho bên mua làm đại diện tỉ lệ cổ phần để ứng cử vào HĐQT. Các thủ tục chuyển nhượng cổ phần sẽ được hai bên tiến hành sau đại hội cổ đông năm 2015.

Nhiều người tính toán: Giả sử nhóm nhà đầu tư có quan hệ với Nam A Bank đã mua 30% vốn Eximbank thì họ phải bỏ ra ít nhất 4.000 tỉ đồng (tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần) bởi vốn điều lệ của Eximbank là 12.000 tỉ đồng. Thế nhưng, một số cán bộ ngành NH nhận định đứng sau nhóm nhà đầu tư mua cổ phần Eximbank là chủ một NH nhỏ - người hiện sở hữu 300 ha đất tại các tỉnh, thành miền Trung và nhiều bất động sản khác ở

TP HCM. Toàn bộ số tài sản này sẽ được thế chấp cho nhiều NH mới đủ tiền mua cổ phần Eximbank.

Nhiều ý kiến cho rằng sau khi nhóm nhà đầu tư trên hoàn tất quyền sở hữu vốn cổ phần, Eximbank và Nam A Bank gần như đồng chủ sở hữu. Vì thế, nếu đại hội cổ đông sắp tới, 2 ứng viên đến từ Nam A Bank là Trần Ngô Phúc Vũ và Trần Ngọc Tâm trúng cử thành viên HĐQT và một trong hai người này được giữ ghế chủ tịch HĐQT Eximbank là điều dễ hiểu.

Thực tế cho thấy SJC chào bán đấu giá 25,62 triệu cổ phiếu, tương đương 2% vốn cổ phần Eximbank, giá khởi điểm 14.000 đồng/cổ phiếu (ngày 24-3, SJC từng chào bán với giá 15.000 đồng cổ/phiếu song chưa có người mua). Trong khi đó, giá cổ phiếu Eximbank giao dịch trên sàn chứng khoán chỉ xoay quanh 13.000 đồng. Nếu tính theo mức giá này thì số cổ phiếu mà SJC chào bán có trị giá hơn 330 tỉ đồng.

Cuối tháng 1-2015, các nhà đầu tư đã chuyển nhượng 93 triệu cổ phiếu Eximbank, tương đương 7,5% vốn điều lệ, giá trị giao dịch lên tới 1.200 tỉ đồng. Trước đó, Quỹ VOF Investment Limited cũng bán 1,6 triệu cổ phiếu Eximbank, giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần từ 5% xuống 4,9% và không còn là cổ đông lớn.

Đề cập việc SJC bán đấu giá cổ phần Eximbank, một số nhà đầu tư cho biết: Trước đây, đại diện vốn góp của SJC tại Eximbank là ông Lê Hùng Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên SJC, đồng thời cũng là HĐQT Eximbank. Từ tháng 4-2014, ông Dũng thôi công tác tại SJC và không còn là người đại diện vốn cho công ty này.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán cho hay khi giao dịch cổ phiếu với số lượng lớn, phần lớn các nhà đầu tư thực hiện qua sàn theo phương thức thỏa thuận và trong vài ngày, bên mua phải thanh toán dứt điểm. Trường hợp không muốn công bố các thông tin liên quan thì bên mua và bên bán thường giao dịch thông qua đấu giá.

Dọn đường sáp nhập

Nhiều cổ đông Eximbank cho rằng tại đại hội cổ đông sắp tới, cơ cấu cổ đông, nhân sự cấp cao của Eximbank sẽ xuất hiện một số thành viên đến từ Nam A Bank. Trong khi đó, lãnh đạo Nam A Bank cho báo giới biết sẽ tái cơ cấu NH theo hướng sáp nhập NH khác.

Chủ một doanh nghiệp tại TP HCM cho biết đã nhập khẩu hàng ngàn bóng đèn loại đặc biệt để chuẩn bị thay thế toàn bộ hộp đèn Nam A Bank thành bảng hiệu, hộp đèn Eximbank. Còn một số cán bộ cốt cán của Eximbank thì cho hay Nam A Bank đã cử 5 cán bộ để thay thế một số nhân sự tại Eximbank. Các cán bộ này đã và tiếp tục từ nhiệm tại Nam A Bank, chuẩn bị chuyển công tác đến Eximbank.

Cắt dần sở hữu chéo

NH Mekong đã lặng lẽ về với NH Hàng hải và cả hai đang chờ NH Nhà nước chấp thuận sẽ chính thức công bố thông tin. Hiện một số lãnh đạo và hàng loạt nhân viên NH Mekong đã được điều động sang công tác tại NH Hàng hải. Một lãnh đạo của NH Mekong cho biết ông chủ NH Hàng hải là cổ đông nắm quyền chi phối tại NH Mekong nên hai NH sẽ là đồng chủ sở hữu. Vì thế, hai bên tiến hành sáp nhập hết sức thuận lợi, tỉ lệ chuyển đổi cổ phần là 1:1.

Trong khi đó, NH Nhà nước có chủ trương sáp nhập NH Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) vào NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). NH Phương Nam đang chờ NH Nhà nước phê duyệt sáp nhập Sacombank. Còn NH Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết sẽ sớm công bố kế hoạch sáp nhập NH Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vào VietinBank.

Qua làn sóng sáp nhập, cơ cấu cổ đông của các NH thay đổi lớn. Ví dụ, SaigonBank sáp nhập Vietcombank thì Vietcombank không còn nắm giữ cổ phần SaigonBank. Tương tự, khi NH Phương Nam sáp nhập Sacombank thì ông Trầm Bê, Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank và người liên quan cũng không còn nắm giữ cổ phần tại NH Phương Nam... Vấn đề sở hữu chéo NH từng bước được giải quyết. Thông tư 36 của NH Nhà nước với đích ngắm triệt tiêu sở hữu chéo bước đầu phát huy tác dụng.