Trong quyết định sáp nhập RFC của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/9 có nói rõ: công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) được kế thừa các nghĩa vụ, quyền và lợi ích từ Công ty TNHH MTV Tài chính Cao su Việt Nam đã xác lập và còn tồn tại để tiếp tục xử lý thu hồi nợ và trả nợ. Ngoài ra, không thực hiện mới các chức năng liên quan đến hoạt động tín dụng như huy động vốn, cho vay và không nhận tiền gửi, thanh toán.
Thời hạn để công ty mẹ - VRG thực hiện trả nợ và thu hồi nợ sẽ chấm đứt khi hoàn tất việc xử lý theo phương án sáp nhập đã phê duyệt. Công việc sáp nhập phải hoàn thành trước ngày 31/12/2015.
Nợ khó nuốt
Như vậy, mấu chốt RFC sáp nhập công mẹ Tập đoàn là để giải quyết nợ. Nói trắng ra, chuyện nợ xấu, thua lỗ của Công ty Tài chính Cao su đã râm ran từ khá lâu. Đến nỗi tháng 11/2014, Tập đoàn Cao su đã gửi văn bản đề nghị Chính phủ cho sáp nhập công ty này và dùng vốn của tập đoàn để xử lý.
Theo tài liệu của Thanh tra Chính phủ cuối năm 2014, thời điểm trước, RFC đã làm ăn thua lỗ lên tới 1.775 tỷ đồng. Nguyên nhân là do công ty cho vay đến 1.900 tỷ đồng với con nợ chủ yếu là các công ty thành viên VRG, công ty bất động sản, chứng khoán, cho thuê tài chính… Điều này dẫn đến nợ xấu 1.625 tỷ đồng.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ lúc đó, hoạt động tín dụng của RFC có nhiều vi phạm, từ thẩm định năng lực pháp lý, đến năng lực hoạt động và uy tín của doanh nghiệp xin vay vốn.
Hơn nữa, RFC cũng không đánh giá đúng phương án sản xuất kinh doanh, thẩm định tài sản bảo đảm nợ vay không có quy trình chặt chẽ, theo dõi, giám sát sử dụng vốn vay không tuân thủ đầy đủ thủ tục quy định.
Do đó, phía sau câu chuyện sáp nhập RFC vào công ty mẹ - Tập đoàn Cao su vẫn để ngỏ nhiều khúc mắc cần giải quyết. Điều dư luận băn khoăn là Tập đoàn Cao su sẽ thực hiện quyền và nghĩa vụ trả nợ và thu hồi nợ của RFC như thế nào?
Thu hồi nợ xấu không phải chuyện đơn giản vì đa phần con nợ là các đơn vị thành viên của tập đoàn này vốn đang làm ăn phập phù, lẽ nào chính bản thân Tập đoàn sẽ trả nợ thay.
Một con nợ chính của RFC là công ty cho thuê tài chính 2 (ALCII) đến giờ chưa gượng dậy nổi sau đại án tham nhũng. Còn con nợ là một số công ty chứng khoán, bất động sản thì vừa trải qua khủng hoảng, khó mà trả nợ ngay.
Với chuyện trả nợ, giới chuyên gia nhận định rằng khi RFC sáp nhập thì có lợi thế là các chủ nợ sẽ được công ty mẹ - Tập đoàn Cao su - đứng ra trả nợ. Có nghĩa là khoản lỗ của RFC sẽ được lấy vốn của công ty mẹ Tập đoàn, thực chất là lấy tiền Nhà nước trong tập đoàn để xử lý. Mà như thế thì chẳng hay ho gì.
Trước đây, khi nhận định về đề nghị sáp nhập RFC vào công ty mẹ Tập đoàn Cao su, ông Bùi Văn Dũng, Trưởng Ban nghiên cứu cải cách phát triển doanh nghiệp Viện
Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, có lưu ý cần xem kỹ giữa việc cho phá sản RFC và việc sáp nhập. Vì RFC là mô hình công ty TNHH một thành viên, chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm trên vốn góp của mình (1.088 tỷ đồng). Trong khi tổng tài sản của doanh nghiệp cũng vẫn còn trên 1.630 tỷ đồng. Ngoài ra, những khoản nợ xấu khó đòi đều có tài sản đảm bảo thì có thể tính toán cho phá sản.
Theo ông Bùi Văn Dũng, nếu Tập đoàn Cao su nhận sáp nhập công ty tài chính và gánh nợ, có ai được lợi khi đối tượng RFC cần phải trả nợ phần lớn lại chính là… Tập đoàn Cao su và các công ty thành viên (chiếm tới 1.400 tỷ đồng trong tổng số nợ trên 1.900 tỷ đồng)?
Tập đoàn có gánh lỗ?
Nhân đây, cũng phải nói ngay bản thân Tập đoàn Cao su và các đơn vị thành viên còn hoạt động chưa ổn, khi hồi cuối năm 2014, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều khuyết điểm, vi phạm về quản lý, sử dụng vốn và tài sản trong giai đoạn 2006 - 2011. Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu xử lý về kinh tế số tiền sai phạm của VRG hơn 8.366 tỷ đồng.
Những sai phạm của VRG thời điểm đó mang tính hệ thống, từ tăng vốn điều lệ, quản lý đầu tư tài chính dài hạn trong và ngoài ngành nghề kinh doanh chính, quản lý doanh thu, chi phí, quản lý đầu tư xây dựng và đất đai, cũng đều phát hiện có sai phạm.
Không những vậy, hoạt động đầu tư ngoài ngành của VRG thời gian trước kia đã có những sai phạm nghiêm trọng dẫn đến mất vốn giá trị lớn, nhất là ở RFC và một số đơn vị thành viên như: CTCP Thương mại Dịch vụ và Du lịch cao su, CTCP Công nghiệp và Xuất nhập khẩu công nghiệp cao su…
Thế nhưng đến giờ, những sai phạm của RFC hay VRG vẫn chưa được xử lý thật sự rốt ráo. Không thể nói những thua lỗ, nợ xấu ở RFC hoàn toàn là lý do khách quan mà không có liên đới trách nhiệm của lãnh đạo RFC, VRG ở đây.
Liệu Công ty mẹ - Tập đoàn Cao su có thêm gánh nặng khi sáp nhập Công ty Tài chính cao su?
Nhớ lại trong văn bản của lãnh đạo Tập đoàn Cao su gửi Chính phủ xin sáp nhập RFC hồi tháng 11/2014 có nhắc đến một trong những nguyên nhân thua lỗ của RFC là "công ty còn non trẻ nhưng chưa có được sự hỗ trợ, cảnh báo kịp thời của các cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra, kiểm tra với công ty".
Phải chăng có sự né tránh trách nhiệm ở đây, khi đổ lỗi một cách đơn giản như vậy?
Vào tháng 8/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản báo cáo kết quả xử lý sau thanh tra về quản lý, sử dụng vốn tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng như việc xử lý các cá nhân trong quyết định tăng vốn điều lệ của Tập đoàn và các đơn vị thành viên khi chưa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Tuy nhiên, báo cáo kiểm điểm này vẫn chưa thuyết phục dư luận khi mới chỉ là "nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm". Bên cạnh chuyện sáp nhập RFC hay những sai phạm trước kia của Tập đoàn Cao su thì chuyện cổ phần hóa VRG cũng khá đáng lo.
Về thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tính đến Quý II/2015, VRG đã thu về được 1.188 tỷ đồng. Tập đoàn vẫn đang gặp khó khi thoái vốn tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy lợi, đầu tư khu công nghiệp và thủy điện với tổng vốn khoảng 700 tỷ đồng.
Hồi giữa tháng 8/2015, trong buổi làm việc với VRG, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu Tập đoàn này dứt khoát phải xác định xong giá trị doanh nghiệp trong quý III và hoàn thành cổ phần hóa trong năm nay.
Nhìn vào những vấn đề còn tồn tại ở Tập đoàn Cao su, có thể thấy nếu không sớm được xử lý chặt chẽ, rạch ròi, minh bạch thì khi triển khai sáp nhập RFC cùng những khoản nợ "khó nuốt" sẽ chỉ như thêm một gánh nặng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Ts Phạm Thế Anh - Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội ------------------------------- Việc Tập đoàn Cao su sáp nhập công ty con vào mình, về bản chất là lấy tiền Nhà nước trong tập đoàn để đi xử lý khoản nợ do làm ăn bết bát của công ty con. |