Các doanh nghiệp cao su đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2015. Trong khi các doanh nghiệp cao su săm lốp lợi nhuận tăng trưởng nhẹ thì các doanh nghiệp cao su thiên nhiên gặp nhiều khó khăn khi giá cao su liên tục giảm.
Cao su săm lốp
Quý 3/2015, tổng doanh thu 3 doanh nghiệp cao su săm lốp, là Cao su Miền Nam (CSM); Cao su Đà Nẵng (DRC) và Cao su Sao Vàng (SRC) đạt 1.883,7 tỷ đồng tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu CSM tăng trưởng chậm lại với mức tăng 4% còn doanh thu DRC và SRC biến động không đáng kể so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, 3 doanh nghiệp này đạt 5.972 tỷ đồng tổng doanh thu tăng trưởng 12% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ kết quả tăng trưởng của CSM trong quý 2/2015.
Về lợi nhuận, quý 3/2015 trong khi SRC, DRC đạt mức tăng trưởng lần lượt 10,8% và 31,4% so với cùng kỳ thì CSM lại sụt giảm 32,6% do doanh nghiệp này đã bắt đầu tính khấu hao sản phẩm Xí nghiệp lốp Radial toàn thép. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận CSM cũng thấp hơn so với cùng kỳ, DRC tăng gần 16% trong khi SRC tăng thêm được 5%.
Trong bối cảnh giá bán mủ cao su giảm từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp ngành săm lốp được nhận định hưởng lợi từ việc giảm giá này. Tuy nhiên có thể thấy doanh thu và lợi nhuận của những doanh nghiệp này chưa hẳn như kỳ vọng bởi hiện thị trường săm lốp đang bão hòa, cạnh tranh gay gắt, đến nay, những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới về săm lốp như: Bridgestone, Michelin, Yokohama, Cheng Shin, Kumho Tire... đều đã hiện diện tại Việt Nam. Mới đây nhất, vào cuối tháng 9, Kenda - nhà đầu tư đến từ Đài Loan đã nhận giấy phép đầu tư nhà máy sản xuất vỏ, ruột xe thứ 2 tại Việt Nam, với vốn đầu tư 160 triệu USD.
Sự "đổ bộ" ồ ạt của những thương hiệu săm lốp lớn do Việt Nam có nguồn cao su nguyên liệu dồi dào, giá lao động rẻ. Hơn nữa, thuế xuất khẩu săm lốp của Việt Nam chỉ 0%, trong khi Trung Quốc là 8%. Đáng chú ý, thị trường ôtô trong nước tăng trưởng cao đã tạo thuận lợi cho tiêu thụ lốp xe. Thực tế trên rõ ràng tạo sức ép không nhỏ đối với DN trong nước. Sức ép này thậm chí còn lớn hơn khi tới đây, thuế đối với sản phẩm cao su được giảm theo một số cam kết WTO, AFTA…
Cao su thiên nhiên
Trong khi giá cao su giảm là lợi thế đối với các doanh nghiệp săm lốp thì các doanh nghiệp cao su thiên nhiên lại gặp bất lợi trước diễn biến này. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2015, với khoảng 740.000 tấn cao su xuất khẩu, ngành cao su VN bị mất hơn 40.000 tỉ đồng nếu so với giá bình quân cùng thời điểm vào năm 2011.
Nguồn: Tuổi trẻ
Trên sàn niêm yết, trong số 5 doanh nghiệp cao su tự nhiên, 4/5 doanh nghiệp đã công bố KQKD sụt giảm so với cùng kỳ do biến động giảm của giá cao su, chỉ có Cao su Thống Nhất (TNC) công bố KQKD tăng trưởng so với cùng kỳ với mức lãi ròng quý 3/2015 đạt 7,6 tỷ đồng, tăng trưởng gấp 9,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, lãi trước thuế của TNC đạt 19 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ và cao gấp nhiều lần kế hoạch 3.8 tỷ đồng. Tuy nhiên kết quả ấn tượng này lại đến từ hoạt động thanh lý cây cao su, hoạt động kinh doanh chính lỗ gộp gần 1 tỷ đồng, TNC đã đặt kế hoạch lỗ 2,5 tỷ đồng trong quý 4.
Hai doanh nghiệp cao su luôn dẫn đầu về doanh thu và lợi nhuận của ngành là Cao su Phước Hòa (PHR) và Cao su Đồng Phú (PHR) tiếp tục cho thấy bức tranh u ám của ngành cao su tự nhiên khi cả doanh thu và lợi nhuận trong kỳ tiếp tục giảm sâu. Công ty mẹ PHR chỉ báo lãi ròng 11,6 tỷ đồng trong quý 3, lũy kế 9 tháng LNST đạt 72,4 tỷ đồng lần lượt giảm tới 71% và 50% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi đó riêng quý 3 công ty mẹ DPR chỉ thực hiện được 29 tỷ đồng lãi ròng, giảm 61% so với cùng kỳ năm trước. lũy kế 9 tháng đầu năm, lãi sau thuế 125 tỷ đồng, giảm 16%. Ngoài ra Cao su Hòa Bình (HRC) cũng chỉ lãi ròng 1,67 tỷ đồng trong quý 3 và là doanh nghiệp có mức lãi sụt giảm mạnh nhất - giảm 73% so với cùng kỳ. Hiện Cao su Tây Ninh vẫn chưa công bố chi tiết BCTC quý 3/2015 nhưng đã công bố những con số sơ bộ. Theo đó lợi nhuận quý 3 của công ty đạt 12,8 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 30,9 tỷ đồng tương đương với 77,2% kế hoạch. Tuy tỷ lệ đạt kế hoạch lợi nhuận cao nhưng lợi nhuận quý 3 và lũy kế 9 tháng của công ty lại giảm lần lượt 57,1% và 68,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Được biết, các doanh nghiệp cao su đã đặt kế hoạch khá khiêm tốn cho năm tài chính 2015 nên việc hoàn thành với tỷ lệ khá cao kế hoạch trong 9 tháng đầu năm cũng không thu hút được nhiều sự chú ý. Hiện doanh nghiệp cao su tự nhiên đang rơi vào vòng xoáy giá giảm, chi phí tăng, lao động nghỉ việc. Trước đó, CTCK HVS Vietnam đánh giá, với sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc và gia tăng về diện tích cạo mủ của các nước thuộc ANRPC (chiếm 92,3% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu) thì giá cao su tự nhiên còn sẽ khó tăng mạnh trước năm 2020.
Trang Trần
Theo InfoNet/HSX