62,2% thu nhập dùng trả nợ công

Người Việt thu nhập bình quân bằng 1/5 của Malaysia nhưng số nợ công phải gánh lên đến hơn 62% thu nhập, trong khi tỉ lệ này của người dân Malaysia chỉ 52%.

Tiệm cận ngưỡng cho phép

Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính ngân sách, các chỉ số về nợ công tiềm ẩn nguy cơ tiệm cận hoặc vượt ngưỡng cho phép, đồng thời tỉ lệ nghĩa vụ trả nợ trên tổng thu ngân sách cũng đã vượt ngưỡng 25%, lên khoảng 27,4% năm 2015. Vay đảo nợ tăng nhanh với khối lượng lớn trong nhiều năm, năm sau cao hơn năm trước, thể hiện cơ cấu, kỳ hạn vay bất hợp lý, hiệu quả sử dụng vốn vay thấp, không thu hồi được nguồn để trả nợ.

62,2% thu nhập dùng trả nợ công - 1

Nhiều công trình hạ tầng được xây dựng từ vốn vay nước ngoài Ảnh: TẤN THẠNH

TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam đang trong tình trạng chưa giàu nhưng dân số đã già. Từ năm 2015, Việt Nam bắt đầu bước sang giai đoạn dân số già, mức thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt xấp xỉ 2.110 USD nhưng mỗi người dân đã phải gánh hơn 1.300 USD nợ công, tương đương 62,2% thu nhập. Trong khi đó, rất nhiều nước có thu nhập cao hơn nhiều so với Việt Nam như Brunei, Malaysia, Indonesia, Philippines… nhưng lại có cơ cấu dân số trẻ hơn Việt Nam. Còn các nước như Ấn Độ, Campuchia, Lào có thu nhập thấp hơn Việt Nam nhưng dân số cũng trẻ hơn và không phải gánh nợ công quá nhiều như người dân Việt Nam. Ở “độ tuổi” của Việt Nam, lẽ ra đã phải đạt thu nhập tương đương Malaysia là khoảng 10.000 USD người/năm. Tuy nhiên, Việt Nam mới đạt mức thu nhập bằng 1/5 của Malaysia nhưng số nợ công phải gánh lên đến hơn 62% thu nhập trong khi số nợ công mà người dân Malaysia phải gánh chỉ 52%.

Siết chặt kỷ luật ngân sách

Để cắt giảm bội chi ngân sách và kiểm soát gia tăng nợ công quá mức, có nguy cơ vượt trần cho phép vào cuối năm nay, Chính phủ đã có những giải pháp mạnh mẽ, trong đó có việc ban hành chủ trương chấm dứt thời kỳ cấp phát vốn ODA, chuyển sang vay thương mại và siết chặt kỷ luật ngân sách thông qua việc thực hiện Luật Ngân sách nhà nước.

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết trong 10 năm trở lại đây, tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết vào khoảng 45 tỉ USD. Trong đó, 1/3 chia cho ngân sách trung ương để cấp phát cho các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương; 1/3 dành cho các chương trình, dự án của địa phương và 1/3 để cho vay lại các dự án trọng điểm của nhà nước. Trong tổng số vốn dành cho chương trình, dự án của địa phương, tỉ trọng vốn cấp phát chiếm 92,2% (khoảng 13,83 tỉ USD), cho vay lại chỉ chiếm 7,8% (khoảng 1,17 tỉ USD). Việc duy trì cơ chế mang tính bao cấp từ trung ương trong thời gian dài đã tạo ra tâm lý ỷ lại, trông chờ vào nhà nước, chưa thực sự khuyến khích các chủ đầu tư sử dụng vốn ODA tiết kiệm và hiệu quả. Nhằm tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg, trong đó có nội dung tăng cường cho vay lại và cho vay chịu rủi ro tín dụng thông qua cơ quan cho vay lại đối với nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Theo đó, nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch, tăng dần tỉ lệ cho vay lại, giảm dần cấp phát đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại. Đối với cho vay lại, Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế cho vay lại qua tổ chức tín dụng và ban hành nghị định về cho vay lại.

Theo ông Long, cơ quan này cũng đang chuẩn bị điều kiện cần thiết để sửa Luật Quản lý nợ công trình Quốc hội trong năm 2017.

Giảm bội chi

Về kỷ luật ngân sách, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), nhìn nhận cân đối thu chi ngân sách năm 2017 thực sự căng thẳng vì thời gian tới không thể để bội chi tăng cao. Theo Nghị quyết Quốc hội, bội chi không được quá 4% GDP. Tuy nhiên, do nợ công đã tiến sát mức trần 65% GDP nên trong dự toán ngân sách năm 2017 trình Quốc hội, Chính phủ điểu chỉnh giảm bội chi ở mức 3,5% GDP để giữ nợ công trong giới hạn cho phép.