600 DN nợ thuế chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm"

"Có vẻ như ngoài 600 doanh nghiệp đang nợ thuế “khủng” này, vẫn còn hàng trăm doanh nghiệp khác cũng trong tình trạng nợ thuế với số tiền ít hơn. 600 doanh nghiệp bị nêu tên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm nợ thuế, chây ỳ thuế", Bộ Tài chính cho biết.

Đau đầu với khoản nợ thuế “khủng”

Đứng đầu trong bảng danh sách nợ thuế là Công ty CP Sông Đà - Thăng Long (Hà Nội) với con số nợ lên tới 375 tỷ đồng. Cty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết ở Sóc Trăng nợ 184 tỷ đồng,Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ (Hà Nội) nợ 133 tỷ đồng, Công ty Công nghiệp dân dụng Delta (Hà Nội) nợ hơn 100 tỷ tiền thuế.

 600 DN nợ thuế chỉ là

Một dự án thi công dang dở của Công ty Sông Đà - Thăng Long tại quận Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: Nhân Dân

Trong bản danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế “khủng” với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng vừa được Bộ Tài chính công khai danh tính thì hai đầu tàu kinh tế lớn là TP.HCM và Hà Nội nợ NSNN số tiền thuế lần lượt là 3.517 tỷ đồng và 4.672 tỷ đồng.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, các ông lớn nợ thuế được chỉ ra gồm Bất động sản Tiến Phước nợ thuế 57 tỷ đồng); Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn nợ thuế 50 tỷ đồng; Địa ốc Hồng Quang nợ thuế 38 tỷ đồng; Địa ốc Hoàng Quân nợ thuế 8 tỷ đồng...

Bộ Tài chính cho biết mặc dù cơ quan thuế đã dùng nhiều biện pháp đôn đốc, nhắc nhở, phạt vi phạm hành chính, chậm nộp nhưng đây là những đơn vị kiên trì “chây ỳ” nên việc thu thuế vẫn chưa thực hiện. Và có vẻ như ngoài 600 doanh nghiệp đang nợ thuế “khủng” này, vẫn còn hàng trăm doanh nghiệp khác cũng trong tình trạng nợ thuế với số tiền ít hơn. 600 doanh nghiệp bị nêu tên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm nợ thuế, chây ỳ thuế.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết thời gian qua Bộ cũng có nhiều giải pháp cụ thể như yêu cầu các Cục thuế địa phương trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại ngân hàng thương mại; yêu cầu phong tỏa tài khoản hoặc biện pháp thông báo hóa đơn của doanh nghiệp không còn giá trị sử dụng ...tuy nhiên kết quả vẫn như “ném đá ao bèo”. Mới đây nhất, Bộ  cũng yêu cầu các Cục trưởng Cục Thuế ở địa phương tổ chức thực hiện việc cưỡng chế nợ thuế và có văn bản báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trước ngày 30.7.2015. 

Ông Thái Dũng Tiến - Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương, các ngành liên quan kiểm tra, đánh giá thực lực tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu phát hiện doanh nghiệp có đủ điều kiện nộp thuế mà chây ỳ, Cục Thuế Hà Nội sẽ tiến hành cưỡng chế tài khoản, sau đó đình chỉ hóa đơn. Thậm chí, nếu doanh nghiệp tiếp tục không nộp thuế, đơn vị sẽ có biện pháp mạnh hơn.

Muốn thu thuế phải quyết liệt

Trao đổi với , một chuyên gia kinh tế lý giải: Do tình hình kinh tế vẫn trong trạng thái khó khăn, hàng tồn kho nhiều,... nên đã đẩy các doanh  nghiệp  lâm vào tình trạng kinh doanh thua lỗ, dẫn đến không có nguồn để nộp thuế. Giải pháp tích cực để thực hiện với việc thu nợ, thu ngân sách là những tháng cuối năm ngành thuế sẽ phải vào cuộc riết ráo.

“Như năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho  biết thu ngân sách quốc gia hụt khi các địa phương báo cáo lên chỉ thu ngân sách được 50-60% dự toán do doanh nghiệp  phá sản, đóng cửa , làm ăn không có lãi nên không có nguồn nộp thuế. Nhưng đến phút 89, ngân sách đã vượt thu do thu được nợ đọng thuế”, vị chuyên gia này cho biết..

Đưa ra giải pháp cho bài toán khó thu  hồi tiền nợ thuế của các doanh nghiệp “đại gia”,chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Lỗi  một phần do lâu nay các cơ quan thuế thường không quyết liệt trong việc truy thu thuế nên tạo ra tiền lệ cho việc chây ỳ.

“Kinh nghiệm ở bên Mỹ các doanh nghiệp nợ thuế thường bị đóng băng tài khoản, hoặc  áp quyền vào tài sản cố định của công ty khiến họ không thể bán được tài sản nên các doanh nghiệp rất ngại phải nợ đọng  thuế. Tuy nhiên, ở Việt Nam không dễ để thực hiện những biện pháp này do hệ thống pháp luật còn chưa chặt chẽ”, ông Hiếu cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu: “Để đảm bảo không gây thất thu thuế cho NSNN cần phải thực hiện nghiêm theo từng cấp độ như cho phép gia hạn, tính lãi nếu quá hạn và phối hợp với cơ quan tư pháp để phong tỏa tài khoản và tài sản của doanh  nghiệp”.