Quy mô phải thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có phần giảm bớt từ việc Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc một số ngân hàng thương mại với giá 0 đồng thời gian gần đây.
Theo kế hoạch thực hiện năm 2014-2015, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải thực hiện thoái trên 25.000 tỷ đồng vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, ngân hàng tài chính, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư), theo đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, tính lũy kế năm 2014 và 8 tháng 2015 (tính đến 19/8), các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mới chỉ thoái được hơn 8.000 tỷ đồng.
Như vậy, số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực trên cần phải thoái tiếp đến cuối năm 2015 là hơn 17.000 tỷ đồng, trong khoảng thời gian còn lại là 4 tháng.
Phát biểu trên cổng thông tin Bộ Tài chính về việc thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, ông Trần Văn Hiền, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, cho rằng tiến độ thoái vốn nói trên chưa đáp ứng được yêu cầu của đề án tái cơ cấu, và điều này là do ba nguyên nhân chính.
Thứ nhất, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới ảnh hưởng đến kinh tế trong nước trong đó có thị trường tài chính, thị trường chứng khoán làm nhu cầu sụt giảm, sức mua thấp trong khi số lượng cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước phải cổ phần hóa và thoái vốn nhiều dẫn đến cung vượt cầu.
Thứ hai, từ năm 2011-2013, khi bắt đầu thực hiện đề án tái cơ cấu thì còn một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn.
Thứ ba, nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp về chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp tuy đã có chuyển biến nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội, còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa, thoái vốn.
Ngày 7/9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 62 về phiên họp thường kỳ tháng 8/2015, trong đó cũng nhấn mạnh yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, rà soát, phân loại và lập phương án tổng thể thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng.
Bộ Tài chính phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả việc triển khai chỉ đạo trên ngay trong tháng 9/2015.