3 doanh nghiệp Nhật liên tiếp thú tội về hành vi gian dối

Nhật Bản luôn tự hào là một đất nước giữ phép tắc và trật tự. Tuy nhiên gần đây, hàng loạt vụ bê bối xảy ra và đã có 3 doanh nghiệp đứng ra thú tội về hành vi gian dối.

Chỉ trong vòng 24h vào tuần trước, đã có 3 doanh nghiệp Nhật Bản liên tiếp thú tội về hành vi gian dối nội bộ. 

Đầu tiên, tập đoàn Toyo Tire & Rubber cho biết một cuộc điều tra thăm dò nội bộ cho thấy một bộ phận trong công ty thao túng dữ liệu kiểm tra chất lượng các sản phẩm cao su cung cấp cho 18 khách hàng trong suốt 1 thập kỷ qua.

 3 doanh nghiệp Nhật liên tiếp thú tội về hành vi gian dối - 1

Ảnh: Bloomberg

Tiếp theo, Asahi Kasei đã lên tiếng thừa nhận một trong những đơn vị của họ đã làm sai lệch dữ liệu cho cọc móng trong nhà chung cư, sau khi một tòa nhà đã bị nghiêng.

Cuối cùng, Matsumotokiyoshi Holdings, một chuỗi nhà thuốc của Nhật Bản, cho biết họ phát hiện những vi phạm kế toán có khả năng và đang điều tra Giám đốc một bộ phận bị tình nghi thổi phồng hàng tồn kho nhằm che giấu những khoản thua lỗ.

Những lời thú nhận này diễn ra trong bối cảnh Tập đoàn Toshiba thừa nhận thổi phồng lợi nhuận trong gần 7 năm. Bên cạnh đó, Takata lên tiếng thừa nhận đã cung cấp túi khí bị lỗi và đã dẫn tới việc thu hồi hơn 40 triệu chiếc xe.

Sự "bùng nổ" đột ngột của những lời thú tội đã dấy lên câu hỏi: Vấn đề gì đang xảy ra với Nhật Bản ? Hay liệu rằng vẫn còn nhiều vụ bê bối khác đang diễn ra ?

Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, Nhật Bản cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ các nhà đầu tư toàn cầu và ép buộc các công ty phải cải thiện quản trị doanh nghiệp với những thành viên minh bạch và độc lập.

Những lời thừa nhận về hành vi sai trái đã đặt ra một cuộc tranh luận ở Nhật Bản. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một tín hiệu tích cực khi các công ty dám thú nhận lỗi lầm trước công đồng. Nhiều ý kiến khác cho rằng các công ty đang cố tình thực hiện các vấn đề sai trái.

Nicholas Benes, Giám đốc đại diện Học viện Đào tạo hội đồng quản trị Nhật Bản đã chỉ trích Toshiba sau khi công ty này tuyên bố phát hiện 30 quan chức công ty có dính líu đến vụ bê bối kế toán nhưng không một ai trong số này bị mất việc. 

Theo ông Benes, Toshiba đang chứng tỏ “sự dung tha 100%” đối với những hành vi sai trái, và điều này đối lập với chính sách “không dung tha” ở những công ty được quản lý tốt nhất thế giới.

"Chúng tôi nghiêm túc xem xét ý kiến của người dân và sẽ nỗ lực khôi phục lại danh tiếng", ông Benes cho biết thêm.

Toshiba cho biết, các Giám đốc điều hành đã bị trừng phạt mà không tiết lộ bất kỳ chi tiết cụ thể nào. Chủ tịch Hisao Tanaka, Phó Chủ tịch Norio Sasaki và cố vấn Atsutoshi Nishida đã từ chức vào tháng 7 vừa qua để chịu trách nhiệm về vụ bê bối kế toán lớn nhất của Nhật Bản kể từ năm 2011.

Một ví dụ khác mà những người có quan điểm bi quan đưa ra là Toyo Tire. Đây là lần thứ hai trong năm nay công ty này tuyên bố phát hiện dữ liệu giả mạo. 

Giám đốc điều hành và chủ tịch hội đồng quản trị trước đó của Toyo đã tuyên bố từ chức vào hồi tháng 6 năm nay, vài tháng sau khi công ty thừa nhận đã bán linh kiện chống động đất không đủ tiêu chuẩn cho các tòa nhà.

Ngoài ra, trong năm 2007, Toyo Tire đã thừa nhận làm sai lệch dữ liệu chống cháy. Sau đó, công ty đã thành lập một trung tâm đảm bảo chất lượng năm đó để đảm bảo những vấn đề như vậy không được lặp lại.

Nhật Bản được xếp hạng số 1 thế giới về chất lượng nhà cung cấp, theo một báo cáo từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2014-2015.

Tuy nhiên, những người có quan điểm lạc quan lại cho rằng, nỗ lực của Thủ tướng Abe trong việc cải thiện quản trị doanh nghiệp đang phản ánh sự tiến bộ. Trong tháng 6 vừa qua, một bộ luật mới bắt đầu được thực thi, yêu cầu các công ty Nhật phải đáp ứng các tiêu chuẩn mà Chính phủ đề ra hoặc giải thích tại sao họ thất bại.

"Giờ đây, nhiều vấn đề đang được hé mở và được thảo luận công khai, cho thấy một dấu hiệu lành mạnh của quá trình thanh lọc. Thực tế chỉ ra rằng, những thay đổi trong quản trị doanh nghiệp là thật, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình đang được thực hiện rất nghiêm túc", Jesper Koll, Giám đốc điều hành của WisdomTree Japan, nhận định.

Áp lực về việc thú nhận các hành vi sai trái của các doanh nghiệp Nhật sẽ gia tăng khi Thủ tướng Abe và những tổ chức như Hội đồng Thương mại Mỹ tại Nhật gây sức ép lớn hơn về tuân thủ các tiêu chuẩn.

Một số ý kiến cho rằng, những vấn đề về văn hóa mà Nhật Bản đang phải đối mặt sẽ khiến cho nhân viên trong các doanh nghiệp nước này ngại đứng lên vạch tội.

"Vấn đề lớn nhất của các công ty Nhật Bản chính là sự tôn trọng cứng nhắc về hệ thống cấp bậc. Trên thực tế, một người không bao giờ được vượt mặt ông chủ của họ. Nếu không, họ sẽ bị trả thủ", Giám đốc Benes cho biết.