Tập trung tái cơ cấu các DN Nhà nước, trong đó trọng tâm là việc cổ phần hóa với mục tiêu chuyển đổi những DN mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn sang loại hình DN có nhiều chủ sở hữu, huy động vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của DN; Đồng thời tập trung vào công tác thoái vốn đầu tư khỏi các ngành nghề không phải ngành nghề kinh doanh chính... là những nội dung quan trọng trong công tác quản lý DN năm 2015. Phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Long - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Xây dựng) xung quanh vấn đề này:
Thưa ông, đến thời điểm này, công tác cổ phần hóa (CPH) các DN thuộc Bộ Xây dựng đã được triển khai như thế nào, có đạt được tiến độ đã đề ra hay không?
- Có thể nói đến thời điểm này, công tác CPH DN năm 2014 đã theo đúng tiến độ kế hoạch đề ra. Tính đến hết năm 2013, Bộ Xây dựng còn 9 TCty và 10 Cty con là DN 100% vốn Nhà nước. Ngay từ đầu năm 2014, chúng ta đã đồng loạt triển khai CPH toàn bộ các DN này, gồm: 9 Cty mẹ - TCty: Vật liệu xây dựng số 1 (FiCO), Xây dựng số 1 (CC1), Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Cơ khí xây dựng (COMA), Sông Đà, Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Đầu tư phát triển đô thị và KCN Việt Nam (IDICO) và Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) và 10 Cty con CPH cùng Cty mẹ. Hiện nay, Bộ đã hoàn thành các thủ tục pháp lý để tiến hành các bước CPH như: Thành lập toàn bộ các Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo CPH, phê duyệt kế hoạch CPH, lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá trị DN, tư vấn xây dựng phương án CPH, phê duyệt dự toán chi phí CPH.
Tháng 12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt được Phương án CPH TCty Xây dựng và phát triển hạ tầng (LICOGI), là đơn vị chuyển tiếp từ năm 2013. Dự kiến đến 31/12/2014, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH các TCty FiCO, CC1, COMA và LILAMA và tổ chức IPO trong quý I/2015. Đồng thời tiếp tục thực hiện xác định giá trị DN các TCty Sông Đà, VICEM, HUD, IDICO, VNCC. Theo kế hoạch đề ra đến hết quý II/2015, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH các TCty Sông Đà, VICEM và cuối năm 2015 sẽ hoàn thành công tác CPH toàn bộ các DN Nhà nước thuộc Bộ.
Thế còn việc thực hiện đề án tái cơ cấu các TCty đã thực hiện đến đâu, thưa ông?
- Theo quan điểm của tôi, tái cơ cấu là nhiệm vụ thường xuyên của DN trong quá trình hoạt động kinh doanh, nhằm thích nghi với những thay đổi của môi trường kinh doanh và nội tại DN. Song song với việc thực hiện CPH, là một giải pháp tái cơ cấu quan trọng, thì các DN đang tiếp tục thực hiện theo Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt, trong đó trọng tâm là công tác thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Cụ thể, Bộ đã phê duyệt 159 danh mục cần thoái vốn với giá trị 5.047,37 tỷ đồng. Tính đến 15/12/2014, các TCty đã và đang thực hiện thoái vốn tại 54 danh mục thoái vốn với giá trị 2.376,79 tỷ đồng, chiếm 47,09% kế hoạch thoái vốn, trong đó đã thoái vốn thành công tại 36 danh mục với tổng giá trị là 1.027,5 tỷ đồng (gồm 31 danh mục thoái 100% vốn và 5 danh mục thoái được một phần vốn), đạt 20,36% kế hoạch thoái vốn; đang tiếp tục thực hiện thoái tại 18 danh mục với tổng giá trị 1.349,24 tỷ đồng, chiếm 26,73% kế hoạch thoái vốn. Bộ thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, yêu cầu các TCty tích cực triển khai, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn; Tiếp tục rà soát, bổ sung những DN mà Nhà nước không cần nắm giữ để xây dựng lộ trình thoái vốn trước năm 2016.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án tái cơ cấu một số DN xi măng đang gặp khó khăn và đang có kết quả tốt. Nhiều TCty thuộc Bộ đã chủ động thực hiện sáp nhập một số Cty con, Cty liên kết; sáp nhập, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện nhằm làm tinh gọn bộ máy quản lý. Tái cơ cấu quản trị DN tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động, hệ thống nội quy, quy chế, quy định quản lý nội bộ, sắp xếp, kiện toàn mô hình tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành theo hướng tinh gọn, chuyên môn hóa. Tăng cường trách nhiệm, quyền hạn, kiểm tra và giám sát của Cty mẹ đối với người đại diện phần vốn tại các DN khác.
Nhìn chung, với tình hình chung của nền kinh tế đã đỡ khó khăn hơn, dự kiến năm 2014 các DN thuộc Bộ cũng đạt kết quả kinh doanh tương đối khả quan, chứng tỏ bước đầu việc thực hiện tái cơ cấu đang đạt hiệu quả.
Theo ông, chúng ta cần phải có những giải pháp gì để có thể đạt được mục tiêu CPH và tái cơ cấu DN trong năm 2015?
- Như chúng ta đều biết, năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015, đồng thời cũng là năm cuối để thực hiện các Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Bộ Xây dựng đã đặt mục tiêu đến hết năm 2015 sẽ hoàn thành CPH toàn bộ các TCty trực thuộc Bộ và sang năm 2016 sẽ không còn DN 100% vốn Nhà nước.
Còn về lĩnh vực tái cơ cấu, phấn đấu đến hết năm 2015 chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính; tiếp tục rà soát bổ sung những DN mà Nhà nước không cần nắm giữ để xây dựng lộ trình thoái vốn...
Để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về tái cơ cấu, CPH theo đề án đã được phê duyệt, theo tôi, việc đổi mới tư duy, nhận thức của cán bộ lãnh đạo, người lao động DN trong công tác CPH, tái cơ cấu là rất quan trọng. Bộ cần quy định việc thực hiện kế hoạch CPH, tái cơ cấu là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo DN. Việc thực hiện giải pháp CPH các Cty con cùng với Cty mẹ sẽ giúp rút ngắn được thời gian, kiểm soát được tiến độ, tiết kiệm chi phí và lựa chọn được phương án CPH phù hợp; Các DN chủ động chuẩn bị hồ sơ, tài liệu pháp lý để CPH; áp dụng các biện pháp xử lý linh hoạt, hữu hiệu, dứt điểm đối với các DN đang gặp khó khăn lớn về tài chính, lao động; Chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan để giải quyết các vấn đề vướng mắc khi CPH; Tập trung chỉ đạo, giám sát, hướng dẫn đối với các DN trong suốt quá trình CPH...
Xin cảm ơn ông!