Theo đó, Tập đoàn Hòa Phát xin đầu tư nhà máy thép với công suất 4 triệu tấn/năm (giai đoạn 1 là 2 triệu tấn/năm trên diện tích 150ha), sản phẩm sản xuất gồm thép dài chất lượng cao, thép hình và thép tấm; Vốn đầu tư từ 2 - 2,5 tỷ USD.
Tổng quy mô dự án cần khoảng 300 - 350ha, số lao động khoảng 5.000 người, trong đó giai đoạn 1 cần khoảng 3.000 người.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng cho biết: "Nhà đầu tư đề nghị xin Thủ tướng Chính phủ cho phép dự án được hưởng các ưu đãi về thuế và tiền thuê đất tương tự dự án thép Quang Lian. Đồng thời, đề nghị giải quyết dứt điểm về đất, tài sản gắn liền với đất của nhà đầu tư cũ và Tập đoàn Hòa Phát sẽ thanh toán lại theo nguyên tắc dự án mới sử dụng được".
Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp nhận ý kiến đầu tư của 2 đơn vị là Tập đoàn Hòa Phát và Tập đoàn Hoa Sen cùng chọn đầu tư trên vị trí dự án thép Guang Lian. Nhà đầu tư đang lựa chọn 2 phương án, đó là: chuyển nhượng dự án và đầu tư mới trên một phần diện tích 375ha của dự án thép Guang Lian.
Sau khi Tập đoàn Hoa Sen khảo sát và trao đổi ý tưởng đầu tư, vào ngày 14/10/2015, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi Tập đoàn Hoa Sen nhưng đến nay vẫn chưa nhận hồi âm. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đề nghị Thường trực Tỉnh ủy xem xét, đồng ý chủ trương cho Tập đoàn Hòa Phát nghiên cứu đầu tư như nội dung đề nghị trên.
Trước đó, vào tháng 9/2006, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép đầu tư cho nhà máy thép Guang Lian. Sau 9 năm, nhà đầu tư này xin điều chỉnh giấy phép đầu tư 5 lần. Đến tháng 7/2015, chủ đầu tư xin ngừng dự án vì không có khả năng thu xếp vốn.