15 thương vụ M&A tài chính và công nghệ đình đám nhất năm 2013 - 2014

Đằng sau mỗi thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A), không nhiều thông tin được công bố rộng rãi ra truyền thông.

HDBank nhận sáp nhập Daiabank

Thương vụ đang chú ý nhất ngành ngân hàng năm 2013 là Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) với tỷ lệ 1:1.

HDBank sau sáp nhập sẽ có vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng, tổng tài sản trên 85.000 tỷ đồng và mạng lưới hoạt động hơn 210 điểm giao dịch trên cả nước.

Grant Thornton - Nexia ACPA

Bắt đầu từ ngày 1/7/2014, Công ty TNHH Grant Thornton (Việt Nam) và Công ty TNHH Kiểm toán & Tư vấn Nexia ACPA (ACPA) chính thức sáp nhập hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Công ty sau khi sáp nhập sẽ tiếp tục là thành viên chính thức của mạng lưới Grant Thornton toàn cầu và hoạt động dưới tên gọi Grant Thornton.

HDBank mua lại Công ty tài chính SGVF

HDBank mua lại 100% vốn của Công ty Tài chính Việt Société Générale (Pháp), một trong những Công ty tài chính nước ngoài lớn nhất Việt Nam.

Theo đó, Công ty Tài chính Việt Société Générale sẽ chuyển thành công ty con thuộc HDBank. Đây là giao dịch đầu tiên theo phương thức mua lại tổ chức tín dụng và khả năng sẽ mở đầu cho xu hướng các định chế Việt Nam mua lại các định chế khác để hình thành các tập đoàn tài chính-ngân hàng, góp phần làm giảm số lượng các định chế tài chính trong xu hướng tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

PVFC và WesternBank sáp nhập, hình thành PVcombank

Tổng công ty tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC - mã PVF) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank) hợp nhất và chuyển thành Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcom Bank). Tỷ lệ chuyển đổi 1:1.

PVcombank chính thức được cấp giấy phép thành lập và hoạt động vào ngày 16/9/2013 với vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng. Sáp nhập với Westernbank, cổ phiếu PVF đã bị hủy niêm yết trên Sở GDCK Tp.HCM từ ngày 23/9/2013.

VPBank mua lại Công ty tài chính TKV

Vào tháng 6/2014, Chính phủ đồng ý về chủ trương cho phép Tập đoàn Than-Khoáng sản (Vinacomin) bán 100% vốn điều lệ tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tài chính Than-Khoáng sản Việt Nam (CMF) cho VPBank.

Việc Vinacomin bán lại phần vốn tại CMF cho VPBank nhằm thực hiện chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng.

MBS và VIT sáp nhập

Lần đầu tiên có 2 CTCK hợp nhất với nhau. CTCP Chứng khoán MBS hợp nhất với CTCP Chứng khoán VIT thành CTCP Chứng khoán MBS

Việc hợp nhất này nhằm xóa lỗ lũy kế của MBS để các năm về sau MBS có thể tích lũy lợi nhuận trả cổ tức cho cổ đông và niêm yết trên sàn chứng khoán, hướng tới giai đoạn phát triển mới của công ty.

Navibank chuyển thành Ngân hàng quốc dân NCB

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 86 về việc thay đổi tên gọi của Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt (Navibank). Theo đó, NaviBank đã đổi tên là Ngân hàng Quốc dân.

NaviBank là một trong 9 ngân hàng được xác định là yếu kém buộc phải tái cơ cấu. Tuy nhiên, với trường hợp này, Ngân hàng Nhà nước cho phép nhà băng này tự tái cấu trúc bằng chính nguồn lực của mình mà không cần phải sáp nhập với ngân hàng nào khác.

Dù đổi tên nhưng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng Quốc dân sẽ tuân theo giấy phép hoạt động của Ngân hàng Nam Việt (Navibank cũ).

IAG (Insurance Australia Group) - Bảo hiểm AAA

Tháng 4/2012, công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA đồng ý bán cổ phần 30% cho hãng bảo hiểm Insurance Australia Group (IAG).

Theo thông tin mà IAG công bố trên sàn giao dịch chứng khoán Australia, số cổ phần này được định giá ở mức xấp xỉ 20 triệu USD. Ngoài ra, nội dung của thương vụ còn bao gồm quyền chọn cho phép IAG nâng mức cổ phần nắm giữ trong AAA lên mức 49%.

Sumitomo mua lại cổ phần của Kusto tại Mobivi

Mobivi là một tổ chức phi ngân hàng đầu tiên của Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước cho phép cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán. Hiện nay đã có 3 tập đoàn đầu tư vào Mobivi, bao gồm: Experian, Kusto Tiger Fund Private và Unitus Impact.

Trong năm 2013, Kusto đã thoái vốn thành công tại MobiVi cho Sumitomo và sẵn sàng có nguồn tiền mới để tiếp tục đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong năm 2014.
CareerBuilder mua lại VON

Công ty đến từ Mỹ CareerBuilder mua 100% và đầu tư toàn diện vào Công ty cổ phần Vietnam Online Network (VON) - đơn vị sở hữu một trong những trang tìm việc lớn tại Việt Nam.

Thương vụ mua bán này không được tiết lộ giá trị, ngay sau buổi ký kết, VON sẽ được đổi tên thành CareerBuilder Việt Nam. Trước đó, vào năm 2007, VinaCapital đã đầu tư vào VON, hiện quỹ này cũng đã thoái toàn bộ vốn của mình tại Vietnam Online Network.

CDH Electric Bee Ltd - Thế Giới di động

Năm 2013, CDH mua hơn 2 triệu cổ phiếu của Thế giới di động, tương đương tỷ lệ nắm giữ là 19,88% và trở thành cổ đông lớn của công ty. Tháng 7/2014, Thế Giới di động đã niêm yết cổ phiếu, giá trị vốn hóa đạt khoảng 250 triệu USD.

MWG là công ty có tốc độ phát triển rất nhanh. Từ một cửa hàng trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM), chỉ sau 10 năm, MWG đã xây dựng 232 siêu thị, chiếm 24% thị phần điện thoại di động và 21% thị phần máy tính bảng. Với hệ thống các điểm phân phối dày đặc, MWG không cần kho và không tốn kém chi phí kho vận.

FPT - RWE Slovakia

FPT đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn RWE về việc mua lại Công ty RWE IT Slovakia (đơn vị thành viên của Tập đoàn RWE).

Theo thỏa thuận này, RWE IT Slovakia sẽ trở thành công ty 100% vốn của FPT Software tại châu Âu và được đổi tên thành FPT Slovakia. Đây là thương vụ mua bán - sáp nhập đầu tiên tại thị trường nước ngoài của FPT nói riêng và lĩnh vực công nghệ thông tin Việt Nam nói chung.

FPT - 123mua

Tập đoàn FPT và Công ty cổ phần VNG đã hoàn tất việc chuyển nhượng sàn thương mại điện tử 123mua.vn.

Với mục tiêu sở hữu trang thương mại điện tử có nhiều giao dịch nhất theo mô hình mua bán đảm bảo, FPT sẽ tiếp quản và thực hiện các hợp đồng đã ký với khách hàng của 123mua.vn.
Nhóm Mua sáp nhập với Cùng Mua

Ngày 12/12, hai công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử với hình thức mua hàng theo nhóm là Nhóm Mua và Cùng Mua đã ký thỏa thuận hợp tác.

Theo đó, đôi bên sẽ được quản lý chung bởi của công ty IDG Ventures Việt Nam và quỹ Rebate Networks (hai đơn vị đầu tư Nhóm Mua trước đây). Đây được xem là một trong những vụ sáp nhập doanh nghiệp thương mại điện tử lớn và đáng chú ý nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.

MOL - Ngân lượng

MOL Access Portal Sdn. Bhd (MOL), công ty cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử đến từ Malaysia, đã chính thức ký kết thỏa thuận liên doanh với PeaceSoft Group, doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam, để có được 50% cổ phần của Ngânlượng.vn (https://www.nganluong.vn/), đơn vị thanh toán trực tuyến thuộc sở hữu của PeaceSoft.

En-Japan - Vietnamworks

Tỷ lệ sở hữu của En-Japan tại Navigos là 89,8% và tập đoàn này sẽ mua nốt 10,2% còn lại vào tháng 3/2016.

Navigos là công ty sở hữu 2 trang điện tử chuyên về tuyển dụng trực tuyến là www.vietnamworks.com và www.navigossearch.com. Navigos Group được thành lập bởi những nhân sự chủ chốt của Mekong Capital như chủ tịch Jonah Levey, hay Chris Freund.

Về phía bên mua, En-Japan là một doanh nghiệp niêm yết chuyên kinh doanh dịch vụ tuyển dụng nhân sự trực tuyến.